Robot thông minh Trung Quốc bứt phá toàn cầu, bất chấp chiến tranh thương mại
Thách thức cả rào cản thuế quan Mỹ, robot thông minh Trung Quốc đang "làm mưa làm gió" trên thị trường toàn cầu nhờ lợi thế cạnh tranh về giá và công nghệ vượt trội.
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhiều người dân Hà Nội tìm đến một quán cà phê trên phố Vũ Phạm Hàm (quận Cầu Giấy) để trải nghiệm mô hình robot phục vụ đồ uống, pha chế cà phê, viết thư pháp và chụp ảnh.
Chị Hà Linh (37 tuổi, quận Cầu Giấy) cùng hai con gái – bé Thiên Ngân (11 tuổi) và Hương Ly (14 tuổi) – ghé quán cà phê sau khi xem video giới thiệu trên mạng xã hội. Sau khi gọi đồ tại quầy, ba mẹ con được robot tên “Bảo” mang nước đến tận bàn.
Robot được lập trình sẵn hệ thống định vị và sơ đồ bàn ghế trong quán. Nhân viên chỉ cần đặt đồ uống lên khay, robot sẽ tự động di chuyển đến đúng vị trí khách hàng đang ngồi. Lần đầu tiếp xúc với robot hình mèo, bé Ngân tỏ ra thích thú khi chạm vào đầu và tai của thiết bị, rồi được nghe phản hồi bằng giọng nói cùng biểu cảm đáng yêu.
Không chỉ phục vụ đồ uống, quán còn trang bị robot tên “Thư” để viết thư pháp. Khách hàng có thể mua một tờ giấy đỏ giá 30.000 đồng, chọn một trong bốn mẫu chữ gồm: “Kỷ nguyên vươn mình”, “Thi đâu đỗ đó”, “Đời nở hoa” và “Công thành danh toại”. Robot sẽ thực hiện viết chữ ngay tại chỗ trong khoảng 1–2 phút.
Một điểm nhấn khác là robot chụp ảnh tên “Chi”. Chị Trần Diệu Linh (36 tuổi) cùng nhóm bạn ghé quán và bất ngờ khi thấy robot có thể tự động căn góc, điều chỉnh cánh tay và chụp ảnh cho khách. Cả nhóm chọn đạo cụ là nón lá in hình quốc kỳ, đứng vào khung hình, tạo dáng theo hướng dẫn từ cánh tay robot đang xoay nhẹ để lấy góc đẹp nhất.
“Robot chạy mượt, màu ảnh rất đẹp, tôi rất bất ngờ với lần đầu trải nghiệm”, chị Linh chia sẻ.
Trong khi đó, tại quầy pha chế, một cánh tay robot tên “Tú” đang "miệt mài" làm đồ uống. Theo nhân viên quán, robot này có thể pha một số món đơn giản như cà phê phin, cà phê muối và trà sữa theo công thức được lập trình sẵn.
Sau khoảng 4 phút, ly cà phê được đặt gọn lên bàn, robot vẫy cờ để báo hiệu đồ uống đã hoàn thành. Tuy nhiên, theo quan sát, một số thao tác của robot này còn thiếu chính xác, nên luôn cần một nhân viên đứng bên cạnh hỗ trợ khi cần.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lâm Kiều Oanh – CEO thương hiệu cà phê – cho biết 4 robot bắt đầu hoạt động từ ngày 21/4. Ý tưởng được ấp ủ từ mong muốn tạo ra không gian nơi khách hàng có thể tiếp cận công nghệ một cách tự nhiên, từ khâu phục vụ, chụp ảnh đến pha chế.
“Từ lúc lên ý tưởng đến khi robot vận hành mất khoảng 3 tháng. Chúng tôi phải lập trình chi tiết từng thao tác như cầm thìa, lấy nước nóng, đổ đá; đồng thời thiết kế đường đi, tốc độ và cách tương tác để đảm bảo an toàn”, bà Oanh nói.
Sau khi robot đi vào hoạt động, quán ghi nhận nhiều phản hồi tích cực. “Khách hàng thích thú, chia sẻ, dẫn bạn bè quay lại. Nhiều người lần đầu ghé quán vì tò mò, sau đó quay lại vì ấn tượng với chất lượng đồ uống và không gian quán", bà Oanh cho biết.
Xu hướng ứng dụng robot vào phục vụ tại nhà hàng, quán ăn chưa xuất hiện nhiều ở Việt Nam nhưng đã có nhiều ở Trung Quốc. Tại không ít nhà hàng ở nước này, từ lâu robot đã đóng vai trò như người phục vụ, bồi bàn, tán gẫu cùng khách hàng, thậm chí có thể nhảy và hát. Khác với con người, robot có thể hoạt động liên tục nhiều giờ liền mà không cần nghỉ, không gặp phải các vấn đề sức khỏe hay cảm xúc cá nhân, và đặc biệt là không bị ảnh hưởng bởi những biến động về thị trường lao động.
Xu hướng này không chỉ cho thấy sự chuyển dịch trong cách tiếp cận dịch vụ, mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm mới trong mảng quản lý robot, vận hành hệ thống tự động và phát triển phần mềm điều khiển.
Tuy vậy, robot vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn con người. Trong một lĩnh vực đề cao tính giao tiếp và cảm xúc như ngành dịch vụ ăn uống, sự hiện diện của nhân viên thực thụ vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ với khách hàng, lắng nghe phản hồi và xử lý các tình huống phát sinh.
Nhiều khách hàng dù hào hứng với công nghệ nhưng vẫn bày tỏ rằng họ đến quán cà phê không chỉ để uống, mà còn để trò chuyện và thư giãn trong một không gian thân thiện – điều mà robot hiện đại vẫn chưa thể mang lại.