Khu dân cư Hòa Lân: Càng đấu giá, giá trị tài sản càng giảm!?
Mặc dù trúng đấu giá Khu dân cư Hòa Lân có diện tích 49ha từ tháng 5/2017 nhưng CTCP Đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM vẫn chưa được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là chủ đầu tư dự án. Trong khi đó, công ty này lại bị “tố” thiếu năng lực tài chính nhưng vẫn trúng thầu...
Cuối năm 2018, Thanh tra Bộ Tư pháp ban hành kết luận Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc bán đấu giá tài sản đối với CTCP dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn.
Theo nội dung kết luận Thanh tra của Bộ Tư pháp, trong vòng 10 năm (từ năm 2003-2013), Công ty Thiên Phú trụ sở tại TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương đã vay của Agribank Chợ Lớn hơn 1.100 tỷ đồng gồm: 305 tỷ đồng tiền mặt và 738,2 kg vàng hạt (tương đương 18.634,3 lượng vàng). Để bảo đảm cho các khoản vay, Thiên Phú thế chấp dự án Khu dân cư Hòa Lân tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương với diện tích trên 49ha. Tuy nhiên, Thiên Phú lại gặp khó khăn về tài chính nên giao tài sản để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ vào tháng 4/2015. Hai tháng sau, Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng với CTCP dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc dự án khu dân cư Hòa Lân với giá khởi điểm 1.467,7 tỷ đồng.
12 phiên đấu giá ròng rã trong hai năm
Trải qua 12 phiên kéo dài từ ngày 9/7/2015 đến ngày 25/5/2017 thì mới đấu giá thành công và đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Xây dựng A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh TP.HCM) với số tiền 1.353 tỷ đồng.
Do không có khách tham gia đấu giá nên giá trị tài sản dự án Khu dân cư Hòa Lân được điều chỉnh giảm dần và đến phiên đấu giá thứ 11 chỉ còn 900 tỷ đồng. Sau đó Agribank Chợ Lớn đề nghị công ty đấu giá điều chỉnh lại giá khởi điểm của tài sản từ 900 tỷ đồng lên 963 tỷ đồng.
Tới phiên đấu giá lần thứ 12 thì có 3 khách hàng đăng ký đấu giá và đã nộp 10% giá trị tài sản đấu giá tương đương 96,3 tỷ đồng gồm: Thủ Đức House, Kim Oanh và CTCP Đầu tư Thái Bình. Ngày 25/5/2017, phiên đấu giá diễn ra và sau 14 vòng trả giá, Kim Oanh đã thành công với mức giá 1.353 tỷ đồng - thấp hơn giá khởi điểm lần đầu 114,7 tỷ đồng!
Xin làm chủ đầu tư mà không có sổ đỏ
Theo quy định, trong hồ sơ xin chấp thuận làm chủ đầu tư dự án thì ngoài các giấy tờ liên quan bắt buộc phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng Kim Oanh vẫn chưa trình được giấy này.
Sau khi trúng đấu giá, Kim Oanh không thực hiện thanh toán ngay như phương thức mà Agribank Chợ Lớn đã gửi cho các bên trước đó mà thanh toán tới bốn lần mới được 847,8 tỷ đồng. Chính vì vậy, ngày 17/7/2018, Sở Xây dựng Bình Dương có công văn gửi Kim Oanh nêu rõ: Sở Xây dựng không đồng ý tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương công nhận Kim Oanh làm chủ đầu tư dự án do Kim Oanh “chưa thanh toán hết số tiền trúng đấu giá” và sở chưa được bàn giao tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất thuộc Dự án Hòa Lân.
Tuy nhiên, bà Đặng Thị Kim Oanh - Tổng Giám đốc Công ty Kim Oanh cho rằng kết luận của Sở Xây dựng Bình Dương chưa toàn diện vì “người trúng đấu giá có quyền được nhận tài sản đấu giá, có quyền được sở hữu tài sản đấu giá theo quy định pháp luật”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hảo - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương - lại nói: Kim Oanh đăng ký làm chủ đầu tư dự án Khu dân cư Hòa Lân do trúng đấu giá nhưng chưa được bàn giao tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất thuộc dự án Khu dân cư Hòa Lân vì tài sản này Agribank Chợ Lớn đang giữ.
Tranh chấp
Theo bà Kim Oanh, sau khi trúng đấu giá tài sản ngoài tiền mua tài sản đấu giá, công ty phải tự bỏ chi phí để giải quyết các hậu quả do Thiên Phú để lại mặc dù không thuộc nghĩa vụ của mình và không nằm trong thỏa thuận khi mua tài sản bán đấu giá. Cụ thể như tiền nợ thuế đóng bổ sung, chi phí cho gần 20 suất tái định cư, chi phí di dời các hộ dân kinh doanh trên đất dự án và chi phí đo đạc do ranh đất bị lấn chiếm. Kim Oanh đã đồng ý chịu tất cả chi phí để giải quyết những khó khăn nêu trên và lãi chậm trả phần còn lại. Đến tháng 7/2018 công ty mới giải quyết xong phần thuế nợ lại của Thiên Phú.
“Công ty Kim Oanh đồng ý thanh toán lãi chậm trả là 8%/năm trên số tiền còn nợ và thời gian chậm thanh toán theo quy định của Agribank nên hoàn toàn không có thiệt hại cho Agribank Chợ Lớn. Vì thế, Kim Oanh không hề vi phạm bất kỳ quy định hay nghĩa vụ nào” - bà Oanh giãi bày.
Khi những lùm xùm trên chưa được giải quyết thì một trong hai khách đấu giá đợt 12 lại có công văn khiếu nại việc thiếu minh bạch của Agribank Chợ Lớn và Kim Oanh. Công ty này đã cam kết sẽ thực hiện phương án trả ngay theo đúng quy định tại thông báo đấu giá lần thứ 12 đối với toàn bộ giá trị tiền sử dụng đất của dự án này nếu trúng đấu giá.
Nhưng vì sao công ty đủ khả năng chi trả không được chấp thuận mà lại lựa chọn đơn vị không có khả năng tài chính là Kim Oanh? Việc Kim Oanh đồng ý trả lãi chậm trả 8% năm có phải là thủ đoạn đối phó với các cơ quan pháp luật? Chưa kể việc liên tục giảm giá tài sản nhà nước trong thời gian gần 3 năm là không hợp lý bởi giá bất động sản trên thị trường thường liên tục tăng chứ ít khi giảm.
Ngày 15/3/2019, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Bộ Tư pháp báo cáo trong tháng 3 này kết quả thanh tra việc bán đấu giá tài sản thế chấp tại Agribank Chợ Lớn đối với dự án Khu dân cư Hòa Lân do Công ty Thiên Phú làm chủ đầu tư.
Cùng ngày, Tòa án Nhân dân Quận 7, TP.HCM đã ra quyết định “cấm chuyển dịch về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp dưới mọi hình thức đối với tài sản là quyền sử dụng đất thuộc dự án khu dân cư Hòa Lân”.
Theo đó, tổng diện tích dự án này là trên 49ha trong đó có 24,39ha đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất và 24,68ha được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất.
Đăng Khoa
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội