Áp dụng quy chuẩn nước thải: Doanh nghiệp thủy sản kêu khó
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian qua, nhiều nhà máy chế biến thủy sản gặp vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành môi trường khi áp dụng Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 11-MT:2015/BTNMT về nước thải chế biến thủy sản. Các vi phạm chủ yếu ở các nội dung vượt ngưỡng chỉ tiêu phốt-pho (P), ni-tơ (N). Với những bất cập và hàng loạt quy chuẩn áp đặt quá cao mà doanh nghiệp ngành thủy sản khó đạt được đã ảnh hưởng không chỉ hoạt động sản xuất nội địa mà còn là vấn đề lớn trong xuất khẩu của toàn ngành.
Là doanh nghiệp chế biến thủy sản hàng đầu Việt Nam, và mặc dù đã có sự đầu tư khá lớn khi Công ty đầu tư 2 nhà máy xử lý nước thải vào năm 2015, mỗi hệ thống 55 tỉ đồng, đại diện Công ty Thủy sản Minh Phú vẫn khá bức xúc khi doanh nghiệp mình dù làm đúng quy định vẫn bị phạt về dư lượng phốt pho.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho biết: "Chúng tôi đầu tư hơn 50 tỷ cho hệ thống xử lý nước thải, các chỉ tiêu đạt hết, chỉ riêng P chúng tôi không đầu tư theo công nghệ sản xuất P là vì đã phê duyệt, đánh giá tác động môi trường và chúng tôi đầu tư xử lý theo công nghệ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt không xét chỉ tiêu P. Thế nhưng, giờ lại đưa ra chỉ tiêu P theo một tiêu chuẩn mới, chúng tôi không thể nào trở tay kịp.
Ông Quang cho biết thêm, nếu để đạt tiêu chuẩn môi trường này thì chi phí cực cao. "Ước tính chúng tôi phải bỏ ra 3.000 đồng cho 1 kg thành phẩm chi phí cho xử lý P. Một năm chúng tôi sản xuất 50 ngàn tấn thành phẩm nhân với 3.000 đồng 1 kg thì biết bao nhiêu tiền. Trong khi đó, các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Philipines...họ lại không có quy định chỉ tiêu P này cho nên họ không phải bỏ một số tiền như vậy. Cạnh tranh trên thương trường là cạnh tranh bình đẳng giá Việt Nam với các nước khác nếu chỉ cần bán cao hơn 1 chút thì người ta mua của nước khác chứ ai mua của mình".
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp khá lo lắng khi xuất hiện nhiều bất cập và không đồng nhất từ các quy chuẩn, quy định chung về xử lý nước thải thủy sản. Việc này khiến doanh nghiệp lúng túng trong việc xử lý và đầu tư, bởi hiện tại có nhiều quy chuẩn mâu thuẫn nhau, doanh nghiệp thực hiện theo cái này thì bị vi phạm cái khác.
Ông Phạm Bảo Quốc, Phó Giám đốc Công ty Thủy sản NTSF, cho hay trên cơ sở thực tế nước thải của ngành thủy sản thì áp dụng theo Quy chuẩn 11. Tuy nhiên, như vậy dẫn đến vấn đề bất hợp lý bởi theo tiêu chuẩn 40 thì chỉ tiêu P chỉ có 6 trong khi theo tiêu chuẩn 11 năm 2015 thì tiêu chuẩn P của nhà máy chế biến thủy sản là 20.
Với sự bất nhất như vậy đã khiến các doanh nghiệp hứng chịu nhiều gánh nặng, nhất là các khoản chi phí đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp thủy sản trong nước đều là DNVVN nên rất khó đáp ứng các tiêu chuẩn cũng như đủ vốn để xây dựng các hệ thống đạt chuẩn.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Chủ nhiệm khoa KTPT, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQH Hà Nội nhận định, nếu doanh nghiệp đáp ứng được các quy định về tiêu chuẩn chất thải thủy sản thì phải tăng giá thành sản phẩm. Điều này dẫn đến khó cạnh tranh với các nước trên thị trường quốc tế, bởi nhiều chi phí, lệ phí bủa vây.
Ngoài những khó khăn vừa nêu, nhiều doanh nghiệp còn chịu các tầm kiểm tra đánh giá khác nhau và phải tốn nhiều thời gian tiền của để tiếp các đoàn thanh tra.
Kim Ngọc
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường
-
Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn giảm thêm nửa triệu đồng