Chủ hãng taxi Hoàng Sa tẩu tán hàng trăm xe khi đang bị điều tra
Sau các bài viết phản ánh taxi Hoàng Sa bị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Quảng Nam thu hồi giấy phép vận tải taxi và TAND TP.Huế ngăn chặn khẩn cấp xe, Báo Người Tiêu Dùng tiếp tục nhận được đơn kêu cứu tập thể của nhà đầu tư về việc taxi Hoàng Sa tẩu tán tài sản trong quá trình điều tra.
Đầu tư 50 tỷ đồng mua xe nhưng…không có xe
Theo phản ánh của những nhà đầu tư xe taxi, năm 2015, ông Nguyễn Sự - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hoàng Sa Group - kêu gọi đầu tư trên 50 tỷ đồng cho hơn 150 xe Kia Morning, Rio, Vios và Innova. Công ty cam kết trong thời hạn hợp đồng sẽ đứng tên carvet để đăng ký đăng kiểm xe, bảo hiểm xe. Hết thời hạn hợp đồng, công ty trả đủ tiền gốc đầu tư cộng lãi và xác xe. Nếu có các thỏa thuận khác (mua bán, chuyển nhượng, cầm cố thế chấp) thì phải có sự hợp tác, đồng ý bằng văn bản giữa công ty và nhà đầu tư.
Thế nhưng, sau khi huy động hàng chục tỷ đồng của nhà đầu tư để mua xe thì cuối 2017, ông Nguyễn Sự “tung tin” công ty Hoàng Sa làm ăn thua lỗ vì thế không trả tiền gốc và lãi như cam kết trong hợp đồng. Thấy vậy, các nhà đầu tư yêu cầu chốt nợ, trả xe thì ông Nguyễn Sự chỉ viết giấy hứa hẹn.
Đến nay, nhiều hợp đồng xe đã hết hạn, nhà đầu tư yêu cầu công ty trả xác xe nhưng ông Nguyễn Sự và lãnh đạo của công ty này lẩn tránh trách nhiệm, không thanh lý hợp đồng cũng không bàn giao xe. Đó là lý do nhà đầu tư khởi kiện tại TAND TP. Huế để đòi lại tài sản và tòa án ban hành quyết định ngăn chặn khẩn cấp tạm thời 2 chiếc Kia Morning cho ông Lê Xuân Hóa (Đà Nẵng). Nhiều hợp đồng khác ở Huế cũng đã đến hạn thanh lý hợp đồng nhưng cả taxi Huế lẫn taxi Quảng Nam đều không có xe để trả.
Nhà đầu tư vác đơn đi cầu cứu. Quá bất bình vì xe taxi đang hoạt động bình thường bỗng dưng không còn chiếc nào để thanh lý hoặc trả cho nhà đầu tư, nhiều người đã tố cáo đến Công an Đà Nẵng, Huế và Quảng Nam. Sau đó, Công an TP. Huế và Công an tỉnh Quảng Nam chuyển đơn về cho Công an Đà Nẵng thụ lý và giải quyết theo quy định.
Một số người khác gửi đơn khởi kiện ở tòa án quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng nhưng do CTCP Du lịch Hoàng Sa Đà Nẵng không còn ở địa chỉ 47 Nguyễn Cư Trinh, quận Hải Châu nên tòa án hướng dẫn nạn nhân kiện ông Nguyễn Sự tại nơi cư trú (265/16 đường Trường Chinh, quận Thanh Khê). Tại TAND quận Thanh Khê, những nhà đầu tư lại được hướng dẫn kiện ở nơi công ty đang đóng là tỉnh Quảng Nam. Vậy là các nhà đầu tư lại cùng nhau khởi kiện ở TAND TP.Huế và TAND huyện Điện Bàn. Mới đây, TAND huyện Điện Bàn trả lời Công an huyện Điện Bàn đang thụ lý, giải quyết đơn tố cáo CTCP Du lịch Hoàng Sa Quảng Nam có dấu hiệu lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong số những nhà đầu tư có xe ở cả Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế, có những người bị ông Nguyễn Sự lừa giao tiền, nhưng ngay tháng đầu tiên của hợp đồng, công ty taxi Hoàng Sa đã không có tiền để trả cho họ. Quá bức xúc, nhiều người đã ký đơn tập thể cầu cứu Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng và kiến nghị Viện kiểm sát TP. Đà Nẵng giám sát quá trình điều tra.
Tẩu tán tài sản, khai báo gian dối
Trung tuần tháng 7/2018, nhà đầu tư tổ chức theo dõi và phát hiện taxi Hoàng Sa tại Quảng Nam và Huế bán xe hàng loạt cho một người tên V. (trú tại thị trấn Hương An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) nhưng ông Nguyễn Sự vẫn nhắn tin khẳng định: “Các xe bây giờ đã hết hạn kiểm định và bảo hiểm lâu rồi, cảnh sát và thanh tra giao thông làm ráo riết mà chưa có tiền xử lý, lái xe phải chạy chui nên làm gì có xe nào thanh lý được”. Rồi ông Nguyễn Sự hẹn nhà đầu tư ngày 22/8 sẽ giải quyết.
Trước đó, ông Nguyễn Sự ký xác nhận, hứa hẹn với 5 nhà đầu tư đến 31/5 sẽ chốt công nợ, thanh lý hợp đồng, trả xe vì hiện tại xe đang thế chấp ở ngân hàng. Vào thời điểm này, ông Nguyễn Sự thông tin còn 18 xe ở Huế, 40 xe ở Quảng Nam, không khai báo số lượng xe đưa ra Quảng Bình và không khai báo số xe ở Đà Nẵng đang ở đâu.
Qua đơn tố cáo, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam đã tổ chức thanh tra đột xuất và ngày 14/9/2018 ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải của taxi Hoàng Sa Quảng Nam và 44 phù hiệu đã cấp. Ngay sau đó, taxi Hoàng Sa tại Huế nộp đơn xin trả phù hiệu xe và trả giấy phép vận tải để ngừng hoạt động cho Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên, do chưa nộp đủ phù hiệu nên sở này chưa ra quyết định thu hồi.
Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên-Huế thông tin, thời điểm cao điểm nhất, taxi Hoàng Sa đăng ký taxi hơn 105 chiếc, sau đó sụt giảm còn khoảng 70-80 chiếc các loại. Nguyên nhân là do công ty này điều xe ra Quảng Bình và bán xe. Vào thời điểm bán 10 chiếc Kia Morning thì bị TAND TP. Huế phong tỏa 2 chiếc.
Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải, đăng kiểm, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên-Huế nói: “Cách đây hơn 1 tháng, Hoàng Sa có đơn xin trả lại giấy phép kinh doanh vận tải nhưng nội dung không phù hợp. Sở đã hướng dẫn viết đơn lại nhưng từ đó đến nay công ty này không đến nộp thủ tục. Hiện taxi Hoàng Sa còn 35 phù hiệu chưa thu hồi.” Vị trưởng phòng nhấn mạnh, việc CTCP Du lịch Hoàng Sa dừng hoạt động mà không thông báo là vi phạm pháp luật.
Thế nhưng ngày 30/10, tại cơ quan điều tra công an TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Sự khai nhận xe chỉ tạm ngừng hoạt động. Khi bị điều tra viên “truy hỏi” xe tạm dừng chạy nhưng đang ở đâu thì ông này khai bị ngân hàng HD Bank Đà Nẵng giữ xe. Không đồng ý với cách trả lời của ông Nguyễn Sự, một nhà đầu tư đã liên hệ với giám đốc HD bank thì được biết ngân hàng không hề giữ xe nào của Hoàng Sa. Hiện nay ngân hàng đã tất toán nợ của taxi Hoàng Sa. Đến lúc này, ông Nguyễn Sự mới thừa nhận mình đã bán hết xe cho ông V. (Hương An, Quế Sơn, Quảng Nam) dù chưa có sự đồng ý của nhà đầu tư.
Như vậy, ngoài việc huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không có xe để chốt công nợ, trả xác xe; lập Công ty Hoàng Sa Đà Nẵng thu tiền rồi giải tán công ty không thông báo cho nhà đầu tư, ông Nguyễn Sự lại tiếp tục lạm dụng quyền hạn của mình tẩu tán tài sản (là những xác xe - là tài sản phải trả lại cho nhà đầu tư). Không những vậy, ông Nguyễn Sự liên tiếp có những lời khai gian dối với cơ quan điều tra và hứa hẹn hão huyền để đánh lừa nhà đầu tư.
Đáng nói, từ cách đây hơn 3 tháng, ông Nguyễn Sự đã dự liệu sẽ bị khởi tố tại Đà Nẵng nên cấp tập bán xe, lập công ty mới cho người khác đứng tên và sử dụng tài sản, thiết bị của taxi Hoàng Sa. Nhưng đến nay, Công an TP. Đà Nẵng vẫn tiếp tục xác minh làm rõ chứ chưa có biện pháp để bảo vệ tài sản của người tố cáo.
Hàng chục nhà đầu tư bất lực nhìn tài sản của mình đang lần lượt ra đi mà không làm sao để ngăn chặn dù đã yêu cầu cơ quan điều tra có biện pháp can thiệp.
Thiên Minh
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm