TP.HCM lúng túng triển khai kế hoạch phát triển nhà ở

Thứ ba, 16/04/2019, 16:12 PM

Theo các quy định hiện hành, khi lập kế hoạch phát triển nhà ở thì các tỉnh thành không cần xác lập danh mục các dự án nhà ở. Thế nhưng, câu chuyện ở TP.HCM có vẻ phức tạp: UBND thì đòi “phải có danh mục”, Sở Tư pháp thì nói “cần xác lập danh mục”, còn riêng Sở Xây dựng khẳng định “chỉ xây dựng danh mục sau khi đã có chủ trương đầu tư”!

thu-thiem

Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn, tham mưu cho UBND TP.HCM thực hiện đúng tinh thần các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015. Cả hai văn bản này đều quy định “không cần xác lập danh mục các dự án nhà ở trong kế hoạch phát triển nhà”

Nhưng Sở Tư pháp lại không cho là như vậy!

Sở Tư pháp nói danh mục nhà ở là chi tiết hóa một số nội dung của Kế hoạch phát triển nhà ở. Sở Tư pháp nhận thấy các quy định chưa xác định cụ thể là kế hoạch phát triển nhà ở có cần hay không cần kèm theo danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Hiện nay, các tỉnh thành có quan điểm và áp dụng luật khác nhau.

Bộ Xây dựng đã có văn bản phản hồi rằng: Khoản 2 Điều 2 của Nghị định 99/2015 không có nội dung về số lượng dự án đầu tư và danh mục dự án. Khoản 3 Điều 3 của nghị định không có nội dung danh mục dự án.

Sở Xây dựng nói rằng “có sự nhầm lẫn tai hại” bởi trong kế hoạch phát triển nhà không thể xác lập danh mục các dự án nhà ở cụ thể. Bởi dự án mới xin chủ trương chấp thuận đầu tư của UBND các tỉnh thành thì không thể có thông tin cụ thể để đưa vào danh mục dự án.

“Việc xem xét để chấp thuận chủ trương, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư là phải phù hợp với nội dung kế hoạch phát triển nhà, chứ không yêu cầu phải có trong danh mục dự án kèm theo” - đại diện Sở Xây dựng nói. Theo Luật Nhà ở 2014, sau khi đã chấp thuận chủ trương thì UBND các tỉnh thành mới xác lập danh mục dự án để công bố công khai và theo dõi việc triển khai thực hiện nhằm bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực.

Đây là hai việc làm khác nhau, tách bạch rõ ràng và không thể làm ngược, tức lập danh mục dự án rồi mới xin chủ trương. “Điều này không phù hợp với quy định pháp luật và không phù hợp với thực tế bởi dự án mới đang xin chủ trương thì lấy đâu ra thông tin mà đưa vào danh mục? Chẳng lẽ, đăng ký rồi duyệt, rồi mới chấp thuận chủ trương... Như vậy lại vô tình tạo ra cơ chế xin cho, phát sinh thêm giấy phép con. Điều này trái với chủ trương của Chính phủ là cắt giảm thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển” - đại diện Sở Xây dựng TP.HCM nói.

Tuy nhiên, ngày 5/4/2019, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ký văn bản khẩn yêu cầu Sở Xây dựng phải lập danh mục dự án để làm cơ sở thực hiện các thủ tục liên quan về chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư cho các dự án trên địa bàn thành phố. Văn bản này cũng hướng dẫn các quận - huyện, ban quản lý các khu đô thị mới về trình tự thủ tục đăng ký các dự án phát triển nhà ở vào kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm của thành phố.

Ngày 9/4/2019, Sở Xây dựng ban hành công văn gửi UBND thành phố khẳng định: “Sau khi các dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư (hoặc điều chỉnh) của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định, thì Sở Xây dựng mới có trách nhiệm xác lập danh mục, bổ sung các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố, để công bố công khai thông tin và theo dõi triển khai thực hiện nhằm bảo đảm đồng bộ, tương ứng với việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phù hợp với định hướng chương trình phát triển nhà ở”.

Quy định pháp luật đã rõ. Bộ Xây dựng cũng đã khẳng định về việc không xác lập danh mục dự án đầu tư khi xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở mỗi tỉnh thành. Thế nhưng, chính quyền TP.HCM vẫn lúng túng khi triển khai thực hiện?

Kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016-2020

Kế hoạch này được phê duyệt ngày 19/11/2018. Theo đó, tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm tối thiểu là 40 triệu đồng/m2 sàn; nâng chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người đến năm 2020 tối thiểu là 19,8m2/người, trong đó 19 quận ở khu vực đô thị là 16,3m2/người và 5 huyện ở khu vực nông thôn là 20,9m2/người.

Dự kiến vốn để phát triển nhà trong giai đoạn này khoảng 316.769 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư xây dựng phát triển nhà ở thương mại là 82.274 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình, cá nhân khoảng 212.661 tỷ đồng; vốn đầu tư nhà ở xã hội tối thiểu là 21.834 tỷ đồng.

Đăng Khoa

Theo NTD

largeer