Nhiều "ông lớn" hoang phí đất công, làm ăn bết bát

Thứ sáu, 24/05/2019, 09:33 AM

Trong thời buổi khan hiếm mặt bằng như hiện nay nhưng vẫn có hàng loạt doanh nghiệp nhà nước được giao diện tích đất rất lớn lại "không thèm" sử dụng, gây lãng phí lớn

Trong báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, khóa XIV, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; những hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp (DN) nhà nước.

Nhận đất xong rồi để đó

Liên quan đến vấn đề đất đai, KTNN nêu rõ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được giao diện tích, số lượng cơ sở đất rất lớn song chưa được DN và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ.

Theo Kiểm toán Nhà nước, MobiFone có số nợ quá hạn, số nợ khó đòi lên đến hơn 500 tỉ đồng

Theo Kiểm toán Nhà nước, MobiFone có số nợ quá hạn, số nợ khó đòi lên đến hơn 500 tỉ đồng

Đầu tiên là nhiều diện tích đất được giao nhưng chưa sử dụng gây lãng phí trong thời gian dài xảy ra ở Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) có 286 ha, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) 18,92 ha, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có một số lô đất mua từ giai đoạn 2011-2012…

Kế đến, nhiều khu đất sử dụng không hiệu quả như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn có 2 khu đất được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ nhiều năm trước nhưng chậm triển khai thực hiện; Tổng Công ty Viglacera có 353,7 ha đã giải phóng xong mặt bằng nhưng chưa cho thuê được; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex) được giao 1.370,35 ha đất thương phẩm nhưng đến nay chưa cho thuê.

Đặc biệt, quá trình kiểm toán, KTTN cũng phát hiện nhiều đơn vị chưa được ký hợp đồng thuê đất hoặc có đầy đủ hồ sơ pháp lý; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước. KTNN dẫn chứng trường hợp tính tiền sử dụng đất phải nộp của dự án bất động sản chưa đúng quy định xảy ra tại dự án UDIC Westlake (TP Hà Nội). Theo đó, giá cho thuê đối với diện tích thương mại và tầng hầm để xe cố định trong 50 năm không phù hợp quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cũng theo KTNN, do bất cập trong công tác quản lý nên một số diện tích đất của các DN nhà nước rơi vào tình trạng tranh chấp hoặc bị lấn chiếm. Cụ thể, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn có 23,51 ha đất bị lấn chiếm, tranh chấp. Tương tự, SAWACO có 40,562 ha với 19 khu đất; HFIC có 0,55 ha; VNPT có 0,12 ha; Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn có 0,04 ha.

Hàng ngàn tỉ đồng khó thu hồi

Cũng trong năm 2018, KTNN đã kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2017 của 253 DN thuộc 31 tập đoàn, tổng công ty và công ty nhà nước. Kết quả cho thấy phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí; kiến nghị tăng thu ngân sách 10.896 tỉ đồng và 336.999 USD.

Đi vào từng vấn đề cụ thể, KTNN cho biết nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn. Điển hình, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi là 122 tỉ đồng; MobiFone 510 tỉ đồng; VNPost 45 tỉ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 547 tỉ đồng; Tổng Công ty Sông Đà 1.907 tỉ đồng; Tổng Công ty Đầu tư nước và môi trường (Viwaseen) 46 tỉ đồng; Becamex: công ty mẹ 8.765 tỉ đồng (chiếm 91% nợ phải thu).

Ngoài ra, theo KTNN, còn có tình trạng DN đầu tư tài sản cố định nhưng chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả gây lãng phí. Trong đó, điển hình là Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ, đầu tư xây dựng kho nhớt tại phường Chánh Mỹ, tỉnh Bình Dương 8,97 tỉ đồng chưa đưa vào sử dụng từ năm 2015 đến nay. Viwaseen đầu tư nhà máy với công suất thiết kế 5.000 m3/ngày đêm nhưng thực tế sử dụng 3.000 m3/ngày đêm, gây lãng phí lớn.

Cơ quan kiểm toán cũng phát hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số DN thuộc PVN không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ lớn, như Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí lỗ lũy kế đến tháng 12-2017 là 3.377 tỉ đồng. Một số đơn vị khác thuộc PVN rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu như Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí với 1.780 tỉ đồng; Công ty CP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam 172 tỉ đồng và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất với 1.159 tỉ đồng.

Tình trạng nêu trên cũng xảy ra tại Tổng Công ty Viglacera khi có tới 5/21 công ty con lỗ hơn 81 tỉ đồng. Công ty CP Kinh doanh và phát triển nhà Hà Nội số 68 (thuộc Handico) cũng rơi vào tình trạng làm ăn bết bát khi lỗ 51 tỉ đồng. Công ty CP Chế tạo tàu và giàn khoan dầu khí (thuộc Vietsovpetro) thua lỗ nặng nề hơn với số tiền lên tới 581 tỉ đồng, tính tới thời điểm cuối năm 2017.

Tình trạng làm ăn bết bát ở nhiều DN đã được KTNN chỉ rõ, tuy nhiên thực trạng đầu tư góp vốn của các tập đoàn, tổng công ty bị thua lỗ rất đáng báo động. Cái tên PVN lại tiếp tục được nhắc đến với 7/11 công ty ngoài ngành kinh doanh chính lỗ lũy kế lớn. Công ty CP Gang thép Thái Nguyên gần mất vốn đầu tư tại 3 đơn vị. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội có 1 công ty liên doanh lỗ lũy kế 386 tỉ đồng và âm vốn chủ sở hữu 107 tỉ đồng. Đáng chú ý, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn liên doanh, liên kết và đầu tư vào 20 công ty thì có tới 8 công ty lỗ lũy kế 315 tỉ đồng. 

PVN có đến 24 dự án không thành công

Theo KTNN, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao. Cụ thể, 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án với tổng chi phí 773 triệu USD. Dự án Danan tại Iran và dự án Junin 2 tại Venezuela hiện đang dừng, giãn tiến độ với tổng mức giá trị 660 triệu USD. Ngoài ra, 2 dự án tại Peru đang xin chủ trương chuyển nhượng.

 MINH CHIẾN

Theo nld.com.vn
Từ khóa: