Chuyển đổi số, xanh giúp tăng trưởng bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam

Thứ bảy, 11/05/2024, 12:34 PM

Thông qua Hội nghị và Triển lãm Biztech Việt Nam 2024, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ sẽ được chia sẻ thông tin, kiến thức trong việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

 Hội nghị và Triển lãm Biztech Việt Nam 2024 khai mạc sáng 10.5, tại TPHCM, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (VINASA) tổ chức.

Sự kiện có chủ đề “Chuyển đổi số xanh - Tăng trưởng bền vững” nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, các giải pháp về chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động, vận hành, quản lý của các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh, marketing, truyền thông, bán hàng cho các doanh nghiệp, tổ chức.

Theo Báo cáo khảo sát CEO toàn cầu lần thứ 27 của PwC, 45% CEO toàn cầu không tự tin liệu doanh nghiệp có thể sống sót được trong thập kỷ tới hay không nếu vẫn tiếp tục con đường phát triển như hiện nay.

Con số này tăng hơn 6% so với kết quả khảo sát năm 2023 là 39%. Việc thay đổi là bắt buộc trước sự biến động rất lớn về các điều kiện kinh tế, chính trị toàn cầu. Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh chính là giải pháp cho sự phát triển bền vững.

Cũng theo kết quả khảo sát, 3 động lực lớn nhất của việc thực hiện ESG (môi trường, xã hội và quản trị) của doanh nghiệp là: Cải thiện hình ảnh, thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp (với 78%); Duy trì cạnh tranh trên thị trường (với 63%); và Áp lực từ nhà đầu tư (với 40%). Áp lực từ chính phủ không phải là gánh nặng thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện ESG với chỉ 28% người lựa chọn trả lời.

Trong bài phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA - nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông nói: “Chính phủ cam kết rất mạnh mẽ về NETZERO. Các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu đã bắt đầu áp dụng cơ chế điều chỉnh carbon - những rào cản, tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh, về ESG đối với các hàng hóa, dịch vụ, giải pháp nhập khẩu.

Ngay cả các doanh nghiệp công nghệ, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho Nhật Bản, châu Âu, cũng đã bắt đầu phải khai báo, đáp ứng những tiêu chuẩn về ESG cho đối tác hàng năm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ - ngoài việc phải triển khai chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, thực hành ESG cho mình, còn gánh thêm trọng trách, nỗ lực hỗ trợ khách hàng chuyển đổi”.

Theo ông Khoa, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là cặp song sinh chuyển đổi không thể tách rời và mang tính sống còn với các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp khối sản xuất, tài chính, và công nghệ đang đi đầu trong chuyển đổi số xanh.

Lễ ra mắt ban chủ nhiệm lâm thời câu lạc bộ CIO - CTO - CEO - CXO khu vực phía Nam.

Lễ ra mắt ban chủ nhiệm lâm thời câu lạc bộ CIO - CTO - CEO - CXO khu vực phía Nam.

Nguồn vốn tín dụng xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng được tăng lên nhanh chóng không chỉ từ các tổ chức tín dụng trong nước, mà còn có cam kết từ các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu.

Tại hội nghị, chuyên gia KPMG cho biết: “Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng được lòng trung thành của khách hàng, cải thiện được chỉ tiêu tài chính, tăng lợi thế cạnh tranh, tạo ra khả năng vận hành bền vững và hấp dẫn các nhà đầu tư”.

Sự kiện Biztech Việt Nam 2024 sẽ có 7 phiên hội thảo, triển lãm và hoạt động kết nối giao thương, với sự tham dự của hơn 2.000 lượt đại biểu là các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp, 50 diễn giả, chuyên gia.

Theo LĐ
Từ khóa: