Vi phạm trật tự xây dựng tại TP.HCM: Có hay không "con voi chui lọt lỗ kim"?
Vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP. HCM vẫn đang diễn biến phức tạp, từ xây nhà ở cá nhân sai phép, không phép cho đến các dự án lớn.
Dư luận bức xúc, tại sao có những công trình lớn, vi phạm rõ như ban ngày mà các cơ quan chức năng không hề hay biết và cũng không rốt ráo xử lý. Có hay không tình trạng bao che, “con voi chui lọt lỗ kim”?
Muôn hình vạn trạng
Một sự vụ thách thức cơ quan chức năng thời gian qua là Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Tân Bình đã có tới 19 hành vi vi phạm về đầu tư, xây dựng tại dự án tổ hợp nhà ở, nhà ở xã hội Tân Bình (địa chỉ số 32 Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh). Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến đã phải ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt cao kỷ lục từ trước đến nay là 1,64 tỷ đồng.
Điều lạ lùng là vi phạm này đã được chính quyền cấp thành phố chỉ đạo UBND quận Tân Bình và các sở ngành liên quan; trong đó, có Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra, xử lý đối với chủ đầu tư, cũng như làm rõ dấu hiệu bao che, hợp thức hóa sai phạm, nhưng không hiểu sao vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Một sự vụ khác cũng làm nóng dư luận là vừa qua UBND quận 1 có kết luận Thanh tra số 208/KL- UBND liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng tại Phòng Quản lý đô thị quận 1. Qua kiểm tra phát hiện nhiều cán bộ đô thị quận 1 đã tham mưu cấp giấy phép xây dựng không đúng quy định tại nhiều công trình ở vị trí đắc địa như 41 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 157 Lê Thánh Tôn, 17 Nguyễn Trãi, 90/88A Nguyễn Đình Chiểu… dẫn đến việc chủ đầu tư “được” xây tăng tầng, đua ban công, vi phạm khoảng lùi, tính toán sai diện tích sàn xây dựng.
Quận 1 là quận trung tâm và cũng là bộ mặt của thành phố. Những vi phạm của cán bộ quản lý đô thị tại đây sẽ là nguyên nhân dẫn tới vi phạm trật tự xây dựng, hình thành các ô phố không theo quy hoạch.
Tình hình vi phạm trật tự xây dựng ở địa bàn ngoại thành cũng không hề “kém nhiệt”. Tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức, Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Địa ốc Việt Nam House rao nhận là chủ đầu tư dự án chung cư mini Vietnam House Tower với giá thuê từ 400 triệu đồng trong vòng 20 năm. Tuy nhiên, dự án này được xây dựng trên 2 thửa đất gộp lại; trong đó, có cá nhân ông Lưu Nguyên Quảng.
Tại giấy phép xây dựng số 267/GPXD ngày 12/6/2017 do UBND quận Thủ Đức cấp cho ông Lưu Nguyên Quảng xác định, đây là nhà ở riêng lẻ và cho phép xây dựng 1.898 m2 với quy mô 3 tầng, 1 tầng lửng và mái che cầu thang.
Đến khi phát hiện dự án Vietnam House Tower xây dựng sai phép (xây thêm gác, tăng diện tích, phát sinh cầu thang), Thanh tra Sở Xây dựng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, điều lạ lùng là UBND phường Linh Đông vẫn không có biện pháp theo dõi, ngăn chặn mà vẫn để công trình hoàn thành và bán cho nhiều khách hàng.
Cũng liên quan đến Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại và Xây dựng Địa ốc Việt Nam House, trên đường Võ Văn Bích, huyện Củ Chi, công ty này rao bán dự án đất nền Green City 1 nhưng chưa được cấp phép của cơ quan có chức năng. Sau khi tiến hành san ủi đất ruộng đã cắm biển quảng cáo, rao bán sản phẩm. Tiếp đó, công ty này tiến hành làm đường nội bộ, lát vỉa hè ngay lộ giới đường Võ Văn Bích. Sau khi báo chí phản ánh, UBND huyện Củ Chi đã kiểm tra và buộc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại và xây dựng địa ốc Việt Nam House tháo dỡ phần vỉa hè tiếp giáp với đường Võ Văn Bích.
Công trình vi phạm của cán bộ?
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, từ ngày 15/11/2017 đến 15/5/2018, thanh tra Sở đã kiểm tra gần 270.000 lượt, phát hiện 7.360 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; trong đó, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hơn 2.400 trường hợp xây sai phép và 1.430 trường hợp xây không phép.
Tại huyện Củ Chi, trong 6 tháng đầu năm 2018 đã cấp mới gần 2.000 giấy phép xây dựng và trên địa bàn huyện đã xảy ra 54 trường hợp xây dựng không phép, tập trung ở xã Bình Mỹ (19 vụ). Tình trạng xây dựng không phép có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt ở các xã có tốc độ đô thị hoá nhanh, giáp ranh huyện Hóc Môn như xã Bình Mỹ, Tân Thạnh Đông, Tân Phú Trung, Tân Thông Hội…
Tại huyện Củ Chi, không ai là không biết đến khu dã ngoại Green Park, tọa lạc tại 83/13 Nguyễn Kim Cương (bến cây dừa), ấp 10, xã Tân Thạnh Đông. Nơi đây thu hút lượng lớn học sinh trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận đến trải nghiệm, vui chơi có thu phí.
Khu dã ngoại Green Park được xây dựng với 2 khu; trong đó, khu nằm trong khu dân cư hiện hữu có nhà gỗ, bể bơi, hồ cá, chuồng nuôi thú, khu trưng bày nông cụ, làng nghề truyền thống… Còn khu dã ngoại nằm trên đất ruộng, sát kênh được dựng các mái tôn, trụ thép kiên cố, nền đất được san ủi, gia cố thành nơi trồng nấm, vườn rau, nuôi cá, đua thuyền.
Theo xác nhận của đại diện UBND huyện Củ Chi, công trình này đã đưa vào sử dụng hơn 1 năm nay, do vợ chồng Bí thư huyện uỷ huyện Củ Chi Trương Văn Thống xây dựng và làm nhà ở. Cơ quan chức năng của huyện chỉ cấp giấy phép xây dựng nhà hàng phía trong khuôn viên bên cạnh nhà ở hiện hữu trước đây.
Các thành phần khác như hồ bơi, hồ cá, khu nuôi thú, nhà gỗ… không cấp phép. Đối với phần công trình được xây dựng trên đất ruộng, giáp con kênh thì huyện không nắm được. Phần này do UBND xã Tân Thạnh Đông quản lý.
Cách trụ sở UBND xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi khoảng 500 m là “khu dân cư”, mọc lên giữa khu đất ruộng trồng rau muống. Tiếp giáp phía con kênh là hàng trăm căn nhà được xây dựng kiên cố, cao 2 tầng với đủ loại diện tích từ 40 – 80 m2. Trong vai người mua nhà, chúng tôi được một số đối tượng ở đây rao bán căn 40 m2 với giá khoảng 800 triệu đồng.
Tuy nhiên, pháp lý các căn nhà ở đây đều không có sổ riêng mà chỉ có sổ chung, bán giấy tay, chờ hợp thức hoá để tách sổ. Hạ tầng chưa được đấu nối, đường nội bộ khu vực chỉ có khoảng 2 m, không có hệ thống thoát nước, chỉ một vài cơn mưa nhỏ là ngập đến sân. Ngoài ra, người mua nhà phải tự bỏ tiền để nâng đường, đắp đường.
Trao đổi với phóng viên về “khu dân cư” này, đại diện UBND huyện Củ Chi xác nhận, khu vực đất nói trên đã được chuyển đổi thành đất ở, người dân xin cấp giấy phép xây dựng để làm nhà ở và nhà cho công nhân thuê. UBND huyện cấp giấy phép xây dựng theo quy hoạch còn việc cá nhân chia nhỏ căn hộ để xây như thế nào thì chưa kiểm tra được.
Khi phóng viên cung cấp việc thông tin nhiều người xây nhà lên không phải để cho công nhân thuê mà phân ra nhiều nền diện tích nhỏ, dưới 80 m2 theo quy định của UBND thành phố để rồi rao bán rầm rộ, phá vỡ mật độ dân số, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về mua bán giấy tay nhà ở cũng như an ninh trật tự địa bàn thì đại diện UBND huyện Củ Chi cho hay, sẽ cử lực lượng kiểm tra thực tế.
Đối với việc cấp giấy phép xây dựng như trường hợp nêu trên, theo đại diện UBND huyện Củ Chi, nhiều lần và suốt thời gian dài, huyện đã kiến nghị Sở Xây dựng thành phố có hướng dẫn giải quyết vướng mắc nhưng Sở Xây dựng vẫn không phản hồi.
Cụ thể, UBND huyện Củ Chi xin được tháo gỡ khó khăn về cấp giấy phép chủ 1 hồ sơ xin phép xây dựng nhưng chủ đầu tư lập hồ sơ thiết kế chia thành nhiều căn nhỏ, dẫn tới hình thành các khu nhà ở liền kề, không phù hợp với điều kiện nhà ở nông thôn, phát sinh chuyển nhượng căn hộ bằng giấy tay, ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà, phát sinh các vấn đề về an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn. Chưa kể, các trường hợp xin xây dựng nhà ở với diện tích lớn, trên 300 m2, dễ biến tướng thành nhà kho, xưởng, sử dụng sai công năng nhà ở.
Cũng tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi một dự án được biết đến nhiều năm nay triển khai chưa xong là dự án biệt thự Lucky Garden của Công ty CP Đầu tư Kim Tân Hải quy mô gần 42 ha, tọa lạc tại Tỉnh lộ 9. Đến nay, dự án vẫn còn 5% diện tích chưa đền bù, giải tỏa xong.
Đại diện UBND huyện Củ Chi xác nhận, chủ đầu tư đang xin điều chỉnh dự án và chưa có quyết định giao đất. Trong quá trình triển khai, dự án đã bị Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thế nhưng, điều lạ lùng là mặc dù chưa được giao đất nhưng dự án vẫn ngang nhiên san lấp, làm đường nội bộ, thậm chí giao dịch mở bán sản phẩm.
Để xác minh thêm thông tin, phóng viên đã liên hệ với Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP. HCM, UBND huyện Củ Chi, UBND xã Bình Mỹ và UBND xã Tân Thạnh Đông nhưng nhiều ngày trôi qua, các cơ quan nói trên vẫn "im lặng" một cách khó hiểu. Điều này càng khiến dư luận hoài nghi, có hay không sự bao che cho sai phạm trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa thành phố trong suốt thời gian qua?
Trần Xuân Tình/TTXVN
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội