Hàng nghìn học sinh Cần Thơ thiếu thiết bị học online

Thứ sáu, 24/09/2021, 10:53 AM

Ở cấp THCS có 4.117 em và THPT 605 em học sinh trong các gia đình nghèo, không có tiền mua điện thoại, máy tính… để học trực tuyến, theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ.

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ cho biết, tỉnh có 247.000 học sinh các cấp đã vào năm học mới, trong đó có hơn 102.000 em học theo hình thức trực tuyến. Bậc mầm non và tiểu học tạm thời nghỉ đến khi có thông báo mới.

Vấn đề khó khăn nhất là hiện tại, có khoảng 4.700 học sinh ở cấp THCS và THPT thiếu máy móc, thiết bị để học online. "Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, Sở đã chỉ đạo các trường rà soát để có giải pháp hỗ trợ học sinh như có phương án gửi bài học cho các em hoặc kêu gọi những học sinh ở gần nhau có thể tạo thành nhóm, nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh...", ông Tăng nói.

Nguyễn Thị Có, lớp 8 (phải) và em ruột Nguyễn Thị Thuỳ Linh, lớp 6, cùng học online bằng một điện thoại của cha mẹ. Ảnh: Đức Duy

Nguyễn Thị Có, lớp 8 (phải) và em ruột Nguyễn Thị Thuỳ Linh, lớp 6, cùng học online bằng một điện thoại của cha mẹ. Ảnh: Đức Duy

Sở cũng khuyến khích các trường xây dựng thư viện thiết bị điện tử, cho học sinh mượn thiết bị thông minh đã qua sử dụng để có thể tham gia lớp học. Bên cạnh đó, Sở cũng có văn bản gửi các công ty kinh doanh thiết bị đề nghị hỗ trợ cung cấp máy tính bảng, điện thoại, máy tính... với giá ưu đãi cho giáo viên và học sinh trong mùa dịch Covid-19.

Vĩnh Thạnh là huyện vùng sâu, vùng xa nên số học sinh không có điều kiện học trực tuyến nhiều nhất tỉnh với 784 trường hợp. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, cho biết những em thiếu thiết bị đều thuộc các gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ làm thuê...

"Trong thời gian thực hiện chỉ thị 16, "gia đình cách ly với gia đình" nên các trường hợp không có máy móc gặp nhiều khó khăn. Giáo viên đang tạm khắc phục bằng cách in tài liệu gửi cho các em và hướng dẫn học theo chương trình", ông Dũng nói.

Em Phạm Thi Khánh Như mới vào lớp 6, lo lắng vì không có thiết bị học trực tuyến. Ảnh: Đức Duy

Em Phạm Thi Khánh Như mới vào lớp 6, lo lắng vì không có thiết bị học trực tuyến. Ảnh: Đức Duy

Em Phạm Thị Khánh Như, lớp 6B Trường THCS Thạnh Tiến là một trong những trường hợp có hoàn cảnh khó nhất. Cha mẹ em bỏ nhau, nhiều năm qua em ở với ngoại. Kinh tế khó khăn, ngoại không có tiền mua thiết bị trong khi nhà xa các bạn nên Khánh Như không thể đến học chung thiết bị với bạn được. "Hôm nào mượn được điện thoại của bà con hàng xóm thì em vào lớp, còn không thì đành nghỉ", Như nói.

Thầy Phạm Đức Duy, hiệu trưởng trường THCS Thạnh Tiến cho biết, năm học 2021-2022, trường có 545 học sinh. Do dịch bệnh, nhiều em theo cha mẹ đi làm thuê trong hè, đang bị kẹt lại vùng dịch ở TP HCM, Bình Dương...

Đến nay nhà trường đã liên lạc được với khoảng 500 em tại địa phương. Trong số này, hơn 50 em không có máy tính, điện thoại... để học trực tuyến. Nhiều gia đình có hai con học cùng trường, khác lớp phải san sẻ chung một điện thoại của cha, mẹ. Nếu trùng giờ thì thì một em phải tạm nghỉ. Nhiều trường hợp học ké các bạn có máy móc nhưng cũng không ít em nhà xa, đành phải nghỉ, chờ thầy cô mang tài liệu đến hướng dẫn tự học.

Mỗi chiếc máy tính có thể giúp hàn gắn một vết đứt gãy giáo dục trong đại dịch Covid-19, đồng thời tạo cơ hội cho thế hệ tương lai tiếp cận kho tri thức mở. Quỹ Hy vọng báo VnExpress phát động chương trình "Máy tính tặng em" với mục tiêu trao 3.300 máy tính đến các em nhỏ khó khăn. Bạn có thể tìm hiểu và ủng hộ tại đây.

Cửu Long

Theo Vnexpress.net

largeer