Doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đúng pháp luật, bình đẳng với các doanh nghiệp khác
Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang thực hiện việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp quốc phòng từ 88 xuống còn 17 doanh nghiệp. Việc sắp xếp lại các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ không còn doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đơn thuần và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bình đẳng như các doanh nghiệp khác.
Sáng qua-8/6, Quốc hội đã thông qua Luật Quốc phòng sửa đổi với 88,30% tổng số đại biểu có mặt tán thành. Với 7 chương, 40 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, Luật Quốc phòng sửa đổi quy định về nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND); bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.
Trước khi thông qua luật, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 15 về Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội (KT-XH) và KT-XH với quốc phòng và Điều 24 về Nguyên tắc hoạt động và trường hợp sử dụng LLVTND.
Không còn doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đơn thuần
Luật Quốc phòng sửa đổi quy định: Kết hợp quốc phòng với KT-XH và KT-XH với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực KT-XH có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển KT-XH.
Điểm c khoản 2 Điều 15 Luật Quốc phòng sửa đổi quy định: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan lập kế hoạch về nhu cầu quốc phòng và khả năng kết hợp quốc phòng với KT-XH trong thời bình, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh; tổ chức, xây dựng khu kinh tế - quốc phòng; tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng và đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng theo quy định của pháp luật, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước khi biểu quyết thông qua Luật Quốc phòng sửa đổi, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi. Trước những ý kiến của Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể phạm vi, hoạt động phục vụ mục đích quốc phòng với việc làm kinh tế đơn thuần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay Bộ Quốc phòng đang thực hiện việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sẽ không còn doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đơn thuần và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay Bộ Quốc phòng đang thực hiện việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp từ 88 xuống còn 17 doanh nghiệp.
“Với sắp xếp này sẽ không còn doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đơn thuần và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bình đẳng như các doanh nghiệp khác” - Chủ nhiệm Võ Trọng Việt khẳng định.
Cũng theo giải trình của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các đoàn kinh tế - quốc phòng được tổ chức, hoạt động theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật, đứng chân và hoạt động chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người...; có nhiệm vụ tham gia xóa đói, giảm nghèo, củng cố và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Đồng thời, đây cũng là đơn vị quản lý, huấn luyện dự bị động viên, sẵn sàng mở rộng, chuyển thành các đơn vị bộ đội chủ lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng. Vì vậy, quy định như dự thảo luật là phù hợp.
Thống nhất 5 trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang
Về nguyên tắc hoạt động và trường hợp sử dụng LLVTND, Điều 24 Luật Quốc phòng (sửa đổi) quy định hoạt động của LLVTND phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ.
Sử dụng LLVTND trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thực hiện theo lệnh của Chủ tịch nước; trong thi hành lệnh thiết quân luật, giới nghiêm thực hiện theo quy định của Luật; trong tình trạng khẩn cấp do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh - quốc gia và trật tự, an toàn xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia; khi tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới thực hiện theo quyết định của Hội đồng quốc phòng và an ninh; hoặc khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm; tham gia phòng, chống, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh cũng có thể sử dụng lực lượng vũ trang và việc sử dụng này do Chính phủ quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Điều 13 Luật Quốc phòng hiện hành quy định về nguyên tắc hoạt động và sử dụng LLVTND, nhưng chưa quy định đầy đủ các trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang, nên việc sử dụng chưa thống nhất. Trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành, dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi quy định 5 trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang là phù hợp và cần thiết.
Lam Hạnh
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội