Thế mạnh du lịch: Mạnh ai nấy làm
"Ngăn sông cấm chợ" là chuyện của thời bao cấp, cứ tưởng đã lùi vào dĩ vãng nhưng thật ra vẫn tồn tại, chỉ khác là không trắng trợn mà biến tướng, núp dưới nhiều mỹ từ
Vài năm trở lại đây, chính quyền tỉnh Quảng Ninh ban bố lệnh cấm tàu du lịch ở vịnh Hạ Long đưa khách nghỉ qua đêm tại Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng. Ngược lại, tàu du lịch của Hải Phòng muốn đưa khách từ Cát Bà sang tham quan vịnh Hạ Long cũng gặp khó khăn, cản trở từ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh.
Theo ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, "các tàu du lịch của vịnh Hạ Long trước đây để xảy ra nhiều tai nạn thương tâm nên phải từng bước siết chặt, loại bỏ những tàu kém chất lượng". Tăng cường quản lý, loại bỏ tàu không bảo đảm an toàn nhưng tại sao lại cấm toàn bộ tàu từ Cát Bà qua Hạ Long? Lý do này khó thuyết phục bởi chẳng lẽ tàu nào từ Cát Bà qua cũng kém chất lượng?
Các tàu ra vào Hạ Long phải bảo đảm an toàn, phương tiện đang được phép lưu hành và chỉ cần thông báo với cảng vụ. Nếu vi phạm, tùy mức độ mà xử phạt, thậm chí giữ tàu.
Tuy nhiên, bà Vũ Thị Thơm, Hội trưởng Hội Tàu du lịch Cát Bà, cho biết Công ty TNHH Du lịch Thương mại Trịnh Vũ do bà làm giám đốc có gần 10 tàu du lịch vỏ gỗ, được đóng mới từ năm 2017, rất hiện đại, sang trọng và đã được cơ quan chức năng của Hải Phòng thẩm định, cấp phép đăng ký, đăng kiểm, bảo đảm PCCC, mua bảo hiểm… đầy đủ. Thế nhưng, chúng cũng bị "cấm cửa", không thể đưa khách tham quan vịnh Hạ Long hay Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh. Du khách muốn đi thăm hang động, đảo bên vịnh Hạ Long thì buộc phải sang Quảng Ninh rồi mới đi được.
Chưa hết, Quảng Ninh buộc các tàu ở Cát Bà hay bất cứ nơi nào khác vào vịnh Hạ Long phải mở đăng ký kinh doanh. Không hiểu tại sao Quảng Ninh lại đặt ra "luật" như vậy? Bỡi lẽ, tàu của các địa phương khác chỉ chở khách đến Quảng Ninh tham quan chứ không bán dịch vụ nên không thể yêu cầu mở đăng ký kinh doanh.
Trước tình trạng "ngăn sông cấm chợ" của Quảng Ninh, bà Hoàng Hồng Luân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, cho biết UBND huyện cùng các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng đã nhiều lần sang làm việc với UBND TP Hạ Long để tìm giải pháp tháo gỡ "thông tuyến" nhưng bất thành.
Nhân việc này, chúng tôi lại nhớ chuyện các tỉnh, thành nở rộ bộ quy tắc ứng xử cho du khách đến địa phương mình. Các nước khác chỉ có duy nhất "Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng" dành cho cả người dân lẫn du khách. Rồi chuyện vé tham quan các điểm du lịch và nhiều quy định khác của từng tỉnh, thậm chí từng huyện. "Phép vua, thua lệ làng" không còn là chuyện ngày xưa mà là việc rất phổ biến ngày nay.
Du lịch Việt Nam có nhiều thế mạnh nhưng có lẽ là mạnh ai nấy làm dù các khẩu hiệu "liên kết tỉnh, hợp tác vùng" suốt ngày được nêu ra rả... Nếu Tổng cục Du lịch không vào cuộc làm rõ và chấm dứt tình trạng này, vụ việc có thể lan rộng, các địa phương khác sẽ học tập để chứng tỏ quyền quản lý thì du lịch Việt Nam vốn là ngành mũi nhọn nhưng lại đâm tứ phía, trì kéo lẫn nhau đi xuống.
Không có chuyện "ngăn sông cấm chợ"
Trước một số thông tin cho rằng tỉnh Quảng Ninh không cho phép tàu du lịch xuất bến từ Cát Bà sang tham quan vịnh Hạ Long, ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định không có sự "ngăn sông cấm chợ" này. Theo vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, tàu hoạt động trên vịnh Hạ Long chỉ cần bảo đảm đủ tiêu chuẩn kỹ thuật; đồng thời việc xây dựng, kết nối các tuyến phải bảo đảm điều kiện về hạ tầng giao thông thủy.
Theo ông Huy, lượng khách tới vịnh Hạ Long liên tục tăng cao, năm 2017 đón 3,92 triệu lượt khách, trong đó khách nước ngoài là 2,7 triệu lượt. Để cùng quản lý, bảo vệ di sản vịnh Hạ Long, thời gian qua, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và UBND huyện Cát Hải đã ký các quy chế phối hợp, cùng tham gia Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà.
. Ý kiến:
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ: Lợi ích cục bộ, du khách bị vạ lây
Câu chuyện lùm xùm quanh việc tàu du lịch Cát Bà không được qua vịnh Hạ Long tham quan đã xảy ra từ nhiều năm trước và kéo dài đến nay, một phần do tư duy cục bộ địa phương khi nghĩ danh lam thắng cảnh của riêng địa phương mình. Điều này đã gây khó cho các doanh nghiệp làm du lịch ở Cát Bà muốn đưa khách qua vịnh Hạ Long; làm tăng chi phí, tốn kém cho du khách nếu muốn khám phá cả 2 cảnh đẹp ở khu vực này là vịnh Lan Hạ (Cát Bà) và vịnh Hạ Long. Việc này cũng có thể xuất phát từ tư duy "quản không được thì cấm". Thế nhưng, độc tôn với một thắng cảnh nổi tiếng thế giới như vịnh Hạ Long là chưa đúng bởi đây là tài nguyên quốc gia.
Trong câu chuyện này, cần vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đứng ra giải quyết để khai thác tối đa tài nguyên thiên nhiên cho phục vụ du lịch địa phương, du khách. Trong khi Tổng cục Du lịch hô hào các địa phương cần liên kết với nhau làm du lịch thì câu chuyện tàu Cát Bà không được vào vịnh Hạ Long có thể là minh chứng cho điều ngược lại…
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch khám phá Cát Bà: Chiến lược thu tiền tỉ?
Di sản thiên nhiên vốn không phải là của một mình TP Hạ Long hay tỉnh Quảng Ninh mà là điểm tham quan du lịch của cả nước và du khách thế giới đều có quyền đến thăm. Tuy nhiên, không hiểu sao từ khoảng vài năm nay, Quảng Ninh lại một mình áp dụng một luật chơi. Đội liên ngành của Ban Quản lý vịnh Hạ Long đi tuần tra liên tục, họ lại không thu tiền vé mà giữ tàu, cầm giấy tờ về lập biên bản lỗi tàu mình không có lệnh xuất bến của Hạ Long. Trong khi đó, bất cập nhất hiện giờ chính là tàu bè muốn sang vịnh Hạ Long thì phải có lệnh xuất bến từ Tuần Châu. Tức là tàu ở Cát Bà phải đánh sang Tuần Châu để đón khách.
Từ khi thực hiện chiến lược một năm phải thu 600 tỉ đồng tiền vé, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu "chơi bài" cấm tàu du lịch của Cát Bà sang vịnh Hạ Long để nhằm kéo khách du lịch muốn thăm vịnh Hạ Long phải qua bên đó.
Bà Hoàng Hồng Luân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải: Đầu tư nhiều nên không muốn tỉnh khác khai thác
UBND huyện Cát Hải cùng các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng đã nhiều lần sang làm việc với UBND TP Hạ Long để tìm giải pháp tháo gỡ "thông tuyến" nhưng bất thành. Không chỉ có vậy, tàu du lịch của Quảng Ninh cũng bị cấm, không cho sang bên Cát Bà vì họ giữ khách ở lại Quảng Ninh. Nếu có thì họ vẫn cho tàu du lịch ở Hạ Long đưa khách sang Cát Bà nhưng phải về trong ngày chứ không được ngủ lại qua đêm.
Thực tế, Cát Bà chưa có điểm neo đậu cho tàu ngủ đêm nên họ cho rằng tàu du lịch của Hạ Long ngủ đêm tại Cát Bà là vi phạm. Tuy nhiên, nhiều công ty du lịch, tàu du lịch muốn đưa khách sang Cát Bà lên bờ ngủ tại các khách sạn, nhà nghỉ; còn tàu du lịch vẫn vào đậu trong âu cảng an toàn nhưng không được các cơ quan chức năng ở Quảng Ninh chấp nhận. Tỉnh Quảng Ninh đầu tư khá nhiều nên họ không muốn mình khai thác khách của họ.
Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Quản lý để bảo đảm tính bền vững
Việc cấp phép các phương tiện hoạt động trên vịnh Hạ Long là cần thiết để bảo đảm an toàn, an ninh trật tự và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tránh tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan như giai đoạn trước, bảo đảm tính bền vững cho du lịch vịnh Hạ Long.
Quan điểm của Quảng Ninh là không hạn chế bất cứ tàu, phương tiện của tỉnh nào vào hoạt động trên vịnh Hạ Long nhưng phải bảo đảm thực hiện được theo đúng các quy định của pháp luật về vận tải, cũng như bảo đảm các mục tiêu phục vụ du khách và giữ gìn hình ảnh vịnh Hạ Long.
Thái Phương - Trọng Đức
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch