Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Tại sao có những bậc cha mẹ ngược đãi con đến chết?

Thứ năm, 24/04/2025 10:02 (GMT+7)

“Sự leo thang thường diễn ra dần dần. Cha mẹ coi mỗi hành vi ngược đãi là bình thường vì không có sự kiểm tra nào, cả bên trong lẫn bên ngoài”, một nhà trị liệu cho biết.

Theo thống kê của Singapore, tình trạng ngược đãi trẻ em ngày càng nghiêm trọng. Vào tháng 10/2022, Azlin Arujunah đã bị kết án tù chung thân vì gây ra cái chết của con trai mình. Cậu bé đã bị đánh bằng móc áo, nhốt trong lồng dành cho mèo và bị bỏng nước nóng.

Vào tháng 9/2023, một người đàn ông đã bị kết án 21,5 năm tù và 18 roi vì tội giết con gái 2 tuổi.

Vào tháng 4/2025, Foo Li Ping bị kết án 19 năm tù vì hành hạ con gái 4 tuổi Megan Khung trong hơn 1 năm cho đến khi cô bé chết.

Mỗi vụ lạm dụng trẻ em gây tử vong trong những năm gần đây đều đặt ra một câu hỏi: Điều gì có thể khiến cha mẹ phải tước đi mạng sống của chính con mình?

Tại sao điều này xảy ra?

Những người bị lạm dụng có nguy cơ cao lặp lại hành vi tương tự với con cái. Ảnh minh họa iStock.

Những bậc cha mẹ từng bị lạm dụng bằng lời nói, thể xác, tình cảm hoặc tình dục trong thời thơ ấu có nhiều khả năng sẽ lặp lại những hành vi tương tự khi nuôi dạy con cái của mình.

Các chuyên gia mà CNA phỏng vấn đã trích dẫn đây là một trong những lý do phổ biến nhất.

Tiến sĩ Annabelle Chow, nhà tâm lý học lâm sàng tại Annabelle Psychology cho biết: "Cuộc sống thường rất khó khăn đối với trẻ em vì chúng chưa thực sự hiểu được lý do tại sao mình bị ngược đãi và điều đó ảnh hưởng đến cách chúng nhìn nhận thế giới và cách chúng phản ứng với thế giới".

Tiến sĩ Rajesh Jacob - bác sĩ tâm lý cho biết mối quan hệ không lành mạnh và lạm dụng giữa cha mẹ có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Ví dụ, trong vụ án của Azlin Arujunah. Người phụ nữ này đã bị chồng bạo hành thể xác nghiêm trọng. Điều đó đã ảnh hưởng đến đứa con trai trông giống hệt người chồng.

“Cô ấy sẽ tức giận khi bị chồng ngược đãi. Vì vậy, có một kiểu chuyển giao cảm xúc khi nhìn thấy đứa con trai giống y hệt ông ta”, Tiến sĩ Rajesh Jacob nói.

Bà June Fong, nhà tâm lý học tại Promises Healthcare cũng chỉ ra mối liên hệ giữa gia đình và tình trạng lạm dụng trẻ em.

“Ví dụ, trẻ em sống trong hộ gia đình có một hoặc nhiều người đàn ông trưởng thành không có quan hệ họ hàng với chúng có nguy cơ bị ngược đãi dẫn đến thương tích hoặc tử vong cao hơn so với những trẻ sống với cả cha và mẹ ruột. Những người có tiền sử bạo lực với người yêu cũng có nguy cơ cao hơn trong việc ngược đãi trẻ em", bà cho biết.

Ngoài ra, còn có những bậc cha mẹ phải vật lộn để cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình, dẫn đến căng thẳng gia tăng ở nhà cũng là một điểm cần nói đến.

Tiến sĩ Vivien Yang, nhà tâm lý học tại Bloom Child Psychology cho biết, các gia đình có thu nhập thấp thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự cân bằng này.

“Khi có hạn chế về không gian và tài chính, mức độ căng thẳng sẽ cao hơn và việc kiểm soát chứng trầm cảm và cơn tức giận sẽ trở thành vấn đề”, Tiến sĩ Vivien Yang nói.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng lạm dụng chất gây nghiện có thể là một yếu tố góp phần gây ra tình trạng ngược đãi trẻ em.

"Rượu, chất kích thích làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực. Tôi đã thấy những bậc cha mẹ sau khi uống rượu chuyển từ cáu kỉnh sang đánh đập con cái chỉ trong vài phút", chuyên gia trị liệu cấp cao Tom Maniatis từ Promises Healthcare cho biết.

“Các chất kích thích đặc biệt là khi sử dụng nhiều có thể gây ra chứng hoang tưởng hoặc bùng phát cơn hung hăng đột ngột. Bậc cha mẹ cũng có thể không nhớ về sự ngược đãi mà họ đã gây ra cho con mình", vị chuyên gia này phân tích.

Điều gì khiến họ tiếp tục?

Chuyên gia đưa ra nhiều lời khuyên với cha mẹ có khuynh hướng ngược đãi con cái. Ảnh minh họa CNA.

Các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần nói với CNA rằng ngược đãi trẻ em hiếm khi bắt đầu bằng bạo lực thể xác mà thường bắt đầu từ bạo lực lời nói và tình cảm. Tình trạng này có thể dần trở nên nghiêm trọng hơn nếu cha mẹ không kiểm soát được cảm xúc hoặc không tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia.

“Một cái tát trở thành hình phạt thường lệ. Sự thờ ơ chuyển thành sự bỏ rơi. Cha mẹ bình thường hóa từng bước vì không có sự kiểm tra dù là bên trong hay bên ngoài”, ông Maniatis cho biết.

Khi được hỏi làm sao cha mẹ có thể tiếp tục bạo hành con cái mình khi chúng có những thương tích rõ ràng, tiến sĩ Chow cho biết, đến thời điểm đó, họ sẽ không còn khả năng đưa ra bất kỳ quyết định hợp lý nào.

“Giống như một chiếc xe đang chạy với tốc độ 300 km/h và bạn không thể dừng nó lại. Nó đã vượt quá ngưỡng rồi. Họ sẽ nghĩ đó là con mình và họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn”, cô nói.

Bác sĩ Jacob nói với CNA rằng mỗi lần Azlin hoặc chồng bà đổ nước nóng vào người con trai, bà sẽ bôi thuốc mỡ lên vết bỏng và cố gắng chăm sóc cậu bé.

Tiến sĩ Jacob cho biết: “Họ không nhận ra sự nghiêm trọng của việc họ đã làm”.

Các chuyên gia cho biết những bậc cha mẹ không kiểm soát được cuộc sống của bản thân cũng sẽ muốn khẳng định quyền lực đối với con cái, từ đó dẫn đến bạo lực.

Ông Maniatis lưu ý rằng, một số phụ huynh có thể cảm thấy bất lực trong các lĩnh vực khác của cuộc sống và thường bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo hoặc tổn thương tâm lý không được điều trị.

Trong những trường hợp như vậy, “đứa trẻ trở thành nơi duy nhất mà họ có thể khẳng định quyền lực”.

Khi được hỏi liệu cha mẹ có hối hận khi ngược đãi con cái không, các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần cho biết, nhiều người biết họ sai nhưng thường phủ nhận sâu sắc mức độ tổn hại mà họ đã gây ra hoặc tìm cách tự biện minh cho hành vi của mình.

Những gì cha mẹ bạo hành phải làm

Bà Jasmine Lim, phó giám đốc Trung tâm Bảo vệ Trẻ em Montfort Care cho biết bước đầu tiên và quan trọng nhất những bậc phụ huynh có khuynh hướng bạo lực, ngược đãi con cái cần thực hiện là thừa nhận bản thân có vấn đề.

Bà nói thêm: “Cha mẹ phải nhận ra rằng họ có những tác nhân gây căng thẳng và đang phản ứng lại điều này trong quá trình tương tác với những người thân yêu của mình”.

Bước tiếp theo là phụ huynh phải tự điều chỉnh. Chuyên gia gợi ý, người lớn nên tránh mặt đi chỗ khác, đi bộ trước khi giải quyết tình huống căng thẳng với con cái.

Ông Martin Chok, phó giám đốc dịch vụ gia đình và cộng đồng của Care Corner Singapore cho biết, cha mẹ phải học cách ứng phó lành mạnh từ điều nhỏ nhất như kỹ thuật thở hay luôn phải suy nghĩ tích cực về bản thân.

“Nếu bạn cứ tiếp tục suy nghĩ tiêu cực và nghĩ rằng mình là cha mẹ tồi, mọi thứ có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. Hãy dành thời gian cho bản thân, tham gia các sở thích, ăn uống lành mạnh và tập thể dục. Bậc cha mẹ cũng có thể tìm sự hỗ trợ từ bạn bè, thành viên khác trong gia đình. Làm cha mẹ là một hành trình suốt đời và việc tự chăm sóc bản thân là điều quan trọng”, ông nói.

Trong trường hợp cha mẹ không thể tự điều chỉnh hoặc quản lý cảm xúc của mình, họ nên tìm kiếm sự can thiệp bên ngoài từ các cơ quan dịch vụ xã hội hoặc trung tâm dịch vụ gia đình.

Băng Tâm
Nguồn: sohuutritue.net.vn