Sabeco tình huống khó, lợi nhuận sụt giảm, cổ phiếu xuống sâu

Thứ hai, 03/08/2020, 17:42 PM

Ông lớn ngành bia tại Việt Nam Sabeco gặp rất nhiều khó khăn sau tác động của Nghị định 100 và đối mặt dịch bệnh kéo dài.

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 và 6 tháng đầu năm với lợi nhuận nửa đầu năm giảm hơn 31% xuống còn 1.930 tỷ đồng.

Trong quý II, doanh thu của doanh nghiệp giảm 22% xuống còn 7.185 tỷ đồng. Chi phí lãi vay tăng mạnh gần 180% khiến lợi nhuận sau thuế giảm 21% xuống chỉ còn 1.216 tỷ đồng. Lũy kế trong 6 tháng, Sabeco ghi nhận doanh thu giảm 35% xuống còn khoảng 12,1 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2020, Sabeco đặt kế hoạch thấp ở mức doanh thu 23,8 nghìn tỷ đồng, giảm 37% so với năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 39% xuống còn 3.250 tỷ đồng. Các mức này đều thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây.

Với những diễn biến xấu của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, ông lớn ngành bia có thể gặp khó khăn hơn trong phần còn lại của năm và kế hoạch khiêm tốn cũng không dễ hoàn thành.

Trong nửa đầu 2020, Sabeco rơi vào thế gọng kìm, chịu tác động kép bởi Nghị định 100 cũng như dịch Covid-19. Theo Tổng cục thống kê, sản lượng sản xuất bia trong 6 tháng đầu năm  ước tính đạt khoảng 1,9 tỷ lít, giảm hơn 17% so với cùng và dự báo tình trạng sụt giảm này sẽ kéo dài trong 6 tháng cuối năm.

Tỷ phú Thái sở hữu Sabeco gặp khó vì Covid-19.

Tỷ phú Thái sở hữu Sabeco gặp khó vì Covid-19.

Các quán bia, rượu đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Bên cạnh đó, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân.

Một số dự báo cho rằng, lượng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam trong năm 2020 có thể giảm tới 19%.

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) gần đây thông báo dự định sẽ thoái hết 36% vốn tại Sabeco, tương đương gần 231 triệu cổ phần.

Với mức giá khoảng 170 nghìn đồng/cp như hiện tại, Nhà nước có thể thu về khoảng 393 nghỉn tỷ đồng, tương đương khoảng 1,7 tỷ USD. Trong 10 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu Sabeco giảm 9 phiên, trong đó có những phiên giảm tới 5%.

 Trước đó, cuối 2017, Bộ Công thương đã thoái vốn thành công 53,59% cổ phần Sabeco thu về 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 5 tỷ USD). Khi đó, giá thoái vốn đạt 320.000 đồng/cp, mức cao chưa từng có. Đợt thoái vốn này, Công ty TNHH Vietnam Beverage - công ty liên quan tới tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi là bên mua.

Trên trường quốc tế, doanh nghiệp của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi gặp khó và phải lùi vô thời hạn kế hoạch lên sàn chứng khoán Singapore sau khi gặp khó khăn với mảng bia tại Việt Nam và cú sốc Covid-19.

Hồi đầu tháng 6, theo hãng tin Dow Jones, kế hoạch niêm yết mảng kinh doanh bia của Thai Beverage (ThaiBev) trên sàn chứng khoán Singapore có thể bị hoãn lại.

Theo đó, ThaiBev của tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi cho biết doanh nghiệp này đang đợi “triển vọng của nền kinh tế toàn cầu tốt hơn” trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Singapore.

Hồi cuối 2019, theo Bloomberg, ThaiBev có kế hoạch IPO mảng kinh doanh bia tại Thái Lan và Việt Nam trên sàn chứng khoán Singapore với định giá khoảng 10 tỷ USD.

Cũng trong thông báo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore, ThaiBev phủ nhận thông tin bán cổ phần mảng kinh doanh bia tại Việt Nam (Sabeco) cho đối tác khác. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã phủ nhận tin đồn bán cổ phần Sabeco cho Trung Quốc.

Sau khi thâu tóm Sabeco vào cuối 2017, tới giữa 2018, tỷ phú Thái đã hoàn tất công việc sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo chủ chốt tại Sabeco sau nhiều tháng cải tổ doanh nghiệp bia có thị phần lớn nhất Việt Nam.

Hai người Singapore gốc Hoa hiện nắm 2 vị trí cao nhất tại Sabeco. Ông Neo Gim Siong Bennett, người của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, đảm nhiệm vị trí CEO. Ông Neo Gim Siong Bennett sinh năm 1946, gốc Hoa, quốc tịch Singapore và là cử nhân kỹ thuật - cơ khí và sản xuất Đại học Nanyang, Singapore. Ông Koh Poh Tiong (quốc tịch Singapore, gốc Hoa) trong khi đó giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Sabeco kể từ tháng 7/2018.

Tại thị trường Việt Nam, Sabeco vẫn là doanh nghiệp giữ thị phần lớn nhất. Theo kế hoạch, Sabeco hướng tới mục tiêu ưu tiên tiết kiệm chi phí và việc tái cấu trúc lại hệ thống phân phối, quản lý, cải thiện các dịch vụ... được cho là cũng góp phần thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai.

V. Hà

Theo Vietnamnet.vn