Kỷ luật ngân sách nhà nước còn lỏng lẻo
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gần đây đã có báo cáo cho ý kiến về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, dự toán NSNN năm 2019 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2019. Từ báo cáo này, người đọc có thể thấy nhiều vấn đề rất đáng lo ngại về sức khỏe và tính bền vững của NSNN, mặc dù những con số khái quát như tỷ lệ bội chi NSNN/GDP vẫn... đẹp.
Có luật cũng như không
Đầu tiên phải nói đến kỷ luật NSNN. Có rất nhiều cụm từ trong báo cáo chứa những từ như “chưa”, “không”, “vẫn còn”, và “chậm” để mô tả tình trạng các bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), địa phương và cả trung ương đã và đang chưa hoặc không thực hiện (đúng) những gì mà họ cần phải làm theo quy định của pháp luật liên quan.
Chẳng hạn, nói về các bộ, ngành, địa phương, đã có những vi phạm, thậm chí là nghiêm trọng, như chưa thực hiện các kiến nghị tăng thu NSNN của KTNN năm trước; báo cáo nợ đọng thuế không chính xác (thấp hơn thực tế); phân bổ kế hoạch vốn không bảo đảm thứ tự ưu tiên, chưa đủ điều kiện theo quy định (ví dụ, phân bổ vốn khi chưa có quyết định đầu tư, không đúng đối tượng, dự án không nằm trong kế hoạch đầu tư công); chưa xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, vẫn để phát sinh nợ sau ngày 31-12-2014; vẫn còn nhiều địa phương dư nợ vay cuối năm 2019 vượt hạn mức dư nợ vay theo quy định...
Về phía trung ương, một số trong những vi phạm được chỉ ra gồm chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương tăng so với dự toán 2018 nhưng chưa có chi tiết phân bổ vốn; chưa phân bổ mức chi cụ thể đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ theo quy định tại Luật NSNN năm 2015; nhiều bộ ngành, địa phương lập dự toán chi đầu tư phát triển cao hơn nhiều so với khả năng cân đối của ngân sách; vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương đã hết nhiệm vụ chi các năm trước nhưng chưa nộp trả ngân sách trung ương; việc triển khai cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập được các bộ triển khai rất chậm...
Với DNNN, báo cáo cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm như kê khai thuế không đầy đủ; nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận của các DNNN còn chưa nộp kịp thời vào NSNN; việc quản lý phần thu NSNN từ tiền sử dụng đất, nhất là giao đất thực hiện dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không qua đấu giá nên việc xác định do các địa phương lựa chọn tùy tiện dẫn đến nhiều bất cập, hạn chế và làm thất thoát NSNN...
Thu thì chậm, ít; chi thì nhanh, nhiều
Việc vi phạm phổ biến, có hệ thống các nguyên tắc, quy định về thu chi của mọi cấp từ trung ương đến địa phương và doanh nghiệp hiển nhiên đã và đang để lại hậu quả xấu cho sức khỏe ngân sách.
Về thu NSNN, Chính phủ ước thực hiện cả năm tăng 3% dự toán, thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong các năm gần đây. Nếu so với mức thu năm 2017 đạt gần 1.283.000 tỉ đồng(1) thì thu ngân sách năm nay chỉ tăng dưới 6%. Thêm nữa, đây là mức tăng danh nghĩa, có cả yếu tố lạm phát trong đó, chứ không như con số tăng trưởng GDP là con số tăng trưởng ròng, đã loại trừ lạm phát. Nếu loại trừ lạm phát để tiện bề so sánh với tăng trưởng GDP ròng thì tăng trưởng thu ngân sách năm nay so với năm 2017 là rất khiêm tốn.
Điều nghịch lý là mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) - cơ sở để lập tự toán ngân sách cả trung ương lẫn địa phương - vẫn đạt ở mức cao và tiếp tục được cải thiện năm này qua năm khác trên các báo cáo chính thức của Chính phủ nhưng tăng trưởng thu ngân sách thì vẫn “lẹt đẹt”, không tăng tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, thậm chí lại còn “giảm dần đều”. Vì GDP là một con số trừu tượng, không đo đếm, kiểm chứng cụ thể được bằng “tiền tươi” như với thu NSNN nên điều khó hiểu này buộc người ta phải suy diễn rằng rất có khả năng số liệu tăng trưởng GDP chưa chính xác. Nếu không phải vậy thì chỉ còn khả năng là thu NSNN vẫn còn rất nhiều dư địa tăng nhưng Chính phủ bất lực.
Dự toán thu NSNN năm 2019 tiếp tục dừng lại ở con số rất khiêm tốn, tăng 3,9%, trong khi dự báo tăng trưởng kinh tế là 6,6-6,8%. Điều này một lần nữa làm dấy lên lo ngại về tính chính xác của con số tăng trưởng GDP và công tác quản lý thu NSNN.
Điều khó hiểu khác nữa là thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại giảm mạnh tới 15,1% so với năm 2017 (các thành phần kinh tế khác cũng giảm, nhưng ở mức độ thấp hơn). Với thực tế là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một trong những trụ cột chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay, sự tụt giảm mạnh số thu từ nguồn này cho thấy có những bất ổn nghiêm trọng trong chính sách và công tác quản lý thu ngân sách, gồm có (nợ đọng, miễn, giảm) thuế các loại. Hoặc, cũng tương tự như trên, những con số thống kê “đẹp” mà cơ quan chức năng đưa ra về tăng trưởng và đóng góp của khu vực này cho nền kinh tế Việt Nam thực ra cũng chưa chính xác.
Ngược lại, về chi NSNN, năm 2018 ước chi 1.562.400 tỉ đồng, tuy “chỉ” tăng 2,6% so với dự toán, nhưng lại tăng tới hơn 18% so với năm 2017 (ước chi năm 2017 là 1.319.999 tỉ đồng(1)). Mức tăng này vượt xa tốc độ tăng thu và tăng trưởng GDP, dù là tính theo tốc độ tăng danh nghĩa.
Liên quan đến tính bền vững của NSNN và khả năng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ NSNN, theo Chính phủ, chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương năm 2019 vẫn chỉ chiếm có 26,3% tổng chi NSNN (có nghĩa là gần ba phần tư NSNN còn lại vẫn để dành cho chi tiêu thường xuyên). Đáng nói thêm là nguồn vốn đầu tư từ nội lực tích lũy của nền kinh tế rất thấp. Cụ thể, nguồn vốn huy động (đi vay) nước ngoài chiếm 14%, vay trong nước (trái phiếu chính phủ) chiếm hơn 9%, và tiền thu từ bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp chiếm 12%. Nói cách khác, đến hơn một phần ba nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển vốn đã hạn hẹp lại còn là vốn hoặc là đi vay, hoặc là do bán tài sản - nguồn thu không tái tạo.
Chỉ mới điểm qua một số tình hình và số liệu khái quát được nêu trong báo cáo của KTNN chúng ta có thể thấy tình hình NSNN rất đáng lo ngại, và quan trọng hơn, không có mấy chuyển biến tích cực. Một trong những điều nguy hại nhất liên quan đến NSNN là kỷ luật NSNN cực kỳ lỏng lẻo với tình trạng vi phạm tràn lan.
Vì sao đưa 30% lợi nhuận sau thuế của Vietel vào ngân sách?
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ từ năm 2019 đưa 32% tiền lãi dầu khí của nước chủ nhà (từ năm 2018 trở về trước đầu tư trở lại cho PVN) và 30% lợi nhuận sau thuế của Viettel vào ngân sách trung ương.
Điều đáng nói là trước đó, trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, dự toán NSNN năm 2019 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có nêu trường hợp của dầu khí. Cụ thể, “... từ năm 2019 tỷ lệ lãi dầu khí để lại 32% được đưa vào cân đối NSNN nhưng chưa được thuyết minh cụ thể số liệu trong dự toán 2019. Đề nghị Chính phủ phân tích, xem xét vấn đề này”.
Như vậy, có thể thấy rõ là việc đưa một tỷ lệ lợi nhuận sau thuế của một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào NSNN trung ương là chưa có cơ sở rõ ràng.
Tất nhiên, việc đưa lợi nhuận sau thuế của DNNN bổ sung vào NSNN có thể là vì hụt thu, trong khi chi thì ngày càng tăng. Nhưng vậy thì tại sao lại là 30% với Viettel, 32% với dầu khí mà không phải là một con số thống nhất, 30% hoặc 32%, không phải là con số cao hơn hoặc thấp hơn những mức này, và tại sao lại chỉ áp dụng với hai DNNN này.
Thêm nữa, dù không phải là tất cả DNNN đều có lãi, nhưng, ngược lại, cũng không phải toàn bộ DNNN (trừ Viettel và dầu khí) là bị lỗ, có lợi nhuận sau thuế âm. Nhiều DNNN ít nhiều cũng vẫn có lãi, tuy số lãi có thể không phải là lớn nếu tính theo giá trị tuyệt đối. Nên nếu áp dụng tính bình đẳng, kể cả trong khu vực DNNN, sẽ rất khó hiểu tại sao chỉ có hai doanh nghiệp này bị giữ lại từng đó lợi nhuận sau thuế mà không thấy một doanh nghiệp nào khác “được” nêu tên.
Việc đưa ra những con số và cách thức áp dụng khác nhau cho các DNNN khác nhau một cách chưa có cơ sở hợp lý như vậy cho thấy cung cách quản lý và thực hiện NSNN rất chắp vá, tùy tiện, và, quan trọng hơn, thể hiện rõ tinh thần “giật gấu vá vai”. Đây là điều cần tuyệt đối tránh trong tương lai.
Phan Minh Ngọc
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội