BTV Hoàng Linh im lặng gần 4 tháng dù quảng cáo 2 loại sữa giả
Dù vướng lùm xùm quảng cáo nhiều sản phẩm sữa giả, MC, BTV Hoàng Linh của VTV vẫn chưa lên tiếng xin lỗi như nhiều người nổi tiếng khác, khiến dư luận bức xúc.
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
MC Hoàng Linh bị xử phạt 107,5 triệu đồng vì quảng cáo sai sự thật về sản phẩm sữa dinh dưỡng Hiup 27. Đây là mức phạt cao nhất trong loạt vi phạm liên quan đến quảng cáo thực phẩm của các KOL thời gian qua.
Một cái tên quen thuộc trên sóng truyền hình là MC Hoàng Linh vừa bị xử phạt hành chính số tiền lên tới 107,5 triệu đồng vì quảng cáo sai sự thật về sữa Hiup 27. Cô cũng bị buộc tháo gỡ toàn bộ nội dung vi phạm, cải chính thông tin sai lệch, theo quyết định số 312/QĐ-XPHC do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử ban hành ngày 10/7.
Ba hành vi sai phạm cụ thể được chỉ rõ: Quảng cáo gây nhầm lẫn về công dụng đã được công bố; nội dung quảng cáo không phù hợp với tài liệu hợp pháp của sản phẩm; và sử dụng tên bác sĩ trong quảng cáo mà không có chứng minh sự đồng ý. Đây là chuỗi vi phạm không còn hiếm gặp trong làn sóng người nổi tiếng tham gia quảng cáo thực phẩm thời gian gần đây.
Khác với nhiều nghệ sĩ từng nhanh chóng lên tiếng sau khi bị phát hiện liên quan đến sữa giả như diễn viên Doãn Quốc Đam, người đã đính chính sau vài ngày xuất hiện trong clip quảng cáo Cilonmum - MC Hoàng Linh chọn cách im lặng. Trên mạng xã hội, nhiều đoạn video cô từng giới thiệu loạt sản phẩm mang tên Cilonmum vẫn đang được lan truyền, từ Colos Baby 24h, Colos Pedia 24h đến Goat Colostrum 24h.
Trước đó, nhiều MC và BTV nổi tiếng cũng đã bị xử phạt vì hành vi tương tự. BTV Quang Minh bị phạt 37,5 triệu đồng, còn MC Vân Hugo bị xử phạt tới 70 triệu đồng vì quảng cáo sai sự thật, dùng tên bác sĩ khi chưa có sự đồng thuận. Cả hai buộc phải xóa nội dung vi phạm và cải chính thông tin công khai.
Cơn bão "quảng cáo sai sự thật" đang đặt ra bài toán nghiêm túc cho giới KOL, đặc biệt là những gương mặt thường xuyên xuất hiện trên sóng truyền hình, vốn được công chúng mặc định là có độ tin cậy cao. Không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng cá nhân, việc tiếp tay cho sản phẩm không rõ nguồn gốc, công dụng còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt khi sản phẩm là thực phẩm, thuốc hoặc dịch vụ khám chữa bệnh.
Theo đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, tình trạng các nghệ sĩ, MC, KOL… thiếu hiểu biết hoặc cố tình bỏ qua quy định khi quảng cáo đang có xu hướng gia tăng. Họ thường không kiểm tra kỹ tài liệu công bố, thành phần, hoặc chưa nắm rõ quy định về quảng cáo với nhóm sản phẩm có điều kiện như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng, y tế.
Đáng lo hơn, nhiều cá nhân sẵn sàng "nhắm mắt quảng cáo" để đổi lấy hợp đồng có thù lao cao, bất chấp hậu quả lâu dài cho cộng đồng. Một đoạn video quảng cáo có thể thu về hàng chục triệu đồng, nhưng cái giá phải trả là lòng tin công chúng, hay như trong trường hợp MC Hoàng Linh - là án phạt trên trăm triệu và vết gợn trong sự nghiệp.
Cơ quan chức năng kêu gọi người nổi tiếng cần nâng cao nhận
thức, hành động có trách nhiệm hơn với sản phẩm mình lựa chọn giới thiệu. Việc
tìm hiểu kỹ thành phần, đối chiếu với giấy công bố và tuân thủ quy định quảng
cáo không chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà còn là nghĩa vụ đạo đức trước cộng đồng
người tiêu dùng.