Campuchia tìm thị trường mới và gia tăng giá trị xoài xuất khẩu
Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường xuất khẩu xoài lớn nhất của Campuchia, phần lớn thông qua đường tiểu ngạch để tiêu thụ tại thị trường nội địa và sau đó xuất sang Trung Quốc. Campuchia đang thực hiện các bước căn cơ để nhắm đến những thị trường xa hơn, giá trị hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và kể cả Hoa Kỳ - để tăng giá trị cho trái xoài và kể cả cạnh tranh với Việt Nam.
Diện tích trồng xoài của Campuchia lên đến khoảng 100.000ha, tập trung phần lớn ở Takeo, Kampong Speu, Kampong Cham, Siem Reap và Pursat. Sản lượng trái lên đến một triệu tấn mỗi năm, trong đó loại xoài nổi tiếng - keo romeat - chiếm 10-20% và bán với giá đắt hơn. Loại xoài này được thị trường Việt Nam ưa chuộng với cái tên “xoài keo”.
Số liệu chính thức của Cục Quản lý Chất lượng và An toàn Nông sản Campuchia cho thấy, Việt Nam là thị trường nhập khẩu xoài lớn nhất của Campuchia trong năm 2017 với trên 100.000 tấn, kế đến là Thái Lan với trên 15.000 tấn. Đó là chưa kể lượng xoài nhập qua đường tiểu ngạch, hay nhập lậu, nên trốn được các loại thuế của Campuchia và thuế nhập khẩu lên đến 25% của Việt Nam. Loại xoài được ghi bảng “xoài keo” bày bán trên đường phố Sài Gòn với giá 10.000 đồng/kg vào cuối năm ngoái hay lên đến 20.000-22.000 đồng/kg không phải loại xoài “keo romeat” nổi tiếng. Bởi giá bán tại trang trại ở Campuchia lên đến 2.000 riel/kg, tức khoảng 12.000 đồng/kg.
Thời tiết khô hạn vào những tháng đầu năm nay và sau đó là mưa thất thường có thể khiến sản lượng xoài ở Campuchia giảm mạnh trong năm nay. Phnom Penh Post dẫn lời chủ một trang trại địa phương ở Kampong Speu rằng sản lượng có thể giảm đến 50%.
Sản lượng giảm, không muốn tăng lượng xuất khẩu qua trung gian Việt Nam và Thái Lan, nên các hiệp hội xoài ở nước này đang tìm kiểm thị trường mới, đầu tư vào công nghệ sơ chế và chế biến. Mứt xoài sấy khô, mứt xoài hủ hay nước ép đóng chai có thể giúp gia tăng giá trị cao gấp 60 lần khi xuất sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Mong Reththy, Chủ tịch Tập đoàn Công nông nghiệp MRG, nói nông dân Campuchia chỉ kiếm được 8.000-10.000 USD mỗi năm từ một hecta trồng xoài. Trong khi nông dân trồng xoài ở đảo Hải Nam, Trung Quốc có nguồn lợi nhuận gấp ba lần từ 25.000-30.000 USD. Tập đoàn này muốn giúp nông dân Campuchia có nguồn huê lợi hoa màu cao hơn.
Campuchia và Hàn Quốc đạt được thỏa thuận xuất khẩu xoài từ năm 2015, nhưng các điều kiện vệ sinh và an toàn thực phẩm của xoài Campuchia không đạt các tiêu chuẩn của Hàn Quốc. Tháng 2 vừa rồi, một nhà máy sơ chế và đóng gói trái cây ở tỉnh Kampong Speu được Tập đoàn Hyundai đầu tư 4 triệu USD hoạt động - giúp xoài và các loại trái cây khác của Campuchia bước vào siêu thị Hàn Quốc.
Thị trường Nhật Bản và Trung Quốc là chặng đường chinh phục kế tiếp của xoài Campuchia. Bộ Nông nghiệp nước này đang thương lượng với Trung Quốc để xuất xoài và trái cây vào thị trường khổng lồ này. Đàm phán đang được đẩy mạnh sau khi trang thương mại điện tử JD.com - gã khổng lồ thứ hai sau Alibaba - tuyên bố đầu tư 1 tỷ USD vào Thái Lan để đưa sầu riêng, xoài và các loại trái cây của Thái Lan vào thị trường Trung Quốc.
Lượng xoài tươi Campuchia bán sang EU thông qua Pháp hiện chỉ đạt mức 200-500 tấn một năm. Khi trái xoài Việt Nam sang được thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Campuchia cũng bắt đầu sốt ruột. Yin Chansothy thuộc Bộ Nông nghiệp Campuchia nói: “Nông dân Campuchia chỉ bán được 800-2.000 riel (tức khoảng 4.500-11.500 đồng) mỗi ký xoài qua thương lái trung gian nước ngoài. Khi đến siêu thị Hàn Quốc, châu Âu hay phương Tây, giá mỗi ký xoài này lên đến 30 USD (khoảng 700.000 đồng). Mức tăng vọt giá trị hơn 60 lần”.
Ricky Hồ
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường