Nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường thủy ở TPHCM

Thứ sáu, 17/11/2023, 09:17 AM

Mới đây, hơn 200 du khách quốc tế tới TPHCM bằng tàu biển đã lựa chọn tua du lịch “Một thoáng Sài Gòn”. Tua du lịch này đưa du khách len lỏi trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bằng thuyền, chiêm ngưỡng cuộc sống của người dân cùng những di tích như chùa chiền, công trình văn hóa ven bờ...

Sông Sài Gòn có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch đường thủy

Sông Sài Gòn có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch đường thủy

Theo bà Nguyễn Thị Vương, Quản lý điều hành Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc (đơn vị chuyên tổ chức tua trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè), du lịch trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay đang là sản phẩm du lịch thu hút du khách. Nhiều khách du lịch khi tới TPHCM đều tìm hiểu về tua này và đăng ký mua tua không chỉ khách nội địa, hiện nay, khách quốc tế chiếm tới hơn 50% lượng khách tham quan ở tuyến du lịch này.

Trong thời gian tới, công ty sẽ đón thêm nhiều đoàn khách ngoại quốc đến tham quan cũng như mở rộng thêm dịch vụ trải nghiệm dành cho du khách.

Các công ty lữ hành du lịch, đường thủy tại TPHCM còn xây dựng nhiều tua khác như: Chèo sup lướt sông Sài Gòn; Xuyên rừng ngập mặn Cần Giờ, Ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn, Trải nghiệm buýt đường sông về đêm…

Tuy nhiên theo đánh giá của một số công ty du lịch lữ hành, hạn chế của các sản phẩm du lịch đường thủy tại TPHCM hiện nay là thiếu tính đa dạng về sản phẩm dịch vụ.

 Vì thế, dù rất quan tâm nhưng số lượng khách có nhu cầu tham gia trải nghiệm du lịch đường thuỷ còn khiêm tốn. Theo số liệu của Sở Du lịch TPHCM, số lượt khách tham gia các tua du lịch đường thủy hàng năm chỉ đạt khoảng 350.000 lượt, chiếm 2% so với tổng lượt khách tới TPHCM.

Nếu so với một số quốc gia có sản phẩm du lịch đường thuỷ phát triển mạnh như Pháp, Trung Quốc, Thái Lan…, con số trên còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của du lịch đường thuỷ hiện có tại TPHCM... Các sản phẩm du lịch đường thuỷ hiện chủ yếu là các chương trình du ngoạn sông và ẩm thực, còn thiếu sắc màu của lễ hội, khai thác những đặc trưng nổi bật của văn hoá sông nước Nam bộ và TPHCM.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, ngành du lịch cùng các ngành, cơ quan liên quan đang kiến nghị xây dựng cơ chế sử dụng hiệu quả quỹ đất và hành lang ven và trên kênh rạch, cũng như xây dựng các quy chế để kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng như bến đón trả khách, các bến neo đậu tàu thuyền….

Theo tienphong.vn

largeer