Không muốn xem quảng cáo trên Facebook thì phải trả tiền

Thứ năm, 09/11/2023, 10:32 AM

Sau thời gian dài miễn phí, hiện nay một số mạng xã hội, nền tảng trực tuyến bắt đầu triển khai thu phí người dùng.

Hãng Meta, đơn vị sở hữu mạng xã hội Facebook và Instagram, vừa công bố kế hoạch thu phí người dùng châu Âu từ tháng 11-2023. Đây là lần đầu tiên Meta thu phí dịch vụ người dùng.

Cụ thể người dùng Facebook, Instagram nếu không muốn xem quảng cáo thì phải trả mức phí 14 USD mỗi tháng (tương đương khoảng 340.000 đồng) dành cho người sử dụng thiết bị di động và 10,5 USD mỗi tháng (khoảng 255.000 đồng) với bản máy tính. Điều này đồng nghĩa với việc nếu người dùng không bỏ tiền thì phải chấp nhận xem quảng cáo được cá nhân hóa.

Không quá bất ngờ

Hãng Meta giải thích rằng việc thu phí nhằm tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu trong khu vực châu Âu. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc triển khai thu phí là một cách để tạo doanh thu cho các công ty công nghệ và trong tương lai không xa có thể áp dụng tại Việt Nam. Bởi thực tế không chỉ Meta mà gần đây nhiều mạng xã hội, nền tảng trực tuyến đã triển khai việc thu tiền người dùng với các mức giá khác nhau tùy nhu cầu sử dụng.

Thời gian qua nhiều mạng xã hội, nền tảng trực tuyến đã triển khai thu phí người dùng.  Ảnh: MINH HOÀNG

Thời gian qua nhiều mạng xã hội, nền tảng trực tuyến đã triển khai thu phí người dùng. Ảnh: MINH HOÀNG

Việc nhiều nền tảng đồng loạt triển khai thu phí khiến người dùng tốn thêm một khoản tiền nhất định. Tuy nhiên, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ThS Phạm Đình Thắng, chuyên gia đào tạo bảo mật của Hội đồng Quốc tế tư vấn thương mại điện tử (ECCouncil), cho rằng các mạng xã hội hay nền tảng trực tuyến thu phí là điều không quá bất ngờ. Bởi bất cứ cá nhân hay tổ chức nào sử dụng dịch vụ thì phải trả phí ít hay nhiều tùy thuộc vào chính sách cũng như nhu cầu của người dùng.

80 triệu người dùng Facebook

Theo thống kê của NapoleonCat, Việt Nam có hơn 80 triệu người dùng Facebook tính đến tháng 4-2023, chiếm hơn 83% toàn bộ dân số. Hơn phân nửa trong số này là phụ nữ (51,2%) và nhóm 25-34 tuổi là nhóm người dùng Facebook chiếm tỉ lệ cao nhất.

“Tôi cho rằng việc thu phí không chỉ gia tăng trải nghiệm cho người dùng mà còn đem lại lợi nhuận cho chính các hãng công nghệ sau một thời gian dài miễn phí. Điều này là hợp lý” - ông Thắng bình luận.

Ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, thành viên mạng lưới lãnh đạo Meta Boost, chủ nhiệm bộ môn Thương mại điện tử Trường CĐ FPT Polytechnic, cũng nhìn nhận việc thu phí người dùng mạng xã hội là ý tưởng được nhiều nhà sáng lập ứng dụng tính đến từ lâu và thực tế đã có nhiều đơn vị bắt tay vào việc thu phí. Tuy nhiên, các công ty công nghệ rất “khôn khéo” khi biến sản phẩm miễn phí thành sản phẩm miễn phí có điều kiện, tức họ đưa ra các chính sách không ép buộc người dùng phải trả phí mà xuất phát từ sự phiền toái, muốn giải quyết bức xúc trong quá trình sử dụng mạng xã hội của người dùng.

Cũng theo ông Huy, thu phí từ các gói đăng ký không quảng cáo là một nguồn thu mới cho các ứng dụng để tăng doanh số và lợi nhuận. Ví dụ với trường hợp của Meta, việc thu phí tuy chỉ mới bắt đầu ở châu Âu nhưng rất có thể tới đây sẽ triển khai chính sách này tại Việt Nam. “Dù vậy, việc thu và thu ra sao của Facebook vẫn sẽ phải nương theo các yếu tố pháp lý và quy định của Chính phủ Việt Nam, cũng như lợi nhuận và số lượng người dùng mạng này tại Việt Nam” - ông Huy nói.

 Để người dùng không quay lưng với quảng cáo

Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan, đơn vị cung ứng các giải pháp bán hàng đa kênh, cho rằng các nền tảng chuyển từ chính sách miễn phí sang thu phí là xu hướng tất yếu nhưng trước mắt nhóm người chịu trả phí cho các nền tảng nói trên chiếm tỉ lệ không cao. Có thể lấy ví dụ về trường hợp YouTube Premium. Thống kê cho thấy YouTube Premium hiện có hơn 80 triệu người đăng ký tính đến năm ngoái, trong tổng số người dùng của YouTube trên thế giới là 2,7 tỉ người.

Chính vì thế, các doanh nghiệp (DN), nhãn hàng có quảng cáo trên các mạng xã hội hay nền tảng trực tuyến không cần quá lo lắng về việc người dùng quay lưng với quảng cáo vì chuyện thu phí.

“Với những người chịu trả tiền để có trải nghiệm tốt hơn thì các nền tảng sẽ dùng số tiền thu được để chi trả ngược lại cho nhà sáng tạo nội dung, đồng nghĩa với việc nhãn hàng sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Mọi thứ sẽ không quá nghiêm trọng và chưa có khả năng ảnh hưởng lớn đến các nhà kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook.

“Trong trường hợp số lượng người dùng trả phí quá cao (để không xem quảng cáo - PV) làm ảnh hưởng tới quảng cáo thì chính các DN và những nhà sáng tạo nội dung sẽ chuyển mình để tìm cách chèn những quảng cáo sáng tạo, thu hút và thân thiện hơn đến cho người dùng. Với cá nhân tôi, việc này là một bước đi tốt để thúc đẩy sự phát triển của cả thị trường” - ông Tấn nhìn nhận.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Chủ nhiệm bộ môn Thương mại điện tử Trường CĐ FPT Polytechnic, lại đánh giá việc các ứng dụng thu phí có thể khiến các DN và nhãn hàng bị tác động lớn về mặt tiếp cận người xem, chi phí quảng cáo cũng như phản ứng của người dùng đối với thương hiệu. Nhưng đối với các nền tảng trực tuyến như Netflix, K+… khi người dùng chấp nhận trả phí để sử dụng dịch vụ thì bản thân nền tảng cũng sẽ tự chuẩn hóa để cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu của khán giả đối với ứng dụng.

Còn ông Bùi Gia An, Giám đốc tiếp thị kinh doanh TikTok Việt Nam, khuyến nghị các DN chỉ có 3-6 giây để thu hút người tiêu dùng cho mỗi lần tiếp cận họ qua quảng cáo. Chính vì thế muốn giữ chân người tiêu dùng, các thương hiệu phải thay đổi bộ máy sáng tạo để thu hút, kết nối sâu hơn với người tiêu dùng. Các nhãn hàng cũng cần tìm hiểu khách hàng thực sự muốn gì thông qua các dấu vết số. Bởi ngoài chức năng của sản phẩm dịch vụ, người tiêu dùng ngày nay còn quan tâm đến việc thương hiệu mang lại giá trị và cảm xúc ra sao.

Nhiều hãng triển khai thu phí

Thời gian qua nhiều mạng xã hội, nền tảng trực tuyến đã triển khai thu phí người dùng. Ví dụ mạng xã hội X (trước đây là Twitter) của tỉ phú Elon Musk đã ra mắt ba gói dịch thu phí không xem quảng cáo dành cho người dùng từ cơ bản, tiêu chuẩn đến nâng cao. TikTok cũng đang thử nghiệm gói thuê bao không có quảng cáo ở thị trường nói tiếng Anh bên ngoài Mỹ.

Tại Việt Nam, từ năm ngoái tới nay giới kinh doanh và người dùng đã quen với việc thu phí từ các nền tảng như Zalo, Telegram, Snapchat hay các nền tảng trực tuyến từ YouTube tới Netflix. Tuy nhiên điểm chung của các nền tảng này là không ép buộc mà chỉ gia tăng thêm gói dịch vụ cho người xem, người dùng lựa chọn.

Theo plo.vn

largeer