Tay không diễu võ giương oai làm gì?

Thứ tư, 26/09/2018, 19:24 PM

Không rõ bà chủ tiệm vàng ở Sơn La khi đó có lâm vào tình thế buộc phải giằng co với tên cướp hay không nhưng tôi cho rằng không nên khuyến khích hành động này. Tay không đánh cướp có vũ khí chưa bao giờ là lựa chọn khôn ngoan.

Mấy ngày qua, dư luận lại xôn xao, choáng váng vì sự táo tợn của nghi phạm trong vụ cướp ngân hàng ở huyện Châu Thành, Tiền Giang và cướp tiệm vàng Trường Ký ở Sơn La. Chẳng đâu có lượng tiền mặt nhiều và nhanh như ngân hàng, chẳng đâu có nhiều vàng như tiệm kim hoàn...

Kẻ cướp vì thế luôn sẵn sàng ra tay một cách liều lĩnh nhất ở những nơi vốn được chúng xem là “địa chỉ” đầy tiềm năng ấy. Điều này không có gì đáng tranh cãi nhưng phản ứng của người có mặt trong vụ cướp tiệm vàng và ngân hàng mới đây khi bị cướp tấn công lại rất khác nhau và điều này làm dấy lên câu hỏi: Bị cướp tấn công, kháng cự hay bỏ chạy?

26

Trong vụ ở Tiền Giang, khi thấy xuất hiện đối tượng có biểu hiện bất thường, nhân viên bảo vệ ngân hàng từ bên trong đã tiến đến cửa đứng chắn trước nghi phạm. Tuy nhiên, khi nghi phạm rút ra vật giống khẩu súng chĩa về phía bảo vệ, đe dọa thì người bảo vệ lập tức lùi bước vào trong để mọi việc diễn ra theo ý muốn của tên cướp.

Đây không phải sự việc hiếm hoi, khi bị đối tượng cướp tấn công, lực lượng bảo vệ của các ngân hàng chỉ đứng im chịu trận. Thậm chí, trong một số trường hợp khi thấy cướp xông vào, bảo vệ ngân hàng còn mặc tất cả, bỏ chạy thoát thân.

Nói như một người làm trong ngành an ninh, khi ngân hàng bị cướp, bảo vệ chỉ biết làm một việc duy nhất là bỏ chạy, để lại các nhân viên nữ bị đối tượng cướp khống chế.

Tuy nhiên, ở một chiều ngược lại, trong vụ tấn công tiệm vàng Trường Ký ở Sơn La, một mình bà chủ tiệm vàng đã chống lại 3 tên cướp có vũ khí. Việc bà chủ vật lộn với tên cướp trong khi bị tên khác gí vật giống súng vào đầu đe dọa được một số người ngợi ca là hành động táo bạo, quyết liệt.

Dù không biết có phải bà chủ tiệm vàng khi đó lâm vào tình thế buộc phải giằng co với tên cướp hay không nhưng dẫu vậy, tôi cho rằng không nên khuyến khích hành động này. Tay không đánh cướp có vũ khí chưa bao giờ là lựa chọn khôn ngoan.

Đã có biết bao người phải bỏ mạng vì hành động côn đồ, manh động của những kẻ máu lạnh. Có biết bao gia đình lâm vào bi kịch chỉ vì phút đương đầu, chống trả quyết liệt với cướp. Khi không đủ sức và trang bị để có khả năng chống lại bọn cướp có vũ khí, tốt nhất lùi lại để bảo vệ mình. Biết tiến, biết lùi đúng lúc mới đích thực là mưu lược.  

Và dư luận cũng thôi đừng lên án hay chỉ trích những bảo vệ ngân hàng vừa thấy cướp xông vào đã vội chạy trốn là chưa tròn nhiệm vụ. Hiện nay, bảo vệ của các ngân hàng chủ yếu chỉ đang làm nhiệm vụ giữ trật tự, hướng dẫn cho khách đến văn phòng giao dịch ngân hàng. Họ không được trang bị vũ trang và không có đủ nghiệp vụ để chống đỡ được những đối tượng cướp táo bạo.

Trong mọi trường hợp, mạng sống của con người là thứ quý giá nhất và đáng được bảo trọng nhất. Vì lẽ đó nên người bảo vệ tìm mọi cách để thoát thân khi thấy mình không có khả năng chống đỡ trước côn đồ hung hãn hay cướp táo tợn là điều nên cảm thông và chấp nhận. Không thể trách và không nên trao cho người ta nhiệm vụ quá sức của họ, đặc biệt khi điều đó có thể đánh đổi bằng mạng sống.

Đối với bất kể công việc nào cũng cần đến sự chuyên nghiệp. Nhưng trong vấn đề bảo vệ các cơ sở được xem là mục tiêu tiềm năng của cướp giật như tiệm vàng hay ngân hàng thì sự chuyên nghiệp càng cần được đẩy cao hơn bao giờ, bởi đó chính là quyết định của sự sống hay cái chết.  

Ngân hàng, thậm chí các tiệm vàng nên chăng cần tổ chức lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản chứ không phải chuyện sắp xếp người già hay người “không biết làm gì thì cho làm bảo vệ”.

Ngoài việc trang bị các thiết bị tối tân cho công tác an ninh, có lẽ cũng đến lúc ngân hàng cần được bảo vệ bằng vũ trang. Việc ai có quyền sử dụng vũ khí và quản lý vũ khí ra sao cho đảm bảo an toàn là câu chuyện hoàn toàn có thể tính được.

Thêm nữa, các ngân hàng, tiệm vàng cũng cần có sự phối hợp với các cơ quan hữu quan để hỗ trợ tốt nhất công tác bảo vệ. Việc bảo vệ tốt các cơ sở này không chỉ giúp bảo toàn tính mạng cho người làm mà còn là lưới bảo vệ cho các khách hàng khi đến đây giao dịch.

Mạng sống của con người luôn là thứ quý giá nhất trong cuộc đời này.  

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Vũ Thu Hương

Theo Nguoiduatin

largeer