Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Lý do ẩn chứa của việc Gen Z Hàn Quốc thích sống với cha mẹ

Chủ nhật, 04/05/2025 07:09 (GMT+7)

"Đối với họ, con đường đến với sự tự lập không còn đơn giản chỉ là rời khỏi nhà nữa", Korea Herald cho biết.

Bất chấp áp lực xã hội về việc buộc phải rời khỏi nhà và “trưởng thành”, phần lớn người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 vẫn sống cùng cha mẹ.

Một khảo sát năm 2022 cho thấy 81% người Hàn Quốc trong độ tuổi 20 sống cùng cha mẹ. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Ở Hàn Quốc, nhiều người trẻ thuộc Gen Z vẫn phụ thuộc tài chính vào cha mẹ, thường bị gọi là “bộ tộc chuột túi”. Họ được ví như những chú kangaroo con sống trong túi của mẹ. Thuật ngữ này từng mang ý nghĩa tiêu cực, ám chỉ sự phụ thuộc, thiếu trưởng thành của người trẻ.

Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn của The Korea Herald với 14 người Hàn Quốc thuộc Gen Z cho thấy một góc nhìn khác. Nhiều người sống với bố mẹ không phải do sự lười biếng mà bởi chi phí nhà ở quá cao, công việc bấp bênh, áp lực xã hội và ít lựa chọn sống chung.

Nhiều thanh niên Hàn Quốc vẫn sống dựa vào chu cấp của bố mẹ. Ảnh: The Global and Mail.

"Chỉ đơn giản là không đủ tiền thuê nhà"

“Mỗi lần muốn ra ở riêng tôi lại tra giá thuê nhà để tự nhắc mình rằng mình không đủ khả năng”, Lee, 26 tuổi, sinh viên cao học ngành tâm lý học kiêm trợ giảng chia sẻ.

Sống ở ngoại ô Seoul, Lee phải di chuyển gần 3 tiếng mỗi ngày để đến trường. Việc đi lại vất vả cộng thêm căng thẳng khi sống cùng cha mẹ khiến cô mệt mỏi. Tuy nhiên, chuyển đến gần trường không phải là một lựa chọn. Ngay cả một căn hộ một phòng đơn giản cũng có thể tốn ít nhất 700.000 won (khoảng 488 USD) mỗi tháng, chưa kể phí bảo trì. Với mức lương trợ giảng của Lee, điều này là không thể.

Yoon Do-won, 28 tuổi, làm trong lĩnh vực bất động sản cho biết, việc sống cùng cha mẹ là một quyết định tài chính có tính toán. “Vẫn tốt hơn là phải trả 700.000 won cho một căn hộ tầng hầm chật hẹp, xuống cấp”, anh nói. Anh dự định sẽ sống cùng cha mẹ vài năm nữa cho đến khi đủ khả năng mua một nơi ở an toàn và thoải mái.

Sung In-ho, 28 tuổi là một dược sĩ - một nghề được xem là ổn định và có thu nhập cao ở Hàn Quốc cũng cho biết anh không đủ khả năng sống riêng. Anh và bạn gái đều đang đi làm, tiết kiệm tiền để mua nhà. “Nếu giờ tôi chuyển ra ở riêng và bắt đầu trả tiền thuê nhà thì có lẽ phải mất rất lâu tôi mới mua được nhà”, anh nói.

Giá nhà ở Seoul đã đạt mức cao kỷ lục. Theo một báo cáo của KB Real Estate công bố hồi tháng 4, giá trung bình một căn hộ tại thành phố này đã vượt qua 1,3 tỷ won (khoảng 906.000 USD).

Ở với cha mẹ vẫn hạnh phúc

“Thật tuyệt khi sống với gia đình. Họ luôn chào đón bạn khi trở về nhà”, Park, 25 tuổi, cử nhân thiết kế chia sẻ. Cô cho biết việc cùng nhau ăn uống và được gia đình chào đón mỗi ngày mang lại cảm giác thoải mái và ổn định.

Han, 23 tuổi, tốt nghiệp đại học nói rằng cô chưa bao giờ có nhu cầu sống một mình. “Ngay cả khi dọn ra, tôi cũng sẽ sống cùng chị gái”, cô nói. Việc có người thân bên cạnh cũng giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và cảm xúc của Han.

“Bạn bè tôi đều đồng ý rằng tốt nhất là ở với cha mẹ càng lâu càng tốt, cho đến khi bị ‘đuổi’ đi”, Paik, 26 tuổi chia sẻ.

Paik từng sống gần trường nhưng sau đó chuyển về nhà. Dù hiện tại phải đi lại hơn 70 phút mỗi ngày nhưng cô không hối hận. “Khi tôi cân nhắc giữa các lựa chọn, sự hỗ trợ tài chính, chăm sóc tinh thần và việc không phải làm mọi thứ một mình, phương án ở cùng bố mẹ có nhiều lợi ích vượt trội hơn so với việc sống độc lập”.

"Bộ tộc chuột túi" ngày càng nhiều ở Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Đối với một số người, sự an toàn khi sống cùng cha mẹ quan trọng hơn việc sống một mình.

“Tội phạm như theo dõi, quấy rối tình dục, thậm chí giết người nhắm vào phụ nữ sống một mình đang gia tăng”, Shin, 28 tuổi, làm trong ngành dịch vụ chia sẻ. Dù không còn sống ở nhà, cô ước rằng mình vẫn sống cùng gia đình. “Chỉ cần biết rằng có người ở nhà khi tôi về đã khiến tôi cảm thấy an toàn hơn”, Shin nói.

Lee Yu-na, 21 tuổi, đồng ý với Shin. “Theo những gì bạn tôi kể, sức khỏe tinh thần và sự an toàn là lý do lớn khiến nhiều phụ nữ không dọn ra ngoài”, cô nói.

Nỗi sợ này thường được chia sẻ bởi các bậc cha mẹ có con gái. Một người mẹ ngoài 50 tuổi có con gái đang ở tuổi 20 cho biết bà rất kỹ lưỡng khi tìm nhà cho con, kiểm tra vị trí và hệ thống an ninh như camera hay bảo vệ tại nơi ở của con gái.

Trước các tin tức thường xuyên về tội phạm nhắm vào phụ nữ sống một mình, bà cho biết sẵn sàng hỗ trợ tài chính để con gái có thể ở nơi an toàn hơn. Trừ khi việc học hay công việc bắt buộc, bà nghĩ nhiều phụ huynh sẽ thích con gái ở nhà lâu hơn vì thấy yên tâm hơn khi gần con.

Sẽ ra ngoài nếu có nền tảng tài chính vững chắc

Ở Hàn Quốc, việc còn là sinh viên thường đồng nghĩa với việc vẫn được gia đình hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, khi khoảng cách giữa học tập và việc làm ngày càng xa, thời gian phụ thuộc này cũng kéo dài. Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, tính đến năm 2024 có 238.000 thanh niên từ 15-29 tuổi thất nghiệp hơn 3 năm.

“Kiếm một công việc toàn thời gian giống như mò kim đáy bể. Giờ đây, nếu muốn xin việc ở Hàn Quốc, bạn cần ít nhất một hoặc hai kỳ thực tập trước”, Jung Ye-won, 24 tuổi, sinh viên năm cuối chia sẻ.

Jung cho biết chỉ một người trong khoa của cô đã có việc. Hầu hết, kể cả những người học khóa trên vẫn đang chờ đợi. Cô ước tính độ tuổi trung bình của người lần đầu đi làm là khoảng 27 tuổi. Nhiều người hơn 27 tuổi vẫn chưa có việc làm ổn định.

“Hầu hết bạn tôi đang chuẩn bị gì đó: thi vào trường luật, thi CPA (kế toán viên công chứng), hoặc thi luật sư”, một thực tập sinh nhân sự 23 tuổi tên Min cho biết. Cô cũng từng dành nhiều năm để ôn thi luật sư.

Với sự ủng hộ từ gia đình, nhiều người thuộc thế hệ Z chọn trì hoãn việc sống độc lập để theo đuổi con đường ổn định và đáng mơ ước hơn.

“Mỗi khi lên mạng, bạn lại thấy vô số câu chuyện thành công. Áp lực đó khiến tôi phải cố gắng nhiều hơn”, một nhà tư vấn kinh doanh 23 tuổi tên Young chia sẻ.

Dù ban đầu thất vọng vì không có được công việc mơ ước, Young thấy vị trí hiện tại của cô ở một công ty tư vấn có tiếng là phù hợp. Dẫu vậy, áp lực vươn lên vẫn còn. Young đang chuẩn bị học cao học để tăng cơ hội phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc cô sẽ tiếp tục sống cùng cha mẹ một thời gian nữa.

Yoon, 26 tuổi, tốt nghiệp ngành khoa học chính trị cũng có suy nghĩ tương tự. Nhận thấy thị trường việc làm cho nhóm ngành xã hội khá ảm đạm, cô đăng ký học trường luật và hiện đang theo học tại một học viện luyện thi với chi phí hơn 1.000 USD/tháng. Dù học phí đắt đỏ, học viện vẫn đông sinh viên.

Một số người còn đặt mục tiêu cao hơn. Kim, 23 tuổi, sau khi tốt nghiệp ngành giáo viên, cô vẫn đang cân nhắc thi vào trường nha khoa, kéo dài việc học thêm 6 năm nếu thi đỗ. “Tôi nghĩ làm giáo viên cũng ổn, nhưng nếu trở thành nha sĩ thì sẽ lý tưởng hơn,” cô nói. Dù biết kỳ thi rất cạnh tranh, Kim vẫn thấy đó là cái giá xứng đáng cho sự ổn định tài chính và địa vị xã hội lâu dài.

Cả Young, Yoon và Kim đều có thể theo đuổi học tiếp nhờ sự hỗ trợ tài chính từ cha mẹ. Họ hiểu đó là một gánh nặng lớn nhất là khi cha mẹ sắp về hưu. Do đó, họ đã thống nhất với gia đình rằng chỉ thử một hoặc hai lần, nếu không thi đỗ sẽ từ bỏ và chuyển hướng.

Băng Tâm
Nguồn: sohuutritue.net.vn