Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định): Nhà đầu tư chưa mặn mà, người dân lấn chiếm đất
Được thành lập từ năm 2005 với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định, khu vực Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, nhiều năm qua, các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn chưa mặn mà với Khu Kinh tế (KKT) Nhơn Hội (tỉnh Bình Định). Nhiều diện tích đất KKT bị người dân tự ý lấn chiếm, xây dựng, chiếm dụng trái phép.
Còn nhiều hạn chế
KKT Nhơn Hội nằm trên bán đảo Phương Mai (tỉnh Bình Định) có diện tích khoảng 12.000ha, được quy hoạch để trở thành KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có quy chế hoạt động riêng, bao gồm: Khu phi thuế quan, khu công nghiệp, khu cảng biển và dịch vụ cảng biển, các khu du lịch, dịch vụ và khu đô thị mới.
Theo kỳ vọng, đây trở thành trung tâm và động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định nói riêng, của khu vực miền Trung nói chung, góp phần thu hẹp khoảng cách khu vực này với các vùng khác trong cả nước. Đồng thời là một đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng, góp phần mở rộng thị trường khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và trở thành cầu nối với thị trường Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và miền Trung Thái Lan. Tuy nhiên, nhiều năm qua, kỳ vọng vẫn nằm trên giấy, KKT Nhơn Hội vẫn chưa phát huy được giá trị và vai trò của mình trong nền kinh tế Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung.
Theo ông Phan Viết Hùng - Phó trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định, UBND tỉnh cũng rất quan tâm đầu tư cho hoạt động của KKT; tuy nhiên, hiện KKT cũng đang gặp một số khó khăn trong cơ sở hạ tầng, một số nhà đầu tư cũng đến tìm hiểu nhưng cũng chưa thấy hiệu quả nên chưa thể kết nối. Lý giải lý do KKT Nhơn Hội chưa thu hút được đầu tư mạnh mẽ trong nhiều năm qua, ông Hùng cho rằng, Bình Định vẫn còn hạn chế về thị trường so với các thành phố lớn ở hai đầu đất nước; thứ hai, cơ sở hạ tầng chưa được hoàn thiện nên các nhà đầu tư cũng không quá mặn mà.
“Miền Bắc có Hà Nội, Hải Phòng..., miền Nam có TPHCM, Cần Thơ... là những nơi tập trung nhiều lợi thế về thị trường, cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực. Các điều kiện của các địa phương trên đều được đảm bảo tốt nên thu hút được các nhà đầu tư” - ông Hùng dẫn chứng. Cũng theo ông Hùng, lãnh đạo tỉnh, bản thân Ban Quản lý KKT, các sở, ngành luôn hỗ trợ, tạo điều kiện hết mình cho các nhà đầu tư khi vào KKT. Cũng có một số doanh nghiệp đến đầu tư nhưng hiện tại vẫn chưa được nhiều. Cho nên tỉnh cũng kiên trì, tiếp tục quảng bá kêu gọi các nhà đầu tư. “Tới đây, Ban Quản lý KKT tỉnh sẽ họp để điều chỉnh lại quy hoạch chung KKT Nhơn Hội sau đó thông qua Bộ Xây dựng để thẩm định” - ông Hùng nói thêm.
Dân chiếm đất, cất nhà
Không chỉ nhà đầu tư chưa mặn mà, kể từ khi tỉnh Bình Định có định hướng quy hoạch Khu Đô thị sinh thái xung quanh đầm Thị Nại và điều chỉnh quy hoạch chung KKT định hướng đến 2040, trong KKT Nhơn Hội “mọc” lên nhiều ngôi nhà tạm, nhà “ma”, các công trình xây dựng dang dở.
Hầu hết những người lấn chiếm đất, xây dựng nhà ở hoặc công trình trái phép ở KKT Nhơn Hội là để đầu cơ, chờ đền bù giải tỏa. Nhiều đối tượng tỏ ra hung hãn, sẵn sàng tấn công người dân, thậm chí cả chính quyền địa phương nếu ngăn cản. Càng thấy chính quyền không kiên quyết xử lý, người dân càng lấn tới, ồ ạt kéo nhau giành đất để dựng nhà ở, hàng quán. Tình trạng này đã diễn ra khoảng 4 - 5 năm nay dọc tuyến tỉnh lộ 639 đoạn qua địa bàn các xã Nhơn Hội (TP.Quy Nhơn), xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) và Cát Chánh (huyện Phù Cát) nằm trong diện tích quy hoạch KKT Nhơn Hội.
Lãnh đạo UBND xã Phước Hòa thừa nhận, do KKT Nhơn Hội nằm dọc theo tuyến tỉnh lộ 639, đi qua nhiều địa phương nên công tác quản lý gặp khó khăn. “Khi địa phương này ra quân ngăn chặn thì địa phương khác lại buông lỏng, không có sự nhất quán nên rất khó dẹp triệt để. Có một số đối tượng khi địa phương tổ chức cưỡng chế nhà xây dựng trái phép thì mang hung khí đến trụ sở UBND xã, UBND huyện đe dọa, hoặc mua xăng đến trụ sở chính quyền đòi tự thiêu” - vị này cho biết. Trong khi đó, lãnh đạo UBND xã Cát Chánh lại cho rằng, nhiều người tìm đủ lý do để chiếm đất trái phép. Khi bị bắt tại chỗ, nhiều người nói, họ chỉ đem vật liệu đến để xây dựng mồ mả. Do không xử lý dứt điểm, nên người này thấy người kia vào chiếm được, cũng đổ xô vào khoanh vùng, lấn chiếm.
Trước tình trên, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các địa phương đồng loạt ra quân cưỡng chế tháo dỡ đợt 1 những công trình xây dựng trái phép thuộc KKT Nhơn Hội. “Chúng tôi tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ những trường hợp xây dựng trái phép trong 3 đợt. Đợt 1 sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ các trường hợp vi phạm, xây dựng trái phép trong đất công từ năm 2014 trở lại đây. Sau khi triển khai đợt 1 xong, UBND tỉnh sẽ họp rút kinh nghiệm để triển khai đợt 2, 3. Trong đợt cưỡng chế, tháo dỡ lần thứ 3 sẽ tiến hành đập dỡ những công trình không phải là đất công nhưng mà mua bán, chuyển đổi mục đích không hợp pháp. Những hành vi như mua bán đất nông nghiệp, đất hoa màu rồi tự ý cất nhà thì cũng vi phạm, chúng tôi cũng sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chỉ đạo.
Nguyễn Tri
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội