Bán hàng qua Amazon, Alibaba... doanh nghiệp Việt mất tiền không rõ lý do
Amazon, Alibaba chào mời doanh nghiệp Việt để có nguồn hàng chào bán cho hơn 600 triệu người mua trên thế giới. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp dè dặt bởi những rủi ro họ từng gặp khi bán hàng qua các sàn thương mại này.
Bỗng dưng mất 70.000 USD
Tại diễn đàn “Đối đầu thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) tổ chức mới đây, nhiều triển vọng về xuất khẩu trực tuyến được các diễn giả nêu ra nhằm khuyến khích các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu qua các trang thương mại điện tử (TMĐT) Amazon, Alibaba.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) - dự báo, TMĐT xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3.300 tỷ USD trong 2 năm tới. Đây là xu thế tất yếu và cũng là phương thức nhanh nhất giúp DN tiếp cận người tiêu dùng trên thế giới và bán được hàng nhanh chóng.
Tuy nhiên, đại diện một DN xuất khẩu hàng tự làm (handmade) qua Amazon bức xúc kể, khi số lượng đơn hàng bán qua Amazon nhiều, doanh thu đạt khoảng 40.000 USD thì DN này bất ngờ nhận được một email của Amazon thông báo “tài khoản bị khóa do vi phạm một chính sách bảo mật của Amazon” mà không nói rõ lý do. Sau khi liên hệ nhiều lần với Amazon mà không được trả lời, DN đành chịu mất 40.000 USD.
“Do lượng hàng của DN còn trong kho Amazon khá nhiều nên tôi mở một tài khoản nữa, bán hàng tiếp thì bị mất thêm 30.000 USD, lý do Amazon đưa ra là “liên quan tới một tài khoản đã bị khóa trước đó”. Tôi bị mất tiền rất vô lý mà không biết kêu ai” - đại diện DN phản ánh.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Vecom - cho biết, trước đây, Amazon chỉ đặt trụ sở tại Singapore, không có người Việt điều hành để có thể hỗ trợ cho DN Việt Nam, mọi vấn đề được xử lý rất cứng nhắc. Nhưng hiện nay, Amazon Global Selling mới được thành lập tại Việt Nam, có người Việt Nam làm việc, sẽ hỗ trợ cho DN Việt giải quyết những thắc mắc, vấn đề gặp phải khi bán hàng qua Amazon.
Theo ông Dũng, trong chương trình đào tạo của Vecom, khi mở tài khoản, hiệp hội sẽ tạo ra nhiều đường dẫn khác nhau cho các DN đăng ký. Khi DN đăng ký tài khoản qua đường dẫn thì nhân sự là người Việt sẽ xử lý ngay hồ sơ đó và giúp DN thực hiện các thao tác đúng để tránh vi phạm quy định dẫn đến rủi ro mất tiền.
Thực tế, nhiều DN Việt Nam không tìm hiểu kỹ, tạo liên tục nhiều tài khoản, sau đó hủy tài khoản này, làm tài khoản khác, sẽ gặp vấn đề nếu Amazon truy lại tài khoản cũ có liên quan. Ông Dũng khuyến nghị, DN nên tìm hiểu kỹ và liên hệ với đại diện Amazon để được tư vấn, hỗ trợ ngay ở bước đăng ký tài khoản, nhằm tránh rủi ro sau này.
Khi được hỏi xuất khẩu hàng qua Amazon hay Alibaba có lợi hơn, ông Dũng cho rằng, hai trang TMĐT này bổ sung, hỗ trợ nhau, DN nên kết hợp cả hai để vừa bán lẻ, vừa bán hàng cho khách mua sỉ.
Bị chôm mẫu, hủy đơn hàng trên Alibaba
Đại diện nhiều DN cho biết, bán hàng qua Alibaba là đối mặt với nhiều rủi ro. Chỉ sau thời gian ngắn đăng hình ảnh, thông tin sản phẩm để chào hàng, mẫu mã sản phẩm bị bắt chước y chang và được rao bán với giá cạnh tranh. Trong trường hợp này, DN đành ngậm đắng nuốt cay vì không biết kêu ai.
Bà Lê Thị Hiền - Giám đốc Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ thực phẩm R2D (bán sản phẩm than không khói làm từ gáo dừa trên trang Alibaba) - cho biết, rủi ro thường xảy ra ở giai đoạn làm mẫu gửi cho khách hàng mua sỉ. Khách yêu cầu làm sản phẩm theo mẫu họ đề nghị và số lượng mẫu nhiều nhưng tỷ lệ đơn hàng thành công không cao vì chủ yếu là các công ty thương mại lên dò hỏi giá và tìm kiếm sản phẩm chứ không phải khách hàng muốn mua thực sự.
“Tỷ lệ bán hàng thành công trên Alibaba chỉ khoảng 1-2% nhưng khả năng bị đánh cắp mẫu mã, thông tin về sản phẩm rất lớn. Người bán phải đánh giá đâu là khách hàng thực sự muốn tìm hiểu sản phẩm để mua” - bà Hiền chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của bà Hiền, nên chọn lọc khách hàng bằng cách tra cứu thông tin khách hàng trên internet, làm việc qua email để hiểu rõ hơn yêu cầu của họ. Để hạn chế rủi ro, DN nên nhận tiền trước khi gửi mẫu sản phẩm, hoặc yêu cầu khách hàng cung cấp mã chuyển phát nhanh để mình gửi mẫu, họ trả tiền chuyển mẫu.
Tương tự, bà Lê Minh Hồng Phúc - Giám đốc tác nghiệp Công ty TNHH Sản xuất Thương mại IAmV (chuyên sản xuất, kinh doanh tỏi đen) - kể, từng làm việc với một đối tác Trung Quốc, họ đặt làm 15 tấn tỏi đen nhưng sau khi đàm phán, thỏa thuận, họ lại ngưng hợp đồng, không mua hàng nữa.
“Họ lấy đủ lý do như cần chúng tôi ứng một khoản tiền để họ chuyển USD sang nhân dân tệ. Chúng tôi thấy yêu cầu này vô lý vì số tiền này rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,01% trong tổng số tiền đơn hàng họ đặt mua. Nghi ngờ đây chỉ là đơn hàng ảo, đối thủ dò la thông tin nên chúng tôi quyết định không tiếp tục làm đơn đặt hàng này” - bà Phúc kể.
Nâng cao quản trị rủi ro
Đại diện các DN cũng bày tỏ lo ngại về việc đổi, trả hàng khi giao dịch trên các trang TMĐT xuyên biên giới và khâu trữ hàng ở kho của các trang này, nhất là đối với mặt hàng thực phẩm. Thông thường, trong 30 ngày, khách được đổi trả hàng và việc đổi trả này do các trang TMĐT thực hiện nhưng sau thời gian này, việc đổi trả hàng do người bán, người mua tự trao đổi.
Ông Phạm Tấn Đạt, điều hành Công ty FADO (một đối tác của alibaba.com) nhấn mạnh: hợp đồng là quá trình quan trọng nhất trong kinh doanh quốc tế. Cả hai bên bán - mua đều phải kiểm soát các nội dung chi tiết trong hợp đồng như mô tả hàng hóa rõ ràng (các thông số kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, yêu cầu đóng gói), ghi cụ thể điều khoản giá, điều khoản giao hàng…
Bên cạnh đó, cần kiểm soát các rủi ro trong thanh toán, giao vận quốc tế. Theo ông Đạt, các rủi ro thường gặp trong giao vận quốc tế là trì hoãn giao hàng, hư hỏng trong quá trình vận chuyển, chi phí cao tại cảng đích, từ chối thu thập container… Vì vậy, DN cần phân tích sản phẩm và đích đến của lô hàng, lựa chọn đơn vị vận chuyển phù hợp. Bên cạnh đó, bảo hiểm có thể giúp DN giảm số tiền bị mất, như được hoàn tiền trong trường hợp người mua từ chối mua hàng ở cảng đích.
Ông Nguyễn Duy Minh (điều hành IM Group) khuyến nghị: các DN cần chủ động tạo thương hiệu và lập trang web riêng có tiếng Anh vì sau khi tiếp cận DN trên các sàn TMĐT, phần lớn nhà đầu tư sẽ tìm đến website của DN để liên hệ làm việc, bớt khâu trung gian, giảm chi phí.
Thực tế, thị trường nào có sản phẩm bị nhái thì DN sẽ rất khó bán hàng ở thị trường đó. Vì vậy, DN nên đăng ký thương hiệu cho sản phẩm trước khi bán hàng trên các trang TMĐT xuyên biên giới và nên sử dụng dịch vụ hỗ trợ đăng ký thương hiệu ở những đơn vị mà các trang này gợi ý vì đã qua phê duyệt.
Ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công thương TP.HCM cho biết: UBND TP.HCM đã giao Sở Công thương TP.HCM thực hiện đề án phát triển TMĐT và tập trung vào gói giải pháp đào tạo, hỗ trợ, giúp DN chủ động trực tiếp xuất khẩu. “Tuy nhiên, chúng tôi khuyến nghị DN nên đa dạng hóa các kênh xuất khẩu, không nên tập trung xuất khẩu ở một kênh vì sẽ khó phát triển về lâu dài, đồng thời xuất khẩu đa kênh sẽ giúp DN hạn chế được rủi ro, không bị lệ thuộc vào một sàn TMĐT nào”, ông Sơn nói.
Theo ông Vũ Bá Phú, khi tham gia kinh doanh xuyên biên giới, DN phải hiểu và chuyên nghiệp trong tuân thủ luật, thông lệ quốc tế. Để hỗ trợ DN Việt Nam tham gia môi trường TMĐT, cục này đang tham mưu, đề xuất xây dựng, điều chỉnh các chính sách về xúc tiến thương mại như: hỗ trợ DN mở tài khoản trên các trang TMĐT, duy trì tài khoản/tư cách thành viên, tư vấn pháp lý về đăng ký nhãn hiệu sản phẩm...
Nguyễn Cẩm
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm