Kiểm soát chặt du lịch giá rẻ
Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm 2023 sẽ đón 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 650 nghìn tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu này, ngành du lịch đang phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó cần nâng cấp chất lượng sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ du lịch giá rẻ để có thể đón được dòng khách quốc tế cao cấp, có khả năng chi tiêu mạnh tay.
Không khuyến khích du lịch giá rẻ
Trước dịch Covid-19, khi Việt Nam đón số khách quốc tế kỷ lục là 18 triệu lượt vào năm 2019, khái niệm du lịch giá rẻ, tour du lịch "0 đồng" đã được giới làm du lịch đưa ra bàn thảo khá nhiều. Sau dịch Covid-19, ngay khi việc đón khách quốc tế được đẩy mạnh, thị trường khách Trung Quốc đang rục rịch quay trở lại, mối lo ngại về tour du lịch “0 đồng”, giá rẻ làm giảm chất lượng sản phẩm du lịch khiến không ít doanh nghiệp lo lắng.
Tại nhiều hội thảo bàn về kích cầu du lịch thời gian qua, vấn đề kiểm soát du lịch giá rẻ được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đề cập đến. Đánh giá về tour du lịch “0 đồng”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, khái niệm “0 đồng”, “giá rẻ” cần được nhìn nhận ở nhiều góc cạnh. Cách gọi tour “0 đồng” chỉ là quảng cáo cho loại hình du lịch rẻ hơn so với những tour thông thường. Thực chất, với những tour kiểu này, đơn vị tổ chức sẽ giảm đi các chi phí trải nghiệm của khách, tăng thời gian mua sắm.
Ông Nguyễn Trùng Khánh phân tích thêm, ở nhiều quốc gia vẫn tồn tại các tour giá rẻ để đáp ứng một bộ phận du khách. Loại hình du lịch giá rẻ có mặt tích cực là thu hút đông khách đến, kích thích việc trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, mặt hạn chế là không bền vững, đôi khi khiến môi trường du lịch xô bồ, giảm chất lượng dịch vụ điểm đến.
Về vấn đề này, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, tour giá rẻ ở những thời điểm nhất định có tác động lớn để kích cầu du lịch. Trong hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đã phát động các chiến dịch kích cầu với nhiều sản phẩm giá rẻ dựa trên sự chia sẻ, liên minh của các đơn vị hàng không, lữ hành, điểm đến để kích thích người dân du lịch trở lại.
“Du lịch giá rẻ nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng, du khách được trải nghiệm trọn vẹn sản phẩm. Thời điểm này, ngành Du lịch không khuyến khích du lịch giá rẻ mà luôn vận động các đơn vị nâng cấp chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm hấp dẫn, mới mẻ cho du khách. Những loại hình du lịch giá rẻ nhưng chất lượng thấp cần phải được kiểm soát chặt chẽ”, ông Vũ Thế Bình nói.
Giá dịch vụ cần đi đôi với chất lượng
Thực tế, một số loại hình du lịch giá rẻ chất lượng thấp từng giúp cho nhiều địa phương thu hút được số đông khách du lịch bình dân, nhưng lại gặp bất lợi nếu muốn thu hút dòng khách cao cấp hơn.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp nhìn nhận vấn đề này, Chủ tịch Tập đoàn Lux Group Phạm Hà cho rằng, cơ quan quản lý du lịch và các địa phương cần có chính sách quản lý tốt các loại hình dịch vụ giá rẻ để có thể giữ được tiền chi tiêu của khách tại Việt Nam; đồng thời bảo đảm được môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, giữ chân những dòng khách cao cấp.
“Xu hướng du lịch sau đại dịch Covid-19 đã thay đổi, cần phải hiểu rõ chân dung khách hàng để đưa ra những sản phẩm du lịch phù hợp. Các địa phương, doanh nghiệp cần hướng đến dòng khách có khả năng chi tiêu cao hơn. Những đối tượng khách này thường không thích đến nơi xô bồ, quá đông đúc. Họ muốn những sản phẩm du lịch tốt. Vì thế, chúng ta nên đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm cao cấp như du lịch golf, du thuyền. Chỉ cần thu hút được 3-5% số lượng khách quốc tế nhưng là dòng khách hạng sang thì cũng mang đến nguồn lợi nhuận lớn cho du lịch Việt Nam”, ông Phạm Hà nhận định.
Đồng quan điểm, Giám đốc điều hành Công ty SORS Travel Việt Nam Phan Thu Hiền chia sẻ, thời điểm này, du lịch Việt Nam đang nỗ lực để thu hút khách quốc tế và chất lượng dịch vụ, giá cả sẽ là điều kiện để cạnh tranh với các quốc gia. “Tâm lý của du khách là thích đi du lịch với giá thấp nhưng nếu dịch vụ không bảo đảm thì giá rẻ sẽ khiến họ chỉ trải nghiệm 1 lần mà không quay trở lại. Vì thế, điều quan trọng là nâng cấp chất lượng dịch vụ ở các trải nghiệm, bữa ăn, thái độ phục vụ để khách sẵn sàng chi tiền”, bà Phan Thu Hiền nêu.
Hiện nay, du lịch Việt Nam đang có đà tăng trưởng tốt. Trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón hơn 2,7 triệu lượt khách quốc tế. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng, với đà tăng trưởng này cùng những nỗ lực quảng bá, tổ chức nhiều sự kiện thu hút du lịch trong năm nay, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, thậm chí có thể đón 10 triệu lượt khách. Ngành Du lịch định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa và các dòng sản phẩm mới như du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện), du lịch golf, du lịch biển đảo…
HOÀNG LÂN
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội