Năm 2019 cổ phần hóa bao nhiêu doanh nghiệp?

Thứ sáu, 18/01/2019, 10:43 AM

Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định , xác định giá trị doanh nghiệp (DN) đúng quy định là những điểm cốt lõi được đưa ra để quá trình cổ phần hóa DNNN năm 2019 không bị mất vốn.

Tiến trình cổ phần hóa trong năm 2018 vẫn chậm, không đạt kế hoạch.

Tiến trình cổ phần hóa trong năm 2018 vẫn chậm, không đạt kế hoạch.

Thu 18.334 tỷ đồng từ thoái vốn nhà nước

Theo thống kê từ Bộ Tài chính, trong năm 2018 (tính đến ngày 20/12/2018), có 15 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó cổ phần hóa 13 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp. Tổng giá trị DN là 29.934 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.543 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 18.477 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.204 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.293 tỷ đồng; đấu giá công khai 4.843 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 125 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 5,8 tỷ đồng.

Về tình hình thoái vốn, trong năm 2018 (tính đến ngày 20/12/2018), các DN đã thoái được 7.885 tỷ đồng, thu về 18.334 tỷ đồng, trong đó: Thoái vốn nhà nước tại 18 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 1.308 tỷ đồng, thu về 2.511 tỷ đồng, trong đó chỉ có 2 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018, còn lại 16 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017.

Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 6.576 tỷ đồng, thu về 15.822 tỷ đồng, trong đó: Thoái vốn tại 9 DN thuộc các lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, các quỹ đầu tư) được 2.419 tỷ đồng, thu về 2.794 tỷ đồng; Thoái vốn tại 25 DN thuộc các lĩnh vực phải thoái khác được 1.395 tỷ đồng, thu về 3.017 tỷ đồng; SCIC thực hiện thoái vốn tại 9 DN với giá trị 2.761 tỷ đồng, thu về 10.011 tỷ đồng.

Kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN sau cổ phần hóa, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng tồn tại một số hạn chế trong công tác cjổ phần hóa, thoái vốn hiện nay.

Ngoài ra, theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 DN, trong đó có 21 DN thuộc danh mục năm 2017. Tuy nhiên, năm 2018 (tính đến ngày 20/12/2018) mới cổ phần hóa được 15 DN. Tiến độ triển khai cổ phần hóa trong năm 2018 còn chậm, không đạt được theo kế hoạch.

Giải pháp trọng tâm

Ông Lê Song Lai - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho rằng, mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, nhưng do nhiều nguyên nhân, nên nhìn chung quá trình thoái vốn nhà nước những năm gần đây có xu hướng diễn ra chậm. Các nguyên nhân kể trên gồm pháp luật còn chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì một văn bản duy nhất, cho dù ở cấp thông tư.

Bên cạnh đó, các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc. Công tác lập kế hoạch thoái vốn không thực sự gắn với yêu cầu thị trường khi đặt ra những thời hạn chót để hoàn thành. Ngoài ra, còn những vướng mắc về phía DN là đối tượng thoái vốn như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu tỷ lệ chi phối trên 51% tại DN, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước…

Theo Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), để tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước cần thực hiện nhiều nhóm giải pháp.  Các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN cổ phần hóa.

Đối với các DNNN, trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải đi đầu trong đổi mới, áp dụng công nghệ và phương thức kinh doanh theo hướng thông minh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn, áp dụng phương thức kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, thanh toán điện tử...

Đặc biệt các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN phải kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản DNNN theo quy định của pháp luật; thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng DN nhà nước, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn.  

 T.Hằng

Theo daidoanket