TP.HCM gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn, hàng loạt dự án chậm triển khai khiến nguồn cung sụt giảm đáng kể. Làm thế nào để gỡ khó cho thị trường bất động sản TP.HCM phát triển ổn định nhằm mở ra nhiều cơ hội sở hữu nhà ở cho người dân?
Thủ tục chồng chéo khiến nhiều dự án đình trệ
Công ty Nghiên cứu Thị trường Bất động sản JLL Việt Nam cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, TP.HCM có 4.500 căn hộ được mở bán chính thức từ 11 dự án, giảm khoảng 50% nguồn cung mới so với quý 4/2018. Nguyên nhân chính là do nhiều dự án phải hoàn chỉnh thủ tục pháp lý theo quy định.
Đại diện Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Việt Gia Phú cho biết, dự án khu nhà ở thương mại - dịch vụ - căn hộ tại góc đường Võ Văn Kiệt - Gia Phú (Q.6, TP.HCM) do công ty làm chủ đầu tư phải thẩm định lại giá đất và hoàn thiện hồ sơ pháp lý nên bị chậm tiến độ.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành, chia sẻ tình trạng phối hợp không ăn ý giữa các sở, ban ngành, thủ tục lòng vòng khiến nhiều doanh nghiệp ngán ngẩm. Doanh nghiệp xin đóng tiền sử dụng đất bổ sung cho dự án đến nay đã 18 tháng vẫn chưa được giải quyết.
Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long, ông Nguyễn Xuân Quang cho rằng, các chính sách từ luật đến nghị định, thông tư hướng dẫn về lĩnh vực bất động sản đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi dẫn đến trong quá trình triển khai có nhiều dự án bị thanh tra, kiểm toán kéo dài. Những vướng mắc này đã được lãnh đạo TP.HCM tìm cách tháo gỡ nhưng vẫn cần giải quyết từ tầm cao hơn. Các dự án ngưng trệ đã dẫn tới việc thiếu nguồn cung, giá cả lên cao.
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Novaland cho biết, tập đoàn có một số dự án chưa được duyệt tiền sử dụng đất nên chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sử hữu nhà ở cho khách hàng khiến khiếu nại, khiếu kiện. TP.HCM sớm phê duyệt tiền sử dụng đất để doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ, các dự án tiếp tục triển khai.
“Các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố đang rất lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc. Việc nhiều dự án phải tạm dừng để rà soát, bổ sung hồ sơ pháp lý theo đúng quy định là cần thiết để bảo đảm quyền lợi người mua. Tuy nhiên, các thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh bởi chậm trễ sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhấn mạnh.
Tháo gỡ bằng cách nào?
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 124 dự án phải tạm ngưng để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng trong năm 2018. Các dự án còn lại phải chờ khi có kết luận của cơ quan chức năng sau khi thanh tra, thành phố sẽ đề xuất hướng xử lý.
Tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản mới đây, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sự phát triển của thành phố có sự đóng góp rất lớn của doanh nghiệp bất động sản. Thành phố chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp khi các dự án ngưng trệ do bị thanh kiểm tra, chủ đầu tư áp lực về lãi suất vay ngân hàng, áp lực khách hàng, đối tác, trong đó có đối tác nước ngoài.
“Trong tổng số 124 dự án chậm tiến độ, những dự án nào đang thanh tra có kết luận sai phạm, đang được công an thụ lý thì phải dừng lại, còn những dự án nào không rơi vào trường hợp nói trên thì UBND thành phố sẽ làm việc với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ tháo gỡ khó khăn để tiếp tục khởi động, triển khai. Thành phố đang xin Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm rút ngắn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng từ 360 ngày xuống còn 240” - ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, thị trường đang có sự sụt giảm nguồn cung. Từ đầu năm đến nay, số lượng dự án nhà ở được cấp phép thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng giảm 63%. Đặc biệt, số dự án đủ điều kiện được bán, cho thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai giảm rất sâu, chỉ có khoảng 10 dự án đủ điều kiện.
Để tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản, HoREA đề xuất thành phố xây dựng “khung cơ chế” về công thức tính giá đất cụ thể theo quy định của Luật Đất đai, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố. Bên cạnh đó, HoREA kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương xem xét, giải quyết đối với các dự án đang bị “đóng băng” do chờ rà soát. Riêng đối với những dự án vướng đất công cần có chính sách đặc thù nhằm giúp nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước để triển khai.
Tấn Lợi
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội