Khi ông bà học online cùng cháu

Thứ sáu, 08/10/2021, 10:51 AM

Từ khi cháu nội vào năm học, vợ chồng bà giáo già Ngô Thị Hằng chia lại việc nhà: ông cơm nước, còn bà làm gia sư kèm cháu học online.

8 năm trước, bà Ngô Thị Hằng nghỉ hưu sau 30 năm làm giáo viên tiểu học trường huyện. Nhiều tháng qua, bà có thêm nhiệm vụ mới, khi vợ chồng con trai ở Hà Nội gửi con về tránh dịch và kẹt lại từ tháng 5. Lúc về quê, cậu bé Tuấn Kiệt chưa thi xong học kỳ II lớp 1. Bây giờ, cậu đang học lớp 2, bằng hình thức trực tuyến.

Ở Hà Nội, Tuấn Kiệt học trường công, lớp hơn 50 học sinh. Bà giáo kể lúc mới về với ông bà, bé viết chữ không theo hàng lối, làm toán vẫn dùng ngón tay. Kiệt không thích học, lại thiếu tập trung nên mỗi lần bà yêu cầu ngồi vào bàn, cậu bé lại nước mắt ngắn, dài. Bà Hằng khổ sở uốn nắn từng nét chữ, cách đọc và làm toán; nhiều lúc vẫn phát bực vì cháu chậm tiến bộ.

Nghĩ cháu sẽ khó theo được các bạn khi trở lại Hà Nội học trực tiếp, bà Hằng quyết định lên kế hoạch kèm cặp. Vợ chồng bà phân công nhau làm việc nhà, thay đổi lịch sinh hoạt để dành tối đa thời gian cho cháu.

Kiệt học online buổi sáng từ 8h đến 11h. 5h30 hàng ngày, cậu bé được gọi dậy đi đạp xe ở sân vận động gần nhà với ông nhằm rèn luyện sức khỏe. Bà Hằng cũng phải dậy sớm đi chợ cho cả ngày, tranh thủ dọn dẹp và chuẩn bị bữa sáng để cháu kịp giờ học.

Từ 8h, bà ngồi học online với cháu đến trưa, còn ông có nhiệm vụ cơm nước. Nghỉ trưa hai tiếng, Tuấn Kiệt tiếp tục học với bà đến 17h rồi đi bộ cùng ông. Buổi tối, bà Hằng cho cháu học thêm một tiếng rồi đi ngủ. "Ngày nào cũng theo thời khóa biểu đó vì chỉ cần nghỉ một hôm, hôm sau tôi sẽ rất vất vả dạy lại. Thời gian này, tôi bận hơn có con mọn", bà Hằng nói.

Biết cháu mải chơi và thiếu tập trung, bà giáo hơn 60 tuổi không dám rời vị trí để tập trung kiểm soát tốt việc mở, tắt mic hay nhắc nhở cháu trả lời cô giáo. Bà kể, nhờ đã nâng cấp gói mạng từ trước nên đường truyền ổn định, Kiệt không bị out khỏi lớp. Nhưng cô giáo bị thoát ra và vào lại liên tục khiến nhiều tiết học bị gián đoạn.

Sau thời gian được bà kèm cặp, cậu bé đã "viết thành hình thành chữ", biết đặt phép tính và trình bày gọn gàng vào vở.

Tương tự, cho con về quê nghỉ hè rồi không thể quay lại thành phố, nhiều phụ huynh trẻ ở TP HCM phó thác việc dạy con cho ông bà. Anh Lê Đức Kiên, ngụ TP Thủ Đức kể, con gái lớp 4 đang ở TP Pleiku, Gia Lai, theo học tuần thứ tư trường tiểu học cũ. Bé về quê thăm ông bà nội từ tháng 5 và mắc kẹt đến nay.

Hồi đầu tháng 9, gia đình anh phân vân giữa việc học chương trình online theo trường cũ hay nhập học ở quê bởi tình hình dịch bệnh ở Gia Lai tương đối ổn định. Do con gái nhút nhát, ngại học với bạn bè lạ, anh đành cho bé học trực tuyến.

Ở quê, ông bà có sẵn một bộ máy tính cũ do anh chuyển về từ tết năm ngoái nhưng không có tai nghe, webcam. Anh Kiên phải nhờ cậu em họ là hàng xóm mua giúp những thiết bị này, lắp ráp và hướng dẫn con gái sử dụng. Máy tính cũ nên hay chập chờn, nhiều hôm màn hình không lên hoặc không kết nối webcam được. Mỗi lúc như vậy, con gái lại gọi điện mách bố khiến anh phải nhờ cậu em họ chạy qua nhà giúp.

Từ 8/9, trường bắt đầu dạy chương trình mới vào các buổi sáng, 4 tiết học trong hơn hai tiếng, kể cả giải lao. Khi đó, vợ chồng anh thay nhau gọi video call về cho con mỗi sáng, hỏi thăm rồi nhắc nhở con học ngoan. Ông, bà gần 70 tuổi thay nhau kèm cặp cháu nội học, chủ yếu là ngồi kế bên nhắc nhở nếu bé sao nhãng. Thỉnh thoảng gặp bài toán khó, cô bé quay hỏi ông, bà nhưng chỉ nhận được tiếng cười xoà.

"Bây giờ sách giáo khoa khác xa ngày xưa rồi, có nhiều bài bố mẹ còn chẳng biết giảng cho các con thế nào, huống gì ông bà thời 50 năm trước", anh kể. Buổi tối sau bữa cơm, anh gọi con qua Zalo hoặc kết nối Google Meet, vừa để hỏi thăm, vừa giảng bài. Hôm nào nhiều bài, hai bố con học với nhau một tiếng rưỡi, vừa học vừa trò chuyện. Gặp ngày ít bài hoặc anh có công việc, bố con chỉ nói chuyện với nhau chừng 20 phút.

Trải qua kỳ nghỉ ở quê lâu nhất từ trước đến nay, con gái thường nũng nịu, đòi bố mẹ cho vào Sài Gòn. Khi được giải thích ở thành phố dịch đang phức tạp, ở quê yên bình hơn, bé lại nguôi ngoai. Vài tuần gần đây, con gái anh Kiên quen được vài người bạn cùng lứa trong xóm, rủ nhau đi chơi buổi chiều nên đỡ buồn hơn. "Học ở quê cũng là trải nghiệm quý nếu nhìn ở hướng tích cực. Bé đã biết tự lập nhiều việc, biết giúp ông bà trồng rau, nuôi gà, những việc mà ở thành phố chưa từng biết", anh kể.

Giống như anh Kiên, nhiều phụ huynh khác ở TP HCM có con đang mắc kẹt ở các tỉnh miền Tây hoặc Nam Trung bộ phải nhờ ông bà hoặc người thân đôn đốc việc học cho con.

Cuối tháng 9, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gần 40 tỉnh, thành vẫn dạy trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến và qua truyền hình. Tại Hà Nội, TP HCM, hàng trăm nghìn học sinh về quê, chưa thể quay lại thành phố do dịch bùng phát. Có phụ huynh cho con học tạm một trường ở quê, có người cho con học trực tuyến với trường, lớp cũ.

Bình Minh - Mạnh Tùng

Theo Vnexpress.net

largeer