Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Kinh nghiệm các nước trong kiểm soát khí thải giao thông đô thị

Thứ tư, 21/05/2025 11:01 (GMT+7)

Nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp mạnh tay như quy hoạch vùng phát thải thấp, thu phí ùn tắc tại khu vực trung tâm và cấm phương tiện theo khung giờ nhằm kiểm soát ô nhiễm không khí và giảm tải giao thông đô thị.

Quy hoạch vùng phát thải thấp

Anh, Pháp và Trung Quốc là những quốc gia đi đầu trong việc xây dựng và mở rộng vùng phát thải thấp (LEZ) và vùng phát thải cực thấp (ULEZ). Tại Anh, chính quyền đã mở rộng phạm vi ULEZ ra toàn bộ khu vực London và vùng lân cận từ năm 2024. Theo đó, các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4 (xe xăng) hoặc Euro 6 (xe diesel) sẽ phải trả 12,5 bảng Anh (khoảng 15,63 USD)/ngày nếu muốn lưu thông trong khu vực này.

Anh triển khai vùng phát thải cực thấp ULEZ tại London và nhiều thành phố lớn. Ảnh: Automotiveworld

Tại Paris, thủ đô nước Pháp, vùng LEZ hiện đã cấm hoàn toàn xe động cơ diesel không đạt chuẩn Euro 4. Chính quyền thành phố dự kiến từ năm 2030, chỉ xe điện sử dụng pin hoặc pin nhiên liệu mới được phép di chuyển trong khu vực này.

Trong khi đó, Trung Quốc – quốc gia từng ghi nhận nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình ở mức báo động (101,56 µg/m3 vào năm 2013) – đã nhanh chóng thiết lập LEZ cho thủ đô Bắc Kinh. Chính sách tại đây tập trung vào việc hạn chế lưu thông của xe cũ, ô nhiễm cao và áp dụng kiểm định khí thải định kỳ với toàn bộ phương tiện.

Cấm xe theo biển số

Trong khi đó, một số thành phố lại lựa chọn cách cấm xe theo số đuôi biển kiểm soát. Tại Mexico City, chương trình Hoy No Circula quy định các phương tiện có biển số kết thúc bằng số cụ thể sẽ không được lưu thông vào các ngày nhất định trong tuần. Ví dụ, xe có đuôi biển số 5 hoặc 6 bị cấm vào thứ hai, trong khi xe có đuôi 1 hoặc 2 bị cấm vào thứ năm.

Ấn Độ cũng đã thử nghiệm mô hình tương tự tại Delhi, với chính sách cấm xe theo ngày chẵn-lẻ từ năm 2016. Theo Viện Chính sách Năng lượng tại Đại học Chicago, đợt triển khai đầu tiên trong tháng 1/2016 giúp lượng PM2.5 giảm 14-16%. Tuy nhiên, các đợt sau đó không đạt hiệu quả tương tự, cho thấy biện pháp này cần có lộ trình và giám sát nghiêm ngặt để phát huy tác dụng.

Ấn Độ cấm xe vào Delhi theo biển số chẵn-lẻ. Ảnh: LiveMint

Thu phí kẹt xe

Một trong những biện pháp kiểm soát giao thông hiệu quả được nhiều thành phố áp dụng là thu phí lưu thông tại khu vực trung tâm vào giờ cao điểm. Thành phố New York (Mỹ) đã áp dụng mức phí 9 USD/xe khi di chuyển vào Manhattan, giúp giảm hơn 5,8 triệu lượt xe trong khu vực và cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc.

Singapore – quốc đảo nổi tiếng với hệ thống giao thông hiệu quả – cũng đã triển khai chương trình "giấy phép lưu thông trong khu vực" từ năm 1975, sau đó nâng cấp lên hệ thống thu phí điện tử (ERP) vào năm 1998. Theo tổ chức Environment Defense Fund, nhờ ERP, Singapore đã giảm thêm 15% lượng phương tiện vào trung tâm, tương đương cắt giảm 80 tấn CO₂. Tỷ lệ người dân sử dụng giao thông công cộng cũng tăng từ 20% lên 65%.

Thái Sơn
Nguồn: sohuutritue.net.vn