Nghỉ lễ 30.4 - 1.5: Hàng loạt biện pháp ngăn "chặt chém" du khách
Hóa đơn hơn 16 triệu đồng, đĩa trứng rán 500.000 đồng, vé gửi xe qua đêm 200.000 đồng... những hình ảnh xấu xí vừa qua khiến cho dư luận bức xúc, trước hành vi gian dối, "chặt chém" du khách tại nhiều điểm du lịch.
Quản lý thị trường rốt ráo vào cuộc
Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) nhận định, dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 năm nay do thời gian được nghỉ lễ kéo dài, cùng với thời tiết nắng nóng nên dự báo lượng khách đến các địa phương có các điểm du lịch để tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng sẽ tăng cao. Theo đó, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên, thị trường hàng hóa dịch vụ sẽ có nhiều biến động.
Cũng theo ông Linh, ngay từ đầu tháng 4.2019, Cục QLTT các địa phương đã xây dựng kế hoạch, mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường.
QLTT đã tập trung kiểm tra đối với các thương nhân kinh doanh thương mại, dịch vụ tại các khu vực trọng điểm, các tuyến, điểm “nóng” về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chú trọng tại các khu vực chợ đầu mối, nơi tập trung kinh doanh và phát luồng hàng hóa, các khu du lịch, nơi tổ chức lễ hội, bãi biển, bến xe, bến tàu, khu trung tâm thương mại, siêu thị.
QLTT cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên khâu lưu thông; chú trọng kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về đăng ký, kê khai, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, đặc biệt là đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch, trông giữ xe, vận tải hành khách…; tập trung kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, việc sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm để phòng chống hành vi vi phạm về sản xuất, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, kém chất lượng.
Đồng thời, đường dây nóng của Tổng cục QLTT (SĐT: 0945 131 911) luôn sẵn sàng tiếp nhận các thông tin, phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm để kịp thời có phương án kiểm tra, xử lý, ông Linh nói.
Các tỉnh vào cuộc quyết liệt
Lo ngại về tình trạng chặt chém khách hàng trong dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 sắp tới, các sở, ngành cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.
Nha Trang (Khánh Hòa) từng là một trong những điểm du lịch bị phản ánh nhiều về tình trạng "chặt chém" khách. Trước tình trạng này, dịp 30.4 - 1.5 năm nay, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Theo đó, sở yêu cầu các đơn vị kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo chất lượng dịch vụ, đăng ký giá, bán đúng giá niêm yết...
Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng công bố đường dây nóng: đầu số *2258 hoặc số điện thoại 0947 528 000 để xử lý kịp thời những phản ánh của khách hàng.
Đối với thành phố du lịch Đà Nẵng, Sở Du lịch xác định, trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, tổng lượng khách đến tham quan, du lịch tại đây ước đạt 373.000 lượt, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khách quốc tế ước đạt 114.000 lượt, tăng 12,4%; khách nội địa ước đạt 259.000 lượt, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2018.
Để chuẩn bị phục vụ khách chu đáo trong dịp lễ, Sở Du lịch đã có gửi UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố về việc đề nghị tăng cường công tác chống đeo bám, chèo kéo khách du lịch trong dịp Lễ 30.4 và 1.5; Tổ phản ứng nhanh trong hoạt động du lịch cũng có văn Công văn về tăng cường hoạt động của Tổ phản ứng nhanh du lịch trong dịp này.
Phạm Dung
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch