Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

‘Lật mặt 8’ của Lý Hải thực sự là phim tệ nhất trong seri ‘Lật mặt’?

Chủ nhật, 04/05/2025 15:34 (GMT+7)

Từ khi còn chưa chính thức ra rạp, “Lật mặt 8 – Vòng tay nắng” của Lý Hải đã gặp phải rất nhiều đánh giá trái chiều cho rằng đây là phim tệ nhất trong seri Lật mặt.

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Lật mặt 8 – Vòng tay nắng của Lý Hải chính thức ra mắt khán giả. Song, điều đáng nói là từ khi phim mới chỉ có những suất chiếu premier, bộ phim đã nhận về hàng loạt đánh giá trái chiều từ khán giả.

Đa phần những ý kiến này đều cho rằng nội dung phim rời rạc, kịch bản cũ và các tình tiết quá vô lý. Từ đó không ít người nhận định rằng đây là phần phim tệ nhất trong seri Lật mặt của Lý Hải.

Thậm chí, còn có ý kiến nhận định bộ phim là sự chắp vá của các tình tiết phim về đề tài mâu thuẫn gia đình như Bố già của Trấn Thành. Nhiều khán giả cho rằng Lý Hải đã mất phong độ, nên quay lại với đề tài phim hành động mà anh từng thành công trước đó.

"Lật mặt 8" bị đánh giá là phim tệ khi còn chưa chính thức ra rạp.

Nếu xét trên yếu tố kịch bản, rõ ràng những ý kiến nói trên không sai. Nội dung của Lật mặt 8 – Vòng tay nắng xoay quanh mâu thuẫn giữa người cha – ông Phước với con trai – Tâm. Vì không muốn con trai có cuộc sống vất vả, ông Phước luôn ép con phải học tập nghiêm túc, sẵn sàng cấm cản con theo đuổi ước mơ trở thành thần tượng âm nhạc.

Từ đó, nhiều mâu thuẫn về tư tưởng giữa hai thế hệ đã tạo ra những màn “đấu khẩu”, những cơn hờn giận giữa hai cha con. Tuy nhiên, vì tình yêu thương đối với con, cuối cùng ông Phước chấp nhận buông bỏ định kiến, hết lòng hỗ trợ con đạt được ước mơ.

Rõ ràng, đây không phải là mô-típ kịch bản mới mẻ, chúng ta đều có thể dễ dàng nhận thấy những mâu thuẫn này rất quen thuộc, thậm chí là cũ kỹ trong chính cuộc sống hằng ngày và hàng loạt bộ phim, clip về gia đình trước đó.

Sự quen thuộc này dễ tạo ra tâm lý nhàm chán cho người xem, khiến họ cảm thấy câu chuyện khá hời hợt, không có sức hút.

Kịch bản phim khá cũ, nhiều tình tiết bị cho là "làm quá".

Về tình tiết câu chuyện, người xem sẽ không khỏi có cảm giác lưng chừng, hụt hẫng khi các cao trào của mâu thuẫn được xây dựng với tiết tấu khá nhanh, đôi khi chưa kịp “chạm”.

Đơn cử, khi cha con Phước – Tâm cãi nhau về chủ đề đường hướng phát triển cho con, khoảnh khắc Tâm thốt ra câu thoại “Nếu ba biết đâu là con đường đúng thì nhà mình đã không nghèo như thế này”. Đúng ra đây sẽ là tình tiết gây xúc động cho khán giả xem phim, nhưng rõ ràng nó đã quá quen thuộc nên trở thành chi tiết “dễ đoán”, không còn tạo được hiệu ứng như mong đợi.

Cuộc cãi vã này cũng nhanh chóng đi vào quên lãng vì không có thêm bất cứ điểm nhấn nào, ngoài màn “chiến tranh lạnh” giữa hai cha con. Việc ông Phước thay đổi tư duy, chấp nhận để con theo đuổi ước mơ cũng được diễn đạt quá nhanh đem lại cảm giác khiên cưỡng.

Phim cũng tồn tại nhiều tình tiết bị cho là “làm quá”, không lo-gic như việc người mẹ sống cùng các con hơn 10 năm nhưng các con không hề biết mẹ không biết chữ hay việc ông Phước liều mạng chỉ để chạy về nhà lấy chiếc áo diễn đưa cho con trong khi có rất nhiều phương án khác để thay thế.

Lý Hải bị đánh giá "xuống phong độ" với tác phẩm "Lật mặt 8".

Phim không chỉ xoay quanh câu chuyện gia đình ông Phước mà còn đề cập tới nhiều gia đình khác với những mâu thuẫn khác nhau đan xen, chồng chéo cũng gây cảm giác hời hợt, thiếu chiều sâu. Lấy ví dụ, gia đình Nhàn và Lan nảy sinh mâu thuẫn từ việc chồng vắng mặt thường xuyên, Lan chán nản bỏ đi cùng nhân tình. Thế nhưng chỉ vì thấy con gái xuất hiện trong một cuộc thi trên truyền hình, Lan bỗng quay trở về hàn gắn với chồng.

Có thể thấy, Lý Hải đã cố gắng “đẩy cảm xúc” cho khán giả, dùng những chi tiết này để tạo cao trào cho kịch bản nhưng chưa thực sự thành công. Cách xử lý kịch bản đầy lỗ hổng, quá ôm đồm trong việc “cài cắm” tình tiết chính là nguyên nhân khiến Lật mặt 8 không thuyết phục được khán giả.

Trước những ý kiến trái chiều về kịch bản phim, Lý Hải cho hay: “Ai cũng có gia đình với những câu chuyện không giống nhau. Có người được ủng hộ, có người không. Nhưng sự hy sinh thầm lặng của người cha, đôi khi khác với sự hy sinh của người mẹ, là điều dễ chạm đến mọi thế hệ. Tôi tin khán giả nào xem phim cũng tìm thấy hình ảnh của mình trong đó”.

Cách xử lý kịch bản đầy lỗ hổng, quá ôm đồm trong việc “cài cắm” tình tiết chính là nguyên nhân khiến “Lật mặt 8” không thuyết phục được khán giả.

Song, công bằng mà nói, đây cũng không phải bộ phim quá tệ đến mức được xem là dấu hiệu cho sự “mất phong độ” của Lý Hải. Bỏ qua những lỗ hổng về kịch bản, vẫn có nhiều khán giả bày tỏ sự xúc động trước thông điệp mà bộ phim đem lại: Dù có bất đồng, nhưng gia đình, cha mẹ vẫn luôn là vòng tay ấm áp nâng bước các con.

Lý Hải đã để khán giả cảm nhận được sự âm thầm nhưng không kém phần mãnh liệt của tình phụ tử. Hình ảnh người cha sẵn sàng bỏ chấp niệm của bản thân, dùng mọi nguồn lực có thể từ tiền bạc, mối quan hệ ít ỏi, thậm chí là cả tính mạng của mình để giúp con thực hiện ước mơ hay khoảnh khắc Tâm nghẹn ngào khi nhớ lại bản thân vì giận dỗi mà suốt đời bỏ lỡ cái ôm ấm áp, bao dung của người cha đã khiến không ít khán giả thổn thức.

Phim cũng cho thấy ước mơ vươn lên của một bộ phận thế hệ trẻ nơi vùng quê nghèo đầy gió cát. Họ có hoàn cảnh khác nhau, có nhiều khó khăn và trở ngại nhưng vẫn vươn lên mạnh mẽ, biết sống có trách nhiệm và trân trọng gia đình, sự hy sinh của cha mẹ.

Phim có nhiều "mảng màu tươi sáng", thông điệp ý nghĩa.

Bộ phim không quá bi lụy, đâu đó vẫn xuất hiện nhiều niềm vui nhỏ bé, nhiều hy vọng nhen nhóm. Ta có thể thấy điều đó thông qua sự giúp đỡ mà cậu xe ôm dành cho ông Phước, tấm chân tình mà gia đình giám đốc dành cho nhân viên của mình. Những chi tiết này đã khẳng định rằng dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, trắc trở nhưng tình người vẫn lấp lánh hiện diện ở những khoảnh khắc gian nan nhất.

Ngoài thông điệp tích cực của bộ phim, Lý Hải cũng cho thấy tư duy làm phim đầy cống hiến, tâm huyết. Xét về quy mô đầu tư, sự chỉn chu cho bối cảnh phim, có thể thấy nam đạo diễn thực sự rất đầu tư và dành nhiều sự chăm chút cho “đứa con tinh thần” của mình.

Phân cảnh ông Phước cố gắng băng qua con đập đưa áo diễn cho con được ê-kíp đầu tư 14 ngày để thiết kế bối cảnh, 48 giờ ngâm nước để thực hiện cảnh quay. Để có được cảnh quay này, Lý Hải và ê-kíp không chỉ đầu tư nhiều thời gian, công sức mà còn kiên trì khi nhiều lần đoàn phải ngừng thi công vì nước lũ bất ngờ đổ về, thậm chí có lần nước dâng cuốn trôi toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng đã chuẩn bị.

Phân cảnh ông Phước băng qua con đập được đầu tư khá kỹ càng.

Một ví dụ khác cho sự đầu tư mạnh mẽ của ê-kíp Lật mặt 8 chính là phân cảnh concert của cuộc thi Hi Idol. Ê-kíp đã huy động 1000 diễn viên quần chúng, dựng sân khấu lớn với trang thiết bị âm thanh, ánh sáng không thua kém một concert thực sự.

Từ đó có thể thấy, Lý Hải không thực sự xuống phong độ, đây cũng không phải một bộ phim tệ. Song, có lẽ nam đạo diễn và ê-kíp cần tiết chế trong việc “ôm đồm” quá nhiều câu chuyện, thông điệp trong phim của mình. Để thực sự thuyết phục được công chúng, Lý Hải nên chú ý tới việc đầu tư thêm cho phần kịch bản, cách xây dựng tâm lý nhân vật.

Đến thời điểm hiện tại, chỉ sau chưa đầy một tuân công chiếu, dù nhận về nhiều ý kiến trái chiều nhưng Lật mặt 8 – Vòng tay nắng vẫn cán mốc 100 tỷ đồng doanh thu phòng vé cho thấy khán giả vẫn đang chờ đợi, yêu mến Lý Hải và thương hiệu phim Lật mặt.

Thảo Nguyên
Nguồn: sohuutritue.net.vn