Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'

Thứ ba, 07/01/2025 15:12 (GMT+7)

Tết Nguyên Đán cận kề, nhu cầu làm đẹp của chị em tăng cao, kéo theo nguy cơ mua phải mỹ phẩm giả, kém chất lượng.

"Tân trang" đón Tết: Chưa đẹp đã nhập viện

Mỹ phẩm từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là phụ nữ. Tuy nhiên, việc mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng từ mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả về sức khỏe lẫn tài chính.

Chị Lương Thục Tâm (tên nhân vật đã được thay đổi, 28 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ rằng dù đã cẩn trọng trong việc lựa chọn mỹ phẩm, chị vẫn không tránh khỏi việc mua phải một tuýp kem dưỡng da kém chất lượng. “Mặc dù tôi đã kiểm tra nguồn gốc và uy tín của cửa hàng, nhưng sau khi sử dụng hơn nửa tuýp, da mặt tôi đã nổi mụn chi chít và bị kích ứng nặng,” chị Tâm cho biết.

Chị Uyển Ân (tên nhân vật đã thay đổi) sau khi dùng sản phẩm và bị kích ứng da. Ảnh: Công Thành

Tương tự, chị Uyển Ân (tên nhân vật đã được thay đổi, 23 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) cũng là nạn nhân của sản phẩm kém chất lượng sau khi mua hàng qua TikTok Shop. Dù đã theo dõi các video hướng dẫn và đánh giá từ người dùng trước đó, nhưng chị vẫn bị lừa khi đặt một combo trị mụn quảng cáo là hiệu quả chỉ sau 7 ngày. Chỉ sau 2 ngày sử dụng, da mặt chị sưng tấy, và chị đã phải nhập viện để điều trị vì viêm da dị ứng.

Theo Thầy thuốc ưu tú, Thạc sỹ, bác sĩ cao cấp Đào Hữu Ghi (Bệnh viện Da liễu Trung ương), các loại mỹ phẩm hàng giả, nhái, kem trộn hoặc thuốc đông y không rõ nguồn gốc thường có chứa corticoid, gây ra các tác dụng phụ, chẳng hạn như kích thích tuyến bã nhờn, gây mụn...

“Khi người bệnh sử dụng các loại thuốc đông y hoặc thuốc tự chế không rõ nguồn gốc, một số sản phẩm có thể chứa corticoid. Khi bôi corticoid lên da, đặc biệt là đối với những người mắc chứng mụn trứng cá, corticoid sẽ kích thích tuyến bã nhờn phát triển mạnh mẽ, làm tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời, corticoid có thể làm suy giảm hệ miễn dịch tại chỗ, khiến da dễ bị viêm nhiễm. Thêm vào đó, một số loại thuốc không hiệu quả còn có thể gây kích ứng da, dẫn đến viêm da tiếp xúc dị ứng. Hậu quả là nhiều bệnh nhân phải đối mặt với tình trạng da mặt sưng đỏ, phù nề, và biểu hiện những dấu hiệu viêm nhiễm nặng, gây tổn thương da nghiêm trọng" - bác sĩ Ghi khuyến cáo.

Các bác sĩ chia sẻ về các thành phần được sử dụng trong các loại mỹ phẩm kém chất lượng.
Video: Công Thành

Thị trường tràn lan mỹ phẩm nhái, giả

Thời điểm cận Tết, thị trường mỹ phẩm chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ với nhiều hình thức quảng cáo hấp dẫn. Lợi dụng sự phát triển của TMĐT và mạng xã hội, mỹ phẩm kém chất lượng được rao bán tràn lan với hình thức tinh vi. Một số gian hàng trực tuyến thậm chí quảng cáo sản phẩm bằng hình ảnh và logo giống y hàng thật, hoặc sử dụng tên gần giống để gây nhầm lẫn.

Chỉ cần lướt qua một vòng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok Shop hay các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada… dễ dàng thấy hàng loạt quảng cáo, lời chào bán mỹ phẩm có cánh, đánh vào tâm lý người tiêu dùng như: Da trắng ngay sau 7 ngày sử dụng; Sản phẩm tự nhiên 100%, an toàn tuyệt đối ;Cam kết không gây tác dụng phụ....

Mỹ phẩm được rao bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Theo khảo sát nhanh của phóng viên trên Facebook và TikTok, trong số 50 gian hàng ngẫu nhiên trên TikTok Shop, nhiều gian hàng không cung cấp thông tin nguồn gốc sản phẩm. Trên Facebook, nhiều quảng cáo đã thu hút hàng nghìn lượt xem với những video "feedback" ảo, đánh trúng tâm lý "rẻ, đẹp" của người mua.

Ngoài ra, tại các gian hàng chuyên bán đồ mỹ phẩm ở khu chợ dành cho sinh viên trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhiều sản phẩm được dán nhãn cao cấp như Chanel, L’Oréal hoặc The Body Shop nhưng thực chất chỉ là hàng nhái, kém chất lượng. Ví dụ, 1 thỏi son kem 3CE hàng chuẩn được bán với giá 290.000 đồng, tại chợ sinh viên giá của nó chỉ là 25.000 đồng; một thỏi son MAC nhập khẩu chính hãng có giá 480.000 đồng và giá ở chợ cũng chỉ 50.000 đồng…

Theo thống kê của Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), trong 10 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 61.079 vụ, phát hiện và xử lý 41.725 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý hơn 777 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 404 tỷ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 187 tỷ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 186 tỷ đồng (tăng 69%), thu nộp ngân sách nhà nước 479 tỷ đồng (tăng 11%).

Tuy nhiên, các đối tượng buôn bán hàng giả vẫn ngày càng tinh vi, lợi dụng lỗ hổng trong quản lý để trục lợi.

Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng, cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết: Quản lý thị trường Hà Nội đã xử phạt, thu giữ, thậm chí chuyển sang công an để điều tra rất nhiều vụ việc, đối tượng sản xuất sản phẩm hóa mỹ phẩm giả. Đặc biệt, nhiều vụ việc mỹ phẩm giả được phát hiện, xử lý các đối tượng thường sử dụng các tài khoản mạng xã hội, hay các nền tảng thương mại điện tử để trào bán các sản phẩm giả."

Ông cũng khuyến cáo, khi mua các sản phẩm hóa mỹ phẩm, người tiêu dùng nên hết sức cẩn trọng, kiểm tra kỹ thông tin, lựa chọn các nhãn hiệu, đơn vị phân phối có uy tín để mua được hàng chính hãng và nên giữ lại hóa đơn để thuận tiện kiểm tra về sau.

Luật sư Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Đức Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái có thể bị phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng, hoặc xử lý hình sự với mức án tối đa 15 năm tù giam”.

Theo quan điểm của Luật sư Hùng, các chế tài xử phạt cần nghiêm khắc hơn để răn đe, đồng thời yêu cầu các sàn TMĐT chịu trách nhiệm liên đới khi để xảy ra tình trạng buôn bán mỹ phẩm giả, kém chất lượng.

Theo Xuân Đoàn, Công Thành (Tạp chí Lao động&Xã hội)
Nguồn: tapchilaodongxahoi.vn