Nhà đầu tư Trung Quốc âm thầm gom đất ở nhiều nơi

Thứ ba, 18/12/2018, 10:19 AM

Theo thống kê của CBRE, trong chín tháng đầu năm 2018, tỉ lệ người Trung Quốc mua nhà tại TP.HCM đạt 31%, trong khi người Việt Nam chỉ đạt 24%.

6

Mới đây, tại hội nghị bất động sản (BĐS) “Động lực tăng trưởng mới CBRE”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty Nghiên cứu thị trường CBRE, công bố kết quả thống kê về khách hàng mua nhà tại thị trường TP.HCM. Theo đó, trong chín tháng đầu năm nay, tỉ lệ người Trung Quốc mua nhà tại TP.HCM đạt 31%, trong khi người Việt Nam chỉ đạt 24%.

Nhờ người Việt đứng tên giấy tờ

Số liệu CBRE đưa ra dựa trên số lượng giao dịch thành công tại các dự án mà doanh nghiệp này phân phối chứ không phải của toàn thị trường; đồng thời cho đến thời điểm hiện tại cũng chưa có bất cứ cơ quan chức năng nào cung cấp số liệu thống kê về số người nước ngoài mua nhà tại các dự án trên địa bàn TP.HCM.

Tuy nhiên, con số này cho thấy nhu cầu đầu tư của người Trung Quốc vào thị trường BĐS Việt Nam là có thật.

Anh Huỳnh Đức (môi giới đất ở Kiên Giang) chia sẻ: Trước đây chỉ có người ở TP.HCM hoặc từ Hà Nội vào mua nhưng khoảng vài năm trở lại đây thì số lượng khách hàng là người Trung Quốc tìm hiểu thông tin về đất đai ở khu vực Kiên Giang ngày càng nhiều. Song theo quy định của pháp luật thì người nước ngoài không được phép mua đất nền, do đó người Trung Quốc đã thuê người Việt đứng tên để mua.

“Mới đây, có một nhóm người Trung Quốc cũng thuê người Việt đứng tên trên hợp đồng mua bán trên lô đất khoảng 23 ha ở xã Cửa Cạn, Phú Quốc, Kiên Giang, có giấy tờ hợp pháp, giá là 60 triệu/công (một công tương đương 1.000 m2). Tính ra lô đất này có giá khoảng 13,8 tỉ đồng. Do giá trị khu đất lớn nên để phòng rủi ro, họ muốn đứng song song tên trên hợp đồng mua bán tại dự án. Tuy nhiên, khi ra công chứng thì xã không chấp thuận nên thương vụ này đổ bể. Như vậy, nếu họ không đề xuất để tên trong hợp đồng mua bán thì rõ ràng một khu đất lớn đã nằm trong tay người Trung Quốc rồi” - anh Đức nói.

Tương tự, chị Thúy Vy (môi giới địa ốc ở Long An) cho biết: “Đúng là không có cấp chính quyền nào dám công chứng những hợp đồng đất đai cho người nước ngoài cả. Nhưng thông thường những mảnh đất có diện tích khoảng 1.000-2.000 m2 hoặc có giá thành khoảng 1-2 tỉ đồng đổ lại thì rất nhiều người Trung Quốc sẵn sàng thuê người Việt đứng tên”.

Chị Vy cho biết thêm sau khi hoàn tất các thủ tục, ngay lập tức người Trung Quốc giữ toàn bộ hồ sơ giấy tờ, chỉ khi nào sang nhượng thì hai bên mới gặp mặt và tiếp tục làm các thủ tục liên quan. “Những người được thuê đứng tên có thể vừa được hưởng hoa hồng vừa được tính % lợi nhuận sau khi sang nhượng, trong khi chẳng bỏ ra bất cứ đồng vốn nào thì thử hỏi có ai lại không ham. Tôi được biết có nhiều nhà đầu tư cá nhân là người Trung Quốc bỏ tiền mua đất ruộng ở huyện Bến Lức, huyện Đức Hòa thuộc Long An hoặc ở Bình Dương…” - chị Vy khẳng định.

Theo thống kê của CBRE, tỉ lệ người Trung Quốc mua nhà ở TP.HCM tăng mạnh trong ba năm qua. Ảnh: QUANG HUY

Theo thống kê của CBRE, tỉ lệ người Trung Quốc mua nhà ở TP.HCM tăng mạnh trong ba năm qua. Ảnh: QUANG HUY

Thị trường BĐS Việt Nam còn rất hấp dẫn

Ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS, cho biết: Thực tế cho thấy ở phân khúc căn hộ thì xu hướng nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc săn lùng BĐS cao cấp tại nhiều thành phố lớn, dự án có vị trí đắc địa, chủ đầu tư uy tín tại các thành phố lớn như TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc,… là có thực và đã diễn ra vài năm rồi. Sở dĩ giới đầu tư Trung Quốc đổ xô ra nước ngoài để đầu tư BĐS, trong đó có thị trường địa ốc Việt Nam, là do dư địa phát triển của thị trường BĐS ở Việt Nam còn rất lớn.

“Chẳng hạn, ở TP.HCM có những căn hộ cao cấp hiện chào bán với mức giá 7.000-10.000 USD/m2 đã được xem là kỷ lục nhưng so với giá ở những nơi như Singapore, Hong Kong, Bắc Kinh, Thượng Hải,… thì mức giá ở này vẫn còn rất thấp. Do đó, người Trung Quốc nhìn thấy cơ hội lợi nhuận ở đâu thì đổ tiền vào đó thôi”.

Ngoài ra, theo ông Chánh, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng tác động không nhỏ đến quyết định này của nhà đầu tư Trung Quốc. “Dĩ nhiên khi có một lượng cầu lớn như vậy thì cũng sẽ khiến giá nhà tại những khu vực đó tăng cao trong thời gian tới, nhất là trong phân khúc mà người nước ngoài đầu tư” - ông Chánh nhấn mạnh.

Ông Chánh phân tích thêm: Ngoài phân khúc căn hộ thì cũng có hiện tượng nhà đầu tư Trung Quốc thông qua người Việt Nam, bằng cách góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp của các doanh nghiệp Việt Nam hoặc thuê người đứng tên để sở hữu đất nền ở một số khu vực. “Đối với những người đứng tên hộ người Trung Quốc để mua bán đất nền cũng cần phải ý thức được rằng trong mối quan hệ này có tiềm ẩn rủi ro khi mà quy định về pháp luật có sự thay đổi” - ông Chánh cảnh báo.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng: Do thị trường BĐS hiện nay tại Trung Quốc có thể gặp nhiều khó khăn, cho nên nhiều nhà đầu tư muốn tìm một nơi trú ẩn an toàn hơn và có khả năng sinh lời tốt hơn, trong đó có các TP như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…

Người Trung Quốc dẫn đầu danh sách khách hàng mua nhà ở TP.HCM

Theo thống kê của CBRE, tỉ lệ người Trung Quốc mua nhà ở TP.HCM tăng đột biến trong ba năm qua. Năm 2016, chỉ 2% người Trung Quốc mua nhà ở Việt Nam. Đến năm 2017, tỉ lệ này đã tăng gấp đôi.

Đáng chú ý, trong chín tháng đầu năm 2018, người Trung Quốc từ chỗ xếp vị trí thứ sáu đã lên vị trí đầu tiên, vượt cả người Việt Nam, Hàn Quốc, Hong Kong trong danh sách khách hàng mua nhà ở TP.HCM phân theo lãnh thổ. Con số này chỉ được thống kê thông qua sàn giao dịch của CBRE với hầu hết khách mua nhà là người nước ngoài, chủ yếu giao dịch ở phân khúc căn hộ cao cấp và hạng sang.

THÙY LINH

Theo PLO