Môi trường kinh doanh bị thiệt hại nếu ứng dụng công nghệ bị xử thua
Ngày 22/11, giới kinh doanh taxi 4.0 trên toàn thế giới hướng về phiên tòa Vinasun kiện Grab và đòi bòi thường 41,2 tỷ đồng. Đây là vụ kiện đầu tiên trên thế giới khi một hãng taxi kiện công ty công nghệ với cáo buộc sụt giảm lợi nhuận.
"Thật vô lý khi một công ty công nghệ như Grab bị trừng phạt vì đã có ưu thế công nghệ hơn các mô hình kinh doanh truyền thống nhằm mục đích mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân Việt Nam” - ông Jerry Lim, Giám đốc Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) đã chua chát thốt lên khi Viện KSND TP.HCM đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu bồi thường của Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.
Ông Jerry Lim cho rằng: "Vụ kiện này không có mục đích nào khác ngoài việc Vinasun cố tình tìm cách trì hoãn việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh vận tải và sử dụng tòa án để tác động, gây ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách về dịch vụ vận ứng dụng khoa học công nghệ kết nối vận tải theo hướng bảo hộ hình thức kinh doanh vận tải taxi truyền thống và điều đó sẽ gây thiệt hại cho chính người dân Việt Nam".
“Tòa án sẽ bảo vệ lợi ích tốt nhất của người dân chứ không phải vì lợi ích nhóm đang cố giữ mô hình kinh doanh truyền thống và không chịu đổi mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là vụ kiện đầu tiên trên thế giới mà một doanh nghiệp taxi kiện một công ty công nghệ với cáo buộc bị sụt giảm lợi nhuận” - ông Jerry Lim nhấn mạnh.
"Nếu tòa xử cho Vinasun thắng kiện Grab thì đó sẽ là một cái tát vào mặt môi trường, văn hóa kinh doanh nói chung, vào chủ trương phát triển công nghiệp 4.0 nói riêng ở nước ta. Đừng bôi tro trát trấu vào mặt nước ta trước thềm kỷ nguyên 4.0 của toàn nhân loại. Một doanh nghiệp kém cỏi có thể chết, nhưng không thể vì nó mà giết chết một môi trường kinh doanh, một môi trường kiến tạo phát triển, một văn minh” - chuyên gia trong ngành hàng không và du lịch TS. Lương Hoài Nam bình luận trên trang cá nhân.
Từ khi ứng dụng công nghệ 4.0 tràn vào Việt Nam, người tiêu dùng được hưởng lợi trong nhiều lĩnh vực. Người tiêu dùng có thể mua sắm online qua các trang thương mại điện tử hay ứng dụng của các siêu thị, hãng hàng không, rạp phim... với hình thức thanh toán thẻ ngân hàng, ví điện tử. Và dịch vụ vận chuyển cũng không nằm ngoài xu thế đó thông qua các ứng dụng gọi xe.
Các ứng dụng gọi xe cung cấp cho người tiêu dùng biết trước đoạn đường sẽ đi, khoảng cách, giá tiền... Nhờ bộ máy hoạt động đơn giản, các ứng dụng gọi xe có giá rất cạnh tranh, từ đó chiếm cảm tình của phần đông người tiêu dùng.
Trước sự cạnh tranh quyết liệt của các ứng dụng gọi xe, Vinasun cho rằng đã bị thiệt hại nên đâm đơn kiện Grab và đòi bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng. Việc Vinasun kiện Grab là bình thường nhưng nếu TAND TP.HCM xử công ty taxi này thắng kiện sẽ rất khập khiễng, thiếu cơ sở cũng như kìm hãm sự phát triển của một nền công nghệ mới.
Cách mạng 4.0 là xu hướng tất yếu không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới và không ai cưỡng lại điều tự nhiên này đến. Doanh nghiệp nào ngoài cuộc sẽ bị bỏ lại phía sau, những ai nắm bắt được cơ hội này sẽ tiến mạnh hơn, nhanh hơn và đạt được những thành công cao hơn.
Mục đích cuối cùng của phát triển công nghệ là phục vụ người tiêu dùng với chất lượng tốt hơn với giá cả hợp lý. Đừng vì một doanh nghiệp kém cỏi trong ứng dụng công nghệ mà giết chết môi trường kinh doanh và sự phát triển của xã hội, của đất nước.
Nguyễn Tuấn
-
Con trai dùng điện thoại của mẹ chuyển khoản 200 triệu đồng để... mua đồ chơi
-
"Ngôi sao" phòng vé ít ai ngờ
-
Trưởng Phòng GD-ĐT quận 1 nói gì về những phát ngôn của "giáo viên xin laptop bất thành"?
-
Lộ diện "Chị đẹp" 2024
-
Từ vụ cựu Á hậu Quế Vân thừa nhận mua giải: Có thể xử lý?
-
Từ vụ TikToker tố bị chủ quán phở miệt thị: Cảnh báo văn hóa ứng xử cõi mạng