Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lo đối phó, trấn an cổ đông

Thứ hai, 01/04/2019, 09:06 AM

Các công ty con, công ty liên kết của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) liên tục báo lỗ. Nếu ban lãnh đạo HBC không mạnh tay “trảm” những u nhọt này sẽ có một ngày “lỗ nhỏ đắm thuyền”.]

Lợi nhuận giảm vì công ty con, công ty liên kết

Vào những năm 2006-2007, thị trường chứng khoán lên cơn sốt, hàng loạt doanh nghiệp, cá nhân đua nhau góp vốn thành lập công ty chứng khoán vừa để tự doanh, vừa để “thổi” giá cổ phiếu của công ty lên. Thời điểm đó, tình trạng sở hữu chéo diễn ra rất phức tạp, thị trường chứng khoán lên, xuống đều ảnh hưởng lớn lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp.

Cùng chung trào lưu trên, cuối năm 2007, HBC cùng Thuduc House, Fideco, Fico, MHB, Vạn Phát Hưng, Phú Mỹ Thuận, Đồng Tâm Miền Trung... góp vốn thành lập CTCP Chứng khoán Sen Vàng (GLS) có vốn điều lệ 135 tỷ đồng với 4 nghiệp vụ về chứng khoán gồm: Môi giới, lưu ký, tư vấn đầu tư và tự doanh. Trong đó, HBC sở hữu 21,73% vốn điều lệ.

GLS thua lỗ triền miên, đến cuối năm 2013, lỗ lũy kế đến 69 tỷ đồng. Sau đó, HBC liên tục “bơm tiền” vào công ty chứng khoán này, nâng tỷ lệ sở hữu lên 42,53% vào cuối năm 2016.

Chưa dừng ở đó, GLS còn bị Ủy ban Chứng khoán (UBCK) đặt vào tình trạng kiểm soát 12 tháng (từ 29/10/2018 đến 28/10/2019), rút nghiệp vụ tự doanh khiến GLS như “thây ma”.

Đến ngày 31/12/2018, GLS lỗ lũy kế 86 tỷ đồng. HBC đầu tư vào GLS 41 tỷ đồng và đã bốc hơi 20 tỷ đồng. Con số này so với lợi nhuận hàng năm của HBC là không lớn nhưng “lỗ nhỏ đắm thuyền”. Nếu như trước đây, HBC kịp thời thoái vốn thì khoản thua lỗ của GLS không còn xuất hiện trên báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn xây dựng này.

Trong năm 2018, báo cáo riêng HBC đạt lợi nhuận 692 tỷ đồng nhưng báo cáo hợp nhất, lợi nhuận chỉ còn 637 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết thua lỗ triền miên. Các đơn vị làm HBC giảm lợi nhuận gồm: CTCP Nhà Hòa Bình (HBH) lỗ 51 tỷ, CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Hòa Bình lỗ 3 tỷ đồng, CTCP TNHH Sơn Hòa Bình lỗ 2 tỷ đồng... Trong đó, HBH lỗ liên tiếp trong nhiều năm: Lỗ 10 tỷ đồng vào năm 2016, lỗ 15 tỷ đồng vào năm 2017.

Ngành xây dựng đối mặt nhiều khó khăn khiến cổ phiếu HBC giảm giá hơn 50% trong vòng 1,5 năm qua. (Ảnh: N.N).

Ngành xây dựng đối mặt nhiều khó khăn khiến cổ phiếu HBC giảm giá hơn 50% trong vòng 1,5 năm qua. (Ảnh: N.N).

Mất hơn 50% tài sản khi tin lời chủ tịch

Giai đoạn 2014-2017, thị trường bất động sản phát triển mạnh đã thúc đẩy ngành xây dựng bứt phá, giúp cổ phiếu ngành xây dựng bùng nổ. Giai đoạn này, cổ phiếu HBC tăng giá 11,86 lần.

Ngày 13/10/2017, cổ phiếu HBC đạt đỉnh 41.910 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh kỹ thuật) và bắt đầu lao dốc không phanh. Chỉ trong vòng 3 tuần, cổ phiếu HBC giảm 25% khiến ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, cũng là cổ đông lớn nhất của HBC gửi “tâm thư” trấn an nhà đầu tư: “Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh hoàn toàn ổn định và phát triển theo đúng kế hoạch, có thể nói là rất tốt”. Ông Lê Viết Hải cho rằng giá cổ phiếu HBC giảm mạnh do xuất hiện một số tin đồn trên mạng xã hội về tình hình kinh doanh sắp tới của tập đoàn rất xấu là hoàn toàn sai sự thật.

Để chứng minh cổ phiếu HBC còn tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, ông Lê Viết Hải đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu còn tập đoàn công bố sẽ đăng ký mua 3,5 triệu cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, việc đăng ký mua cổ phiếu quỹ này không được UBCK đồng ý vì trái quy định của pháp luật.

Cổ phiếu HBC tiếp tục đi xuống, để cứu giá, ông Lê Viết Hải mua thêm gần 2 triệu cổ phiếu nhưng HBC ngày càng giảm sâu. Từ ngày 13/10/2017 đến nay, cổ phiếu HBC đã giảm 56%, vốn hóa công ty bốc hơi 4.600 tỷ đồng, tài sản của ông Lê Viết Hải cũng “đội nón ra đi” gần 800 tỷ đồng. Tài sản của những cổ đông “theo chân” ông Lê Viết Hải đều giảm 50% trong vòng 1,5 năm qua.

Trong khi ông Lê Viết Hải trấn an nhà đầu tư bên ngoài nhưng nhiều cổ đông nội bộ thực hiện hành vi giao dịch mua, bán “chui” cổ phiếu. Vì giao dịch cổ phiếu nhưng báo cáo không đúng thời hạn về kết quả giao dịch, UBCK phạt ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Tổng Giám đốc 22,5 triệu đồng; ông Lê Viết Hải và 5 người có liên quan với ông Hải 27,5 triệu đồng/người.

Năm 2018, doanh thu tăng 13,5% đạt 18.201 tỷ đồng nhưng lợi nhuận giảm 27,2% đạt 627 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty chỉ hoàn thành 88% kế hoạch doanh thu và 58,7% kế hoạch lợi nhuận nên cổ phiếu HBC giảm giá mạnh trong vòng 1,5 năm qua là điều không bất ngờ.

Trong thời gian tới, ngành xây dựng tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, đồng thời cạnh tranh ngày càng gia tăng, khiến cổ đông lớn PYN Elite Fund, cổ đông nội bộ liên tục bán tháo hàng chục triệu cổ phiếu HBC nên rất khó để cổ đông HBC lấy lại những gì đã mất.

TRÍ NGUYỄN

Theo NTD

largeer