Thương chiến Mỹ Trung có khiến dòng vốn rút khỏi chứng khoán Việt Nam?
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư quan tâm là trong thời gian tới, thông tin này có khiến dòng vốn đảo chiều, rút khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam không?
Trao đổi với PV, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nhận định:
“Khả năng thay đổi đáng kể chính sách kinh tế của Mỹ khiến cho các nhà đầu tư quốc tế điều chỉnh danh mục đầu tư của mình tại các thị trường mới nổi để tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt hơn tại Mỹ. Điều này cũng có thể tác động tiêu cực tới luồng vốn đầu tư gián tiếp vào các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Do đó, nhà điều hành Việt Nam cần theo dõi sát sao, xây dựng kịch bản để có thể ứng phó kịp thời”.
Trong ngắn hạn, TTCK Việt Nam liên thông mạnh với thị trường tài chính quốc tế, do đó, những biến động bất lợi với nỗi lo chiến tranh thương mại trên thị trường quốc sẽ có tác động đáng kể đối với TTCK Việt Nam.
Về trung và dài hạn, theo TS Cấn Văn Lực, trong bối cảnh còn nhiều rủi ro, nhà đầu tư có thể rút vốn từ các thị trường mới nổi về các thị trường ít rủi ro hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên, với mức giá chứng khoán hấp dẫn hơn (hệ số P/E từ 22 lần xuống còn khoảng 14 lần hiện nay), tiềm năng phát triển kinh tế khá cao, chính trị ổn định và các tổ chức quốc tế nâng xếp hạng tín nhiệm gần đây, Việt Nam là một trong số ít nước mới nổi có nhà đầu tư ngoại mua ròng, với mức gần 1,9 tỉ USD trong năm 2018 (tăng 60% so với năm 2017) và khoảng 16.262 tỉ đồng (khoảng 695 triệu USD) từ đầu năm đến nay (24.5.2019).
“Mặc dù vậy, cần lưu ý rủi ro các dòng vốn quốc tế có sự đảo chiều; đồng thời theo dõi sự chuyển dịch dòng vốn từ TTCK sang các kênh đầu tư ít rủi ro hơn như tiết kiệm, bất động sản...”
Về vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), mặc dù trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam biến động mạnh, song Việt Nam vẫn là nơi thu hút mạnh vốn ngoại. Trong 4 tháng đầu năm 2019, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh (đạt mức cao nhất từ trước tới nay), tổng giá trị góp vốn đạt 7,14 tỉ USD, tăng 210% so cùng kỳ năm 2018.
Mặc dù thanh khoản thị trường ở mức khá thấp, song khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh mẽ, đạt hơn 5.100 tỉ đồng trong quý I/2019, trong đó có tới 85% đến từ các quỹ chỉ số ETFs. Khả năng cao khối ngoại sẽ tiếp tục mua ròng trong quý II/2019 và là động lực giúp ổn định TTCK.
Lan Hương
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường