Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Nhiễu loạn mua bán đá quý trên chợ mạng

Thứ bảy, 10/05/2025 07:30 (GMT+7)

Chỉ với vài cú chạm màn hình, hàng nghìn người tiêu dùng đã bỏ tiền triệu để sở hữu những viên đá quý được quảng cáo “năng lượng cao”, “thu hút tài lộc”, “thiên nhiên 100%”... Thậm chí có người còn "bóc túi mù" thử vận may đổ thạch.

Thị trường đá quý online – đặc biệt là trên Facebook, Tiktok, Shopee đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho hàng giả hoành hành, trong khi người mua chỉ biết trông cậy vào niềm tin và may rủi.

Mua bán dễ như rau, ‘đổ thạch’ hóa canh bạc tiền triệu

Chỉ cần lướt một vòng trên mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp những livestream bán đá với lời lẽ hấp dẫn: “Đá này giúp hút tài lộc, tình duyên nở rộ!”, “Thạch anh tóc vàng hàng thiên nhiên, năng lượng cao!”, “Đá ruby Myanmar giá yêu thương, cam kết thiên nhiên 100%!”

Thị trường online bùng nổ với đủ loại giá từ vài chục ngàn cho đến cả trăm triệu. Hầu hết các sản phẩm mua bán đều không có giấy kiểm định, không nguồn gốc rõ ràng, mọi giao dịch đều dựa vào... niềm tin. Hàng loạt tài khoản trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đang rao bán đá quý với mức giá khiến nhiều người giật mình.

Đơn cử như một tài khoản trên Facebook chuyên bán đá quý thường xuyên rao bán viên sapphire chỉ 200 nghìn đồng/viên, hay viên emerald chỉ 800 nghìn đồng. Thậm chí, có những tài khoản thường xuyên livestream săn hàng đá quý giá rẻ, từ vòng tay cẩm thạch đến tượng phong thủy, giá chỉ vài trăm đến vài triệu đồng.

Các loại đá quý tràn lan trên mạng với giá từ rẻ đến cao. Ảnh: chụp màn hình

Tương tự, trên Shopee, một số gian hàng đặt địa chỉ nước ngoài quảng cáo ngọc lục bảo – loại đá quý hiếm – với giá chỉ 865 nghìn đồng kèm theo những lời giới thiệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng chất lượng như quảng cáo. Nhiều trường hợp sau khi mua mới tá hỏa phát hiện chất lượng không giống như giới thiệu. Người thì phát hiện đá nhuộm màu, người thì nhận hàng bị tráo, thậm chí là đá nhân tạo, thủy tinh giả đá quý. Nhưng vì giao dịch qua mạng, người bán “lặn mất tăm”, người mua đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì giao dịch bằng niềm tin.

Một số sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay mạng xã hội như Facebook, Tiktok cũng đầy rẫy đá quý với mô tả hấp dẫn. Khi được hỏi về giấy kiểm định, nhiều shop chỉ trả lời: “Cam kết hàng thiên nhiên, không kiểm định vì chi phí cao”.

Một xu hướng đang "gây sốt" hiện nay là trào lưu “đổ thạch” – đập đá thô để tìm tinh thể quý hiếm. Các buổi livestream trên TikTok, Facebook thu hút hàng nghìn người xem. Chủ shop thường quảng bá rằng các viên đá thô có xác suất trúng ngọc quý, kêu gọi người chơi chuyển tiền đặt cọc. Có viên đá được rao giá lên tới 35, 40, thậm chí 50 triệu đồng. Người mua có thể “góp tiền” theo phần trăm để cùng sở hữu một viên đá thô.

Một cục đá được định giá 60 triệu đồng. Ảnh: Cắt từ clip

Sau khi góp đủ tiền, chủ shop đập đá, tìm được vài mảnh đá nhỏ và tự định giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Người chơi tưởng mình "trúng lớn", nhưng thực chất tất cả chỉ là trò dàn dựng. Phần lớn các viên đá này chỉ là đất đá thường, không hề có giá trị thật.

Anh Đức Nghĩa (30 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ đã mất hơn 30 triệu đồng sau nhiều lần mua đá livestream: “Họ dán mã số, cam kết trúng đá quý. Tôi tin tưởng chuyển tiền nhưng nhận về toàn đá rỗng, không có giá trị”.

Không chỉ riêng anh Nghĩa, một phụ nữ ở quận Hà Đông còn bị lừa tới 2,2 tỷ đồng vì tin vào các buổi “đổ thạch” online. Các chiêu trò phổ biến hiện nay là tự xưng “chuyên gia đá quý”, “thầy phong thủy lâu năm” hay gắn mác “doanh nghiệp uy tín”, nhưng thực chất không có bất kỳ giấy tờ hay chứng chỉ xác minh nào.

Mất tiền thật mua hàng giả

Thậm chí, để tạo dựng niềm tin và thu hút khách hàng, nhiều người bán còn dựng cảnh phòng đá “giả chuyên nghiệp” – đeo kính lúp, dùng kẹp đá, chiếu đèn led để tạo lòng tin. Nhưng phía sau lớp phông nền hoành tráng đó chỉ là phòng trọ tạm bợ, hàng hóa mua từ chợ đầu mối hoặc các trang thương mại Trung Quốc rồi thổi giá gấp hàng chục lần.

Chị Thu Nga (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, ban đầu chị vui mừng khi mua được chiếc vòng có điểm phỉ thúy với giá hơn 50 triệu đồng qua một buổi livestream của người bán nổi tiếng trên mạng xã hội. Thấy hàng đẹp đúng như giới thiệu, chị tiếp tục đặt thêm một vòng phỉ thúy “gà đen” hơn 30 triệu để tặng em gái, với mong muốn mang lại may mắn.

Tuy nhiên, khi đem đi kiểm định, một chuyên gia ngọc khẳng định cả hai chiếc vòng chỉ là ngọc type B – ngọc tự nhiên đã qua xử lý hóa chất và nhiệt độ. Những loại ngọc này không còn giữ được năng lượng tự nhiên và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, phong thủy của người đeo.

“Chuyên gia bảo tôi, ngọc dưỡng người, người dưỡng ngọc, còn ngọc đã qua xử lý thì không còn tốt cho cả sức khỏe và phong thủy của người mang”, chị Nga buồn bã kể.

Nhẫn tỳ hưu được cho là vàng 10k bán với giá 4,5 triệu đồng. (Ảnh: chụp màn hình)

Tương tự, anh Lê Văn Tùng (32 tuổi, quận Đống Đa, TP Hà Nội) vẫn còn bức xúc khi kể lại trải nghiệm mua đá quý online của mình. Trong một buổi tối lướt Facebook, anh tình cờ xem một livestream rao bán đá quý với hàng nghìn người xem. Người dẫn chương trình nói dồn dập, cầm viên đá ruby đỏ sẫm trên tay, liên tục nhấn mạnh:

“Ruby Myanmar thiên nhiên 100%! Hôm nay livestream đặc biệt giảm 80%, chỉ còn 4 triệu 900 ngàn cho viên đá năng lượng cực mạnh, quý vị nhanh tay kẻo hết!”

Bị cuốn theo lời quảng cáo, lại thấy hàng loạt người bình luận “Chốt đơn”, “Quá đẹp!”, “Em lấy 2 viên!”, anh Tùng quyết định mua, không một chút đắn đo.

“Họ nói sẽ gửi giấy kiểm định sau, nhưng đợi mãi không thấy. Cầm viên đá trên tay, tôi vẫn thấy đẹp nên ban đầu cũng yên tâm. Nhưng đến khi mang ra tiệm vàng quen kiểm tra, họ bảo chỉ là đá nhân tạo, không phải ruby thật”, vị khách chia sẻ.

Anh Tùng đã cố liên hệ lại người bán qua Facebook nhưng tài khoản đã bị xóa. Mọi nỗ lực đòi lại công bằng đều không có kết quả.

Chia sẻ về thị trường đá quý nhiễu loạn gần đây, anh Thế Trọng, chủ một cửa hàng đá quý lâu đời tại TP HCM chia sẻ, trên thị trường hiện có ba loại phỉ thúy phổ biến: Type A là loại phỉ thúy tự nhiên, không qua xử lý, giá trị cao nhất. Type B là đá đã được xử lý nhiệt và bơm keo để ổn định màu. Type C là đá nhuộm màu, giả trân nhưng nhiều khi được bán với giá cao hơn cả type A.

Anh Trọng cảnh báo, nhiều khách hàng của anh từng mua phải đá kém chất lượng qua mạng. "Khi mua đá quý có giá trị cao, dù online hay trực tiếp, tốt nhất nên mang đến các thương hiệu lớn như Doji, SJC để kiểm định. Chỉ mất khoảng 300–400 nghìn đồng, sau 5–10 ngày sẽ có kết quả chính xác", anh nhấn mạnh.

Cây đá quý với dáng huyền rất đặc biệt được mang đấu giá với giá chỉ hơn 200k. (Ảnh: chụp màn hình)

Chị Ý Lan, một người chơi đá quý lâu năm tại Giảng Võ, Hà Nội chia sẻ, chị đã chi gần 500 triệu đồng để mua trang sức đá quý như dây chuyền, nhẫn, vòng tay, mặt dây và bông tai. Tuy nhiên, chị tự nhận mình không phải là "tay chơi" vì chỉ dám mua những món vừa tiền trong khi một chiếc vòng phỉ thúy loại A đã có giá từ 400–500 triệu.

Với các món dưới 2 triệu, chị Lan dựa vào kinh nghiệm cá nhân, uy tín người bán và luôn kiểm tra kỹ hàng khi mua online. Còn với các sản phẩm có giá từ vài chục triệu đồng, theo chị, phải có giấy kiểm định từ các đơn vị uy tín như VGC, Doji Lab hay SJC. Nếu là hàng nhập khẩu bán qua trung gian, bắt buộc phải có kiểm định ở cả hai đầu – nơi bán và nơi nhận.

“Đá quý cao cấp luôn có mã số riêng, tra cứu rất dễ. Ngoài ra, người chơi sành có thể gõ để nghe tiếng ngọc – trong hay đục sẽ nói lên chất lượng”, chị bật mí. Tuy nhiên, để có được chút kinh nghiệm ấy, chị Lan cho biết mình cũng từng mua nhầm ngọc rạn, ngọc đã xử lý, những bài học "đau ví" không dễ quên trong những ngày đầu tập tành chơi ngọc.

Đừng để tiền mất ôm giận vào người

Dưới góc nhìn pháp lý, Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định pháp luật, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc có thể bị xử phạt hành chính nặng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ vi phạm: Phạt tiền lên tới 70 triệu đồng đối với cá nhân buôn bán hàng giả (về công dụng, giá trị sử dụng), tổ chức vi phạm bị phạt gấp đôi. Buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu bị phạt đến 50 triệu đồng. Kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc có thể bị phạt từ 300.000 đồng đến 50 triệu đồng. Gian dối trong giao dịch online, như cung cấp hàng không đúng mô tả, có thể bị truy tố về tội "lừa dối khách hàng" theo Điều 198 Bộ luật Hình sự.

Nếu hành vi buôn bán hàng giả gây thiệt hại lớn, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, hoặc gây hại sức khỏe cho người khác, cá nhân có thể đối mặt với án tù từ 1 đến 15 năm và phạt tiền đến 1 tỷ đồng. Pháp nhân vi phạm cũng không tránh khỏi: có thể bị phạt tới 9 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động, thậm chí vĩnh viễn.

Khi mua hàng online, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin về sản phẩm, đánh giá người bán, điều khoản thanh toán và bảo hành. Ưu tiên mua hàng trên nền tảng uy tín, chọn phương thức được kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Nếu phát hiện hàng hóa kém chất lượng, người tiêu dùng có quyền yêu cầu đổi trả, giảm giá hoặc bồi thường thiệt hại theo Điều 445 Bộ luật Dân sự và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023. Trường hợp không thương lượng được, có thể khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện để đòi lại quyền lợi.

"Mua hàng online, tiện nhưng đầy rủi ro. Đừng để sự tiện lợi biến thành cái bẫy “mất tiền, ôm giận”!", luật sư Hùng nhấn mạnh.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an tỉnh Bình Thuận vừa có khuyến cáo về trò lừa đảo “cắt đá quý tìm ngọc” xuất hiện gần đây trên mạng xã hội. PA05 Công an tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân không nên tham gia đầu tư “cắt đá tìm ngọc” trên mạng internet, không có chuyện dễ dàng kiếm tiền như các đối tượng đã quảng cáo, mời gọi. Mọi lời hứa hẹn “trúng ngọc nhận thưởng tiền tỷ” hoặc “hoàn tiền nếu không trúng” đều là các bẫy do các đối tượng lừa đảo đặt ra.

Ngày 9/5, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết Phòng Cảnh sát Hình sự triệt phá nhóm tội phạm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng dưới hình thức "cắt đá tìm ngọc". Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện một nhóm đối tượng lập các trang Fanpage "Phỉ thúy thiên bảo", "Đá đến đổi vận", "Đá Ngọc thô", "Đồ trang sức giàu có", "Đá may mắn" để tổ chức livestream trực tiếp cá cược cắt đá với mục đích tìm ra ngọc quý, sau đó kêu gọi những người xem tin tưởng tham gia mua suất đặt cược rồi chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, tại Hà Nội vào cuối tháng 3/2025, một phụ nữ đã cả tin tham gia trò chơi “cắt đá quý tìm ngọc” và sập bẫy mất trắng 300 triệu đồng khi được thông báo “trúng thưởng” 3 tỷ đồng.

Minh Huyền
Nguồn: sohuutritue.net.vn