Tất niên, tết năm nay đi nhậu không 'ôm xe', về bằng xe ôm

Thứ ba, 24/12/2019, 14:47 PM

Một tuần nữa thôi, từ 1-1-2020, Luật phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực. Mùa tất niên này, cùng nâng ly rồi cùng gửi xe cá nhân đi xe ôm, taxi về? Từ hôm nay, bạn đã sẵn sàng thay đổi chưa?

Từ ngày 1-1-2020, người bị ép uống rượu bia có thể thoát với lý do

Từ ngày 1-1-2020, người bị ép uống rượu bia có thể thoát với lý do "coi chừng phạm luật!" - Ảnh tư liệu

Sẽ có nhiều câu chuyện ngộ đời sau ngày 1-1-2020, từ những câu chuyện trên bàn nhậu đến chuyện đường về nhà sau khi tàn cuộc.

"Tửu bất khả ép"

Văn hóa uống rượu từ thời xa xưa ông bà ta đã dạy: "tửu bất khả ép". Bởi uống rượu vốn là chuyện có lễ nghĩa, phép tắc, thậm chí là dưỡng sinh hẳn hoi. Mãi về sau, dân gian thêm vô cụm từ "ép bất khả từ". Thành thử ngày càng có nhiều hệ lụy đằng sau các cuộc nhậu. Dư luận vẫn rất đồng tình với khoản 1 điều 5 của Luật phòng chống tác hại của rượu bia, đó là nghiêm cấm việc xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia.

Luật pháp không chỉ để xử phạt mà điều chỉnh hành vi con người theo đúng quy định pháp luật. Không ép người khác uống rượu bia giờ không còn là chuyện nói cho vui mà đã được luật định là hành vi không được làm. Thách đố nhau uống thêm bia rượu là chuyện đáng cười chê chứ không phải tài giỏi để hơn thua nhau.

Sẽ không ai ép ai, tất niên và cái tết năm nay, tệ nạn từ rượu bia sẽ giảm? Một tuần nữa thôi, 1-1-2020, người bị ép có thể thoát với lý do "coi chừng phạm luật!". Nhưng đây không chỉ là quy định pháp luật mà là ứng xử của mỗi người. Ta không ép ai, nhưng ai ép ta thì sao? Nhất là khi chúng ta vẫn nghĩ có "tình thương mến thương" người ta mới "ép", vậy mình có mạnh dạn chối từ, có đủ can ngăn các chiến hữu đừng ép nhau tới quá chén nơi hàng quán?

Anh say, ai đưa anh về?

 Lấn cấn nhất và sẽ phát sinh nhiều chuyện lạ xung quanh chuyện lái xe sau khi có hơi men. Nhiều người vẫn chưa thông suốt chuyện này, không ít người không tin sẽ thực hiện được. Xung quanh chúng ta ai cũng mỗi người một xe sau khi đã uống nhiều lon, nhiều ly, thậm chí đã say bí tỉ. Ai cũng nghĩ: các anh CSGT sẽ không "thổi" mình, thậm chí nghĩ lực lượng nào có thể thổi phạt xuể con số rất đông những người quá chén vẫn lái xe.

Khoản 6 điều 5 của Luật phòng chống tác hại của rượu bia coi như đã điểm trúng vào thói quen và cách nghĩ này. So với chuyện nghiêm cấm ép nhau uống rượu bia thì quy định nghiêm cấm hành vi "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" ở khoản 6 điều 5 mới thực sự gây sốc. Bởi với quy định này, chỉ cần có uống rượu bia ngay trước khi lái xe là đã vi phạm, có uống là bị phạt.

Giờ, mỗi lần đi nhậu là một lần phải bỏ xe ở lại quán, đi xe ôm hoặc taxi về? Rồi hôm sau lại đi xe ôm hoặc taxi đến nơi làm việc? Rồi đến lúc mấy quán nhậu sẽ phải có dịch vụ alô gọi xe ôm, taxi Grab, taxi chở khách về nhà? Có thể có thêm cả dịch vụ giữ xe của khách tại quán... Nhưng tốt nhất đã đi nhậu thì không đi xe để đến khi say khỏi gặp phiền và an toàn trên đường về.

Một dạo, dư luận lên tiếng phản ứng chuyện các anh CSGT đứng ở các ngả đường gần quán nhậu để kiểm tra nồng độ cồn. Các anh đứng đâu thì có chi sai khi các anh đang thực thi pháp luật? Cái sai thuộc về người say rượu lái xe.

Và nếu CSGT tập trung xử phạt, số người bị phạt theo cách này dự kiến là sẽ còn nhiều vô kể trong mùa tất niên tới đây. Nghĩ cho cùng, hiệu quả lớn nhất được mong chờ từ luật mới này là mỗi người uống chừng mực hơn và giảm tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia. Cá nhân tôi nghĩ các anh CSGT phạt càng nhiều cũng tốt, phạt đúng sẽ góp phần thay đổi suy nghĩ hành vi xã hội.

Đây là luật được dư luận rất quan tâm, trông chờ nhiều, tranh luận cũng nhiều, vướng víu cũng nhiều.

Hai cái vướng dễ thấy nhất là thói quen uống không say không về và thoải mái lái xe trong tình trạng ngà ngà hơi men. Cái vướng khác là những lợi ích từ dịch vụ mua bán rượu bia, lợi nhuận từ nhà hàng, quán nhậu và cả các công ty rượu bia. Nói gì thì nói, khi luật có hiệu lực, doanh thu của các công ty bia rượu chắc sẽ sụt giảm ít nhiều.

Tuy nhiên, so với con số hàng chục ngàn người Việt chết mỗi năm vì các hậu quả liên quan đến bia rượu, phải bỏ qua những băn khoăn kiểu này. Tôi mong chờ sự quyết liệt của cơ quan chức năng thực thi luật "lịch sử" này và ý thức tự thay đổi của từng người với chuyện uống rượu bia.

VĂN LỢI

Theo tuoitre.vn