Khách hàng đòi tiền, Alibaba né tránh
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho hay bước đầu đã làm việc với các ngân hàng phong tỏa tài khoản của 2 người đại diện pháp luật và phụ trách pháp lý của Công ty Alibaba
Sáng 26-8, luật sư (LS) Trần Minh Cường (Đoàn LS TP HCM), đại diện theo ủy quyền của khách hàng cùng ông Nguyễn Phú Quý (quê Đồng Nai) và anh Phùng Tiến Tài (quê Đồng Tháp) đã đến trụ sở Công ty CP Địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba) trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP HCM yêu cầu gặp đại diện công ty để thu hồi vốn đầu tư theo hợp đồng đã ký kết.
Khởi kiện ra tòa?
LS Cường cho hay trước đó, ông đại diện khách hàng gửi văn bản yêu cầu hẹn làm việc với đại diện Alibaba và được công ty này đồng ý. Để bảo đảm an toàn, LS Cường nhờ Công an phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đến hỗ trợ. Dù đã hẹn trước nhưng khi LS Cường và khách hàng đến trụ sở thì phía Alibaba cho nhân viên xuống thông báo "lãnh đạo đang bận, hẹn dịp khác".
Tiếp xúc với phóng viên, anh Tài kể tháng 7-2017, vợ chồng anh được nhân viên Công ty Alibaba giới thiệu mua đất nền dự án có tên "Alibaba Long Phước 5, nơi đầu tư chắc ăn" tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Nhân viên Alibaba thông tin cho anh Tài rằng nền đất đang rao bán là đất thổ cư và đầy đủ tiện ích cơ sở hạ tầng.
"Sau đó, tôi được nhân viên dùng ôtô đưa đi thực địa nhưng đến nơi chỉ thấy bãi đất trống và con đường đất. Tôi muốn xem hồ sơ pháp lý thì họ nói đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở, lên thổ cư theo từng nền. Công ty cam kết với tôi sau 6 tháng, cơ sở sẽ hoàn thiện, 12 tháng sẽ có sổ đỏ lô đất do tôi đứng tên. Tôi bị thuyết phục nên đã chấp nhận mua 1 nền đất 125 m2, trị giá hơn 366 triệu đồng" - anh Tài kể.
Theo anh Tài, anh đã thanh toán tổng cộng 7 đợt là 330 triệu đồng cho Công ty Alibaba. Thế nhưng, sau 6 tháng, Công ty Alibaba vẫn chưa bàn giao đất và yêu cầu anh Tài nhận lãi phạt chậm bàn giao như trong nội dung hợp đồng ký kết. Anh Tài khẳng định chỉ được nhận 1 lần phạt, từ đó đến nay, công ty này không giải quyết cho anh. "Tôi đã nhiều lần đến trụ sở Công ty Alibaba yêu cầu được trả lại tiền hoặc thực hiện đúng hợp đồng nhưng họ luôn tìm cách tránh né, không hợp tác" - anh Tài cho biết.
Trong khi đó, ông Quý cho hay ông đã đầu tư vào 4 lô đất thuộc dự án Alibaba Center City 5 (tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty Chiến Thắng (được cho là công ty con của Alibaba). Sau khi thanh toán 4 đợt với số tiền hơn 1 tỉ đồng, ông Quý phát hiện dự án đang bị cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cưỡng chế, tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép nên tìm cách liên hệ công ty này để thu lại tiền.
"Tôi và LS đã 5 lần đến Công ty Alibaba theo lịch hẹn nhưng vẫn không gặp được lãnh đạo. Tôi chỉ muốn lấy lại tiền theo hợp đồng 2 bên đã ký kết. Nếu họ còn lảng tránh, tôi sẽ làm đơn khởi kiện vụ việc ra tòa án" - ông Quý nói.
Sẽ cưỡng chế văn phòng trái phép của Alibaba
Trong một diễn biến khác, đại diện cơ quan CSĐT Bộ Công an cho hay bước đầu đã làm việc với các ngân hàng phong tỏa tài khoản của ông Nguyễn Thái Lĩnh (đại diện pháp luật của Công ty Alibaba) và bà Võ Thị Thanh Mai (phụ trách pháp lý của Công ty Alibaba). Ông Lĩnh là em ruột, bà Mai là vợ của ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty Alibaba. Đồng thời, Bộ Công an đã làm việc trực tiếp với một số khách hàng có đơn tố cáo để điều tra.
Tại Đồng Nai, theo UBND xã Long Phước, huyện Long Thành, các lực lượng của xã phải túc trực tại những địa điểm mà Alibaba quảng bá dự án trái phép, nếu phát hiện các hành vi tụ tập chào bán hoặc san lấp mặt bằng, phân lô bán nền trái phép thì kịp thời báo cáo để có hướng xử lý. UBND xã Long Phước đang hoàn tất thủ tục, dự kiến đầu tháng 9 sẽ cưỡng chế văn phòng của Alibaba xây dựng trái phép tại đây.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết: "Mới đây, Bộ Công an đã làm việc với huyện để làm rõ thêm thông tin về những hoạt động của Alibaba. Chi cục Thuế huyện Long Thành cũng đã hợp tác cung cấp thông tin hoạt động của Alibaba. Hiện những khu vực mà Alibaba quảng bá có dự án khu dân cư thực ra là những khu đất nông nghiệp, lâm nghiệp do các cá nhân đứng tên".
Theo Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, đơn vị này đã làm việc với Bộ Công an, cung cấp thông tin về 10 công ty bất động sản trên địa bàn huyện Long Thành có dấu hiệu liên quan đến Alibaba. Các công ty này đều có địa chỉ nhận thông báo thuế ở số 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM - trụ sở Công ty CP Địa ốc Alibaba. Trong các công ty trên, nhiều đơn vị có dấu hiệu không hoạt động.
Công an sẽ mời 600 người cung cấp thông tin
Công an tỉnh Đồng Nai sẽ mời 600 khách hàng đã mua đất nền tại 29 dự án "ma" của Alibaba (27 dự án ở huyện Long Thành, 2 dự án ở huyện Xuân Lộc và Nhơn Trạch) đến hỗ trợ thông tin để làm rõ những sai phạm của công ty này.
Theo ghi nhận, sau khi chính quyền địa phương cảnh báo người dân, đã không còn diễn ra những hoạt động thực địa và san lấp mặt bằng, xây dựng trái phép của Alibaba. Tuy nhiên, những hoạt động quảng bá hàng loạt dự án đất nền "ma" vẫn tiếp tục. Cách đây 1 tuần, những dự án đất nền như Ali Aqua Nhơn Trạch, Alibaba Long Phước, Alibaba Long Thành, Alibaba Phước Thái Capital, Alibaba Long Phước 14, 15, 16... vẫn được Alibaba quảng cáo rầm rộ trên mạng.
X.Hoàng
Nhóm phóng viên
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội