Làng gốm 500 năm xứ Quảng
Bên bờ sông Thu Bồn những ngày này, đường vào làng gốm Thanh Hà (TP Hội An, Quảng Nam) đã thấy những nồi, ấm lu, vại, ngói… màu nâu đất phơi ngay ngắn dọc 2 bên lối đi. Tiếng nện đất, tiếng lách cách củi lửa trong lò nung gốm, hay tiếng tu huýt bằng gốm là những thanh âm thường ngày ở làng gốm 500 tuổi này.
Lịch sử thăng trầm
Đưa những du khách tới ấp Nam Diêu (làng gốm Thanh Hà, TP Hội An), bà Nguyễn Thị Thanh, một người dân địa phương cứ tiếc rẻ vì “nếu đi vào ngày 10 tháng Giêng, khi dân làng tập trung về miếu Nam Diêu làm lễ giỗ tổ, mở hội đầu năm thì còn đông vui nhộn nhịp hơn nữa”.
Nhưng sau những ngày hội xuân, làng gốm trở lại với nhịp sống thường ngày, mọi người lại tất bật bên những chum, vại, lò gốm, củi lửa cũng là những khoảnh khắc đáng quý với du khách lần đầu đến nơi này. Anh Lê Minh, một du khách đến từ Nghệ An chia sẻ, lý do biết đến làng gốm Thanh Hà bởi vẻ đẹp của những ngôi nhà rêu phong trong phố cổ Hội An với ngói cong, gạch đỏ do chính những nghệ nhân trong làng làm ra, đã có tuổi đời cả trăm năm. Mong muốn tìm hiểu về lịch sử và truyền thống của làng nghề, tự tay làm những sản phẩm thủ công cũng là lý do nhiều du khách chọn khi về với ngôi làng cổ bên sông Thu Bồn này.
Lịch sử thăng trầm của làng gốm được thể hiện lại ngay tại Bảo tàng gốm Thanh Hà (còn có tên gọi Công viên Đất nung Thanh Hà, công viên gốm Thanh Hà) đặt ngay đầu làng và trong ký ức của những thế hệ nghệ nhân trong làng. Sau những năm tháng nỗ lực giữ lửa giữ nghề, những nghệ nhân cao tuổi trong làng như nghệ nhân Lê Trọng đã có thể tự hào chia sẻ: “Nghề gốm lúc này hồi sinh. Mẻ lò vừa ra đã sẵn ghe bầu mang đi tiêu thụ. Nhà nhà làm gốm, người người làm gốm. Ai nấy cũng nao nức”.
Đi sâu vào trong làng, mỗi gia đình là một xưởng gốm, một bảo tàng gốm thu nhỏ. Ở đó, mỗi người trong gia đình, từ lớn nhỏ, người già người trẻ đều tham gia một khâu trong quá trình sản xuất, từ đánh đất, lọc đất, nhồi chuốt, tạo hình trên bàn xoay, phơi gốm, cất củi canh lửa đến vẽ thành phẩm. Anh Nguyễn Viết Sơn, cháu trai nghệ nhân kỳ cựu Nguyễn Thị Được, cho biết điều đáng tự hào với người làng gốm Thanh Hà là dù có nhiều sự thay đổi, nhưng người làng vẫn bảo tồn nguyên vẹn công thức của cha ông, gần như độc nhất trong cả nước.
Với cách làm thủ công, phương tiện và kỹ thuật được trao truyền qua bao đời, các sản phẩm gốm mộc mạc, không dùng bất kỳ loại phụ gia nào ngoài đất sét, được nung bằng lò củi, không tráng men. Trong làng, 2 loại lò nung đặc trưng của làng gốm là lò úp và lò ngửa vẫn đều đặn nổi lửa nung gốm, làm việc hết công suất. Để giữ được những đặc trưng mang thương hiệu của gốm Thanh Hà, những người con trong làng bao đời vẫn chân lấm tay bùn, miệt mài cần mẫn hoàn thiện từng sản phẩm với tất cả trái tim và khối óc của mình. Một nghệ nhân trong làng nói vui, người làm gốm lúc nào cũng có cả hoa tay và chai tay vì tài hoa đi kèm với vất vả.
Gốm ở Thanh Hà chủ yếu là gốm sành nâu, sản xuất đủ các mặt hàng theo yêu cầu của thị trường. Tính sơ qua những mặt hàng được bày bán cũng như các gia đình đang sản xuất có đến khoảng 30 chủng loại sản phẩm, từ ngói âm dương, ngói vảy cá, nồi, bình, hũ… tới những sản phẩm nhỏ, đồ lưu niệm như bình vôi ăn trầu, chân đèn, tò he, tu huýt… Đặc biệt, không chỉ giữ gìn truyền thống, nhiều thế hệ nghệ nhân trong làng đã sáng tạo những sản phẩm gốm mỹ nghệ, gốm ứng dụng gắn với các công trình hiện đại để mở rộng thị trường. Nghệ nhân Lê Quốc Tuấn là người tiên phong trong lĩnh vực gốm mỹ nghệ của Thanh Hà, với những sản phẩm gốm trang trí như lu, đèn, tượng sư tử… làm sang trọng hơn các không gian nhà hàng, khách sạn, được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đặt hàng.
Niềm tự hào xứ Quảng
Nếu như 500 năm trước, những nghệ nhân làm gốm rời cố hương Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương tới lập làng lập ấp canh cánh nỗi nhớ quê, ngày nay, người Thanh Hà bền bỉ tiếp lửa truyền thống của cha ông, đưa nghề gốm phát triển, giữ lửa trở thành niềm kiêu hãnh của xứ Quảng. Với những thế hệ nghệ nhân trong làng, ký ức về con đường gốm sứ của làng gốm Thanh Hà giờ đã được tiếp nối, không chỉ hiện hữu trong những công trình lịch sử, văn hóa khắp cả nước, hay theo thuyền buôn tới Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha... như trong lịch sử, mà đã vươn tới năm châu theo chân những du khách mến yêu văn hóa Việt.
3 năm trở lại đây, trung bình mỗi ngày làng gốm Thanh Hà đón khoảng trên 1.000 lượt khách. Du khách mua vé vào làng sẽ được tới tham quan, cùng làm gốm với những nghệ nhân trong làng, tham gia vào các khâu sản xuất, cũng như chuốt nặn, thỏa sức sáng tạo để có được những sản phẩm gốm của riêng mình. Sau khi thử tài nặn gốm, du khách còn được tặng những phần quà lưu niệm độc đáo như những con thổi, tò he nhỏ xinh, độc đáo mang về. Gia đình chị Trịnh Hồng Lệ (phố Ngô Quyền, Hà Nội) đã dành một buổi sáng tại làng gốm Thanh Hà để được trải nghiệm không khí làng gốm. Từ khi tất bật tàu ghe đưa đất, củi cập bờ, tới những xưởng gốm cạnh nhà luôn có tiếng người gọi nhau làm việc. 2 con của chị mê mẩn những với âm thanh rộn rã vui tai, cũng nán lại một hộ làm gốm để được học cách nặn. Chị chia sẻ: “Tôi thích nhất là không khí xóm làng vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, không trở thành điểm du lịch xô bồ, ồn ã. Mọi người đều rất thân thiện, nhiệt tình, mến khách, khiến việc làm một sản phẩm thủ công không còn quá nhọc nhằn mà trở nên thú vị, hấp dẫn với những du khách lần đầu tập thành như chúng tôi”.
Làng gốm Thanh Hà giống như một điểm nhấn độc đáo suốt dọc con đường di sản miền Trung. Vào những dịp lễ hội như lễ giỗ tổ nghề vào ngày 10-7 Âm lịch hay dân làng làm lễ tại miếu tổ nghề ngày 10 tháng Giêng, du khách sẽ được đắm mình trong không gian lễ hội truyền thống, chứng kiến phần lễ linh thiêng cũng như hòa mình trong các trò chơi dân gian. Dấu ấn nghề gốm hiện hữu trong cả những sinh hoạt cộng đồng này, với những phần thi chuốt gốm, nặn con thổi, tò he, sáng tạo mẫu gốm Thanh Hà, đua thuyền, kéo co… Phần hội với các trò chơi dân gian như thi chuốt gốm, tạo mẫu, nặn tò he, nấu cơm niêu, đập nồi, kéo co thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Theo chị Thanh Bình, cán bộ Phòng Văn hóa-Thể thao-Du lịch Hội An, ở làng còn gần 30 hộ làm gốm, trong đó có 15 hộ làm trải nghiệm cho du khách, còn lại là các hộ sản xuất thông thường. Có thị trường để lo đầu ra cho sản phẩm, lại có thể xuất khẩu tại chỗ, nguồn thu từ bán vé du lịch tái đầu tư cho hạ tầng và vệ sinh môi trường tại làng nghề, người dân trong làng yên tâm yêu nghề, có ý thức trách nhiệm với di sản cha ông để lại. Giữ lửa nghề với họ cũng là giữ du khách, có thu nhập sẽ giúp làng nghề sống tốt, sống khỏe, không còn canh cánh nỗi lo thất truyền như những thăng trầm đã qua.
Minh Khuê
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch