Tồn kho bất động sản còn gần 23.000 tỷ đồng

Thứ năm, 13/12/2018, 09:37 AM

Theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây Dựng), tính đến tháng 11, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 22.976 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý 1/2013 đã giảm 105.572 tỷ đồng.

Lượng tồn kho bất động sản vẫn còn khá lớn, tập trung ở các dự án ở xa trung tâm, đô thị, hạ tầng yếu kém, rất khó tiêu thụ.

Lượng tồn kho bất động sản vẫn còn khá lớn, tập trung ở các dự án ở xa trung tâm, đô thị, hạ tầng yếu kém, rất khó tiêu thụ.

Tại hội thảo về xu hướng thị trường bất động sản 2019, ngày 11/12, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Vũ Văn Phấn cho biết, thị trường bất động sản năm 2018 tiếp tục phát triển ổn định, không có nhiều biến động, thể hiện qua số lượng giao dịch khá ổn định, giá cả không biến đổi nhiều so với năm 2017.

Đặc biệt lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm. Tính đến tháng 11, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 22.976 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý 1/2013 đã giảm 105.572 tỷ đồng; cơ cấu hàng hóa ngày càng được điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản năm 2018 vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý, đó là lượng tồn kho bất động sản vẫn còn khá lớn, tập trung ở các dự án ở xa trung tâm, đô thị, hạ tầng yếu kém, rất khó tiêu thụ. Nguồn cung nhà ở trung, cao cấp đang dư thừa, trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp mà thị trường đang cần nhiều.

Hiện nay, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (hơn 25 triệu đồng/m2) chỉ chiếm 20-30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở đô thị lớn. Trong khi đó, với nhà ở xã hội, nhà ở bình dân, nhu cầu thị trường rất lớn, chiếm khoảng 70-80%, nhưng thị trường nguồn cung lại đang rất thiếu.

Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, đến nay, phân khúc nhà ở xã hội tại các khu vực đô thị mới chỉ đạt 3,92 triệu m2, đạt 31% so với mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 (đạt 12,5 triệu m2). Có khoảng 205 dự án nhà ở xã hội chậm, trễ hoặc dừng do không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.

Các chuyên gia dự hội thảo cho rằng, về mặt điều hành, chính sách tín dụng bất động sản hiện đang được ngân hàng kiểm soát hiệu quả. Dự nợ tín dụng đang ở mức cho phép, lãi suất được duy trì tương đối ổn định, các tổ chức tín dụng đang thực hiện lộ trình hạn chế dần cho vay. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định, kiềm chế lạm phát tốt, dự báo giai đoạn 2018-2020 GDP tăng trưởng trung bình khoảng 6,8%/năm.

Từ những cơ sở nêu trên, ông Vũ Văn Phấn dự báo thị trường bất động sản năm 2019 tiếp tục phát triển ổn định, không có nguy cơ xảy ra "bong bóng bất động sản". Tuy nhiên, thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Đại diện một số doanh nghiệp bất động sản nhìn nhận, trong năm 2019, nhà chung cư vẫn là phân khúc đáng để đầu tư. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của mỗi dự án sẽ tùy vào vị trí, uy tín chủ đầu tư và tiện ích mang lại.

Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản kiến nghị, UBND các tỉnh, thành phố trong năm 2019 cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở phải triển khai xây dựng đúng tiến độ. 

Đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật.

Với các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân, hoặc làm nhà ở xã hội, thì địa phương cần xem xét giải quyết nhanh các thủ tục cho phép chuyển đổi.

BẢO ANH

Theo Vneconomy