Việt Nam 2018 và 10 sự kiện kinh tế - xã hội đáng nhớ

Thứ ba, 01/01/2019, 21:21 PM

Năm 2018, kinh tế Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc, đi cùng với nhiều sự kiện đáng chú ý như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước, thông qua hiệp định CPTPP, đội bóng U23 Việt Nam đoạt ngôi Á quân giải U23 châu Á...

Dưới đây là 10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật của năm 2018 do Thời báo Kinh tế Việt Nam bình chọn.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước

Lần đầu tiên sau 49 năm, người đứng đầu Đảng đảm nhiệm cương vị đứng đầu Nhà nước - Ảnh: TTXVN.

Lần đầu tiên sau 49 năm, người đứng đầu Đảng đảm nhiệm cương vị đứng đầu Nhà nước - Ảnh: TTXVN.

Tháng 10/2018, tại Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thống nhất cao giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.

Và tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 14, với tỷ lệ gần như tuyệt đối, Quốc hội chính thức bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021. 

Với sự kiện này, lần đầu tiên sau 49 năm, người đứng đầu Đảng đảm nhiệm cương vị đứng đầu Nhà nước.

Trước đây, sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chức vụ cao nhất trong Đảng là Chủ tịch Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm nhận và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời giữ cương vị Chủ tịch nước đến tháng 9/1969, sau đó chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước luôn là hai chức danh song hành.

GDP tăng cao nhất trong vòng một thập kỷ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Dù tăng trưởng cao nhưng Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô với việc giữ được mục tiêu CPI, thâm hụt ngân sách giảm, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện... - Ảnh: Chinhphu.vn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Dù tăng trưởng cao nhưng Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô với việc giữ được mục tiêu CPI, thâm hụt ngân sách giảm, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện... - Ảnh: Chinhphu.vn.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 đạt 7,08%, mức cao nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây. 

Song ý nghĩa hơn con số trên, là dù tăng trưởng cao nhưng Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô với việc giữ được mục tiêu CPI, thâm hụt ngân sách giảm, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện... và đặc biệt các doanh nghiệp tiếp tục tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019.

Để có một năm 2019 tăng trưởng thành công, Việt Nam sẽ phải vượt qua các thách thức đến từ nội tại nền kinh tế trong nước cũng như thế giới. Theo đó, Chính phủ cần giữ vững ổn định môi trường vĩ mô – một trong những lợi thế so sánh của Việt Nam trong trường khu vực và thế giới; tiếp tục tăng tốc cải cách môi trường kinh doanh với việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết.

Một năm của những đại án tham nhũng

Vụ án tham nhũng được chú ý nhiều nhất 2018 tại Việt Nam là vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm - Ảnh: Reuters.

Vụ án tham nhũng được chú ý nhiều nhất 2018 tại Việt Nam là vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm - Ảnh: Reuters.

Năm 2018, toà án nhân dân các cấp đã thụ lý mới 340 vụ án tham nhũng với 827 bị cáo, nếu tính cả những vụ án tham nhũng từ năm trước để lại thì tổng số vụ án phải giải quyết trong năm 2018 là 368 vụ với 906 bị cáo. 

Trong đó, được chú ý nhiều nhất là vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm. Bị cáo Đinh La Thăng bị truy tố về các tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) vào Ocean Bank. 

Còn bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị xét xử về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" tại Petro Vietnam và Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam...

Ngoài ra, một số vụ án được xét xử trong năm 2018 gây chấn động dư luận như vụ Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố tội danh "Làm lộ bí mật Nhà nước" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh và Trầm Bê - nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Hội đồng Tín dụng Sacombank với tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; vụ án đánh bạc nghìn tỷ với 92 bị cáo, trong đó có cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống, tội phạm sử dụng công nghệ cao Nguyễn Thanh Hoá; vụ xét xử cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ về hai tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức"...

Việt Nam thông qua CPTPP

Hiệp định CPTPP được hy vọng sẽ đem đến cho Việt Nam cơ hội lớn hơn trong thúc đẩy tiến trình cải cách về thể chế và nâng cao năng suất cho nền kinh tế - Ảnh: VGP.

Hiệp định CPTPP được hy vọng sẽ đem đến cho Việt Nam cơ hội lớn hơn trong thúc đẩy tiến trình cải cách về thể chế và nâng cao năng suất cho nền kinh tế - Ảnh: VGP.

Ngày 12/11/2018 là một ngày đặc biệt đối với nền kinh tế Việt Nam khi Quốc hội chính thức thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP 11). 

CPTPP có 11 nước tham gia có tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu.

Hiệp định CPTPP được hy vọng sẽ đem đến cho Việt Nam cơ hội lớn hơn trong thúc đẩy tiến trình cải cách về thể chế và nâng cao năng suất cho nền kinh tế. CPTPP sẽ làm thay đổi sự tương tác, đối thoại giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chính sách liên quan tới cạnh tranh, mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước hay các lĩnh vực khác về hàng rào kỹ thuật, dịch vụ.... Từ đó làm thay đổi chất lượng văn bản pháp luật theo hướng minh bạch và phù hợp với thực tiễn phát triển. 

Ở chiều ngược lại, CPTPP cũng đem lại cho Việt Nam nhiều thách thức không nhỏ. Đó là sự thay đổi nhận thức của cơ quan quản lý về việc phải thay đổi tự thân để phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Và đặc biệt doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt thông tin liên quan tới các cam kết của Việt Nam trong CPTPP.

Bóng đá không chỉ là bóng đá

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với những gì mà đội bóng của chúng ta làm được, đã mang đến một khát vọng cháy bỏng, phải đưa tinh thần thể thao như thành công của đội tuyền Việt Nam vô địch AFF vào kinh tế - Ảnh: VOV.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với những gì mà đội bóng của chúng ta làm được, đã mang đến một khát vọng cháy bỏng, phải đưa tinh thần thể thao như thành công của đội tuyền Việt Nam vô địch AFF vào kinh tế - Ảnh: VOV.

Năm 2018 được coi là một năm đỉnh cao của bóng đá Việt Nam với thành công của cả ba đội bóng U23, Olympic và tuyển quốc gia Việt Nam. Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, chưa bao giờ các cấp đội tuyển đều cùng lúc đạt chiến thắng vang dội như 2018.

Mở đầu năm, đội bóng U23 Việt  Nam đoạt ngôi Á quân giải U23 châu Á ở Thường Châu, Trung Quốc. 

7 tháng sau, tháng 8/2018, đội Olympic Việt Nam xuất sắc lọt vào nhóm 4 đội mạnh nhất tại ASIAN Games. 

Kết thúc năm 2018, tuyển quốc gia Việt Nam đoạt ngôi vô địch tại AFF Cup sau một thập kỷ chờ đợi.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với những gì mà đội bóng của chúng ta làm được, đã mang đến một khát vọng cháy bỏng, phải đưa tinh thần thể thao như thành công của đội tuyền Việt Nam vô địch AFF vào kinh tế.

Xuất khẩu lập nhiều kỷ lục mới

Tính đến năm 2018, hàng hóa của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia; riêng nông sản, thủy sản là 180 quốc gia trên thế giới.

Tính đến năm 2018, hàng hóa của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia; riêng nông sản, thủy sản là 180 quốc gia trên thế giới.

Năm 2018, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục "lập kỷ lục mới" khi "phá vỡ kỳ tích" năm 2017. 

Tính đến hết 15/12/2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã đạt 233,07 tỷ USD. Đáng chú ý, đóng góp lớn vào "kỳ tích" xuất khẩu năm 2018, nhóm hàng nông lâm thủy sản đã có sự "bứt phá" ngoạn mục với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. 

Đây là con số kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam. Với những kết quả ấn tượng của hoạt động thương mại, xuất siêu cũng xác lập kỷ lục mới với 6,89 tỷ USD và đưa Việt Nam đi trước mục tiêu cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020.

Tính đến năm 2018, hàng hóa của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia; riêng nông sản, thủy sản là 180 quốc gia trên thế giới. Điều này cho thấy, cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng đã có sự cải thiện tích cực để giảm dần sự phụ thuộc vào một vài thị trường. 

Hơn nữa, nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước đã duy trì cao hơn khối doanh nghiệp FDI. 

Như vậy, với việc tăng trưởng liên tục duy trì ở tốc độ cao, quy mô thị trường ngày càng mở rộng, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 27 trong năm 2018 và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

WEF ASEAN 2018 và giải ngân FDI cao kỷ lục

WEF ASEAN 2018 trở thành hội nghị thành công nhất của WEF về khu vực.

WEF ASEAN 2018 trở thành hội nghị thành công nhất của WEF về khu vực.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) diễn ra vào trung tuần tháng 9/2018 tại Hà Nội. 

Với hơn 1.000 đại biểu tham dự, trong đó có 7 tổng thống và thủ tướng, 2 phó thủ tướng, 60 đại biểu cấp bộ trưởng và hơn 800 lãnh đạo tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực, 60 phiên họp và hội nghị thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với phát triển và hội nhập của các nước ASEAN và khu vực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, WEF ASEAN 2018 trở thành hội nghị thành công nhất của WEF về khu vực.

Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đà tăng mạnh trong năm 2018 và thiết lập mức kỷ lục mới trong nhiều năm trở lại đây. Hơn 19 tỷ USD đã được rót vào Việt Nam trong năm 2018 cho thấy niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư cũng như tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam vươn lên là một trong những nền kinh tế có sức hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới.

Điều đáng nói, sức hút của Việt Nam đối với nhà đầu tư ngoại đã có sự chuyển biến mạnh. Việt Nam bắt đầu được nhắc tới là điểm đến của ngành công nghiệp 4.0 như công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ thân thiện với môi trường...

Khánh thành Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay với 9,3 tỷ USD.

Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay với 9,3 tỷ USD.

Ngày 23/12/2018, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức được khánh thành và đưa vào vận hành thương mại tại khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. 

Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay với 9,3 tỷ USD. Dự án có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô/ngày, gần gấp đôi công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất. 

Dự kiến năm 2019, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ vận hành đạt khoảng 80% công suất thiết kế và khi đạt 100% công suất, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm sẽ đáp ứng được 40% thị trường nhiên liệu trong nước, các sản phẩm hóa dầu chiếm khoảng 17% tổng sản lượng sẽ được xuất khẩu. 

Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành thương mại là một sự kiện quan trọng của ngành dầu khí và tỉnh Thanh Hóa; đánh dấu bước phát triển đột phá trong ngành công nghiệp lọc hóa dầu và có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong quá trình phát triển đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tinh giản biên chế và cải thiện môi trường kinh doanh

Với định hướng về một Chính phủ kiến tạo, trong năm qua Chính phủ và các bộ ngành đã triển khai quyết liệt hoạt động tinh giản biên chế và cải thiện môi trường kinh doanh.

Báo cáo tổng kết năm 2018 của Bộ Nội vụ cho biết, tính đến ngày 15/10/2018, tổng số biên chế cả nước đã được tinh giản là 40.500 người. 

Trong số đó, các cơ quan của Đảng, đoàn thể là: 1.698 người; các cơ quan hành chính 4.826 người; khối đơn vị sự nghiệp công lập 27.547 người (chiếm 68%); cán bộ, công chức cấp xã 6.213 người; doanh nghiệp Nhà nước 200 người... 

Còn với cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng đạt được những kết quả tích cực. Hàng loạt điều kiện kinh doanh thuộc quản lý của các bộ ngành đã được cắt giảm. 

Những nỗ lực trên đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong năm 2018. Theo báo cáo Doing Business 2019 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam có nhiều cải thiện tích cực trong 4 chỉ số thành phần như: thành lập doanh nghiệp (tăng 19 bậc lên vị trí 104/190), tiếp cận điện năng (tăng 37 bậc lên vị trí 27/190), đăng ký tài sản (tăng 3 bậc xếp vị trí 60/190) và thực thi hợp đồng (tăng 4 bậc lên vị trí 62/190).

Gian lận thi cử, bạo hành học sinh gây chấn động

Ngành giáo dục và đào tạo năm 2018 vướng phải vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử khi hàng loạt các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình... phát hiện gian lận thi cử. 

Hàng loạt cán bộ ngành giáo dục của ba tỉnh trên đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, làm rõ những sai phạm. Cũng trong năm 2018, nhiều vụ bạo hành học sinh đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Gần đây nhất là Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (Phú Thọ) có hành vi lạm dục tình dục đối với học sinh nam. 

Trước sự việc này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo đưa Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, ra khỏi ngành ngay khi có đủ căn cứ về hành vi xâm hại tình dục học sinh. 

Đồng thời, Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, kỷ luật nghiêm các trường hợp vi phạm.

 VNECONOMY

Theo Vneconomy