Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Hóng drama bất kể ngày đêm: Dễ 'mệt mỏi đạo đức'

Thứ hai, 31/03/2025 11:39 (GMT+7)

Giới trẻ, đặc biệt là Gen Z, lớn lên trong môi trường số, nơi mà thông tin luôn hiện hữu và tốc độ lan truyền cực nhanh. Trong bối cảnh nhiều áp lực từ học tập, công việc…việc hóng drama đôi khi trở thành một hình thức thoát ly thực tại.

Những ngày qua, ồn ào tình cảm giữa "những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội" VirusS, Pháo, Ngọc Kem liên tục khiến cư dân mạng "nháo nhào" không ngớt. Đỉnh điểm, màn "combat" giữa VirusS và Pháo có tới gần 2 triệu người theo dõi cùng thời điểm. Điều này cho thấy, những drama, đặc biệt liên quan đến tình cảm vẫn có một sức hút không hề nhỏ với nhiều người dùng mạng, đặc biệt là giới trẻ.

Màn "combat" của VirusS và Pháo gây bùng nổ mạng xã hội. Ảnh: FBNV.

"Hóng drama có tính gây nghiện"

Chỉ mới hết 3 tháng đầu của năm 2025 nhưng có quá nhiều drama tình ái từ tây đến ta được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Scandal tình cảm giữa Kim Soo Hyun và cố diễn viên Kim Sae Ron bắt đầu từ ngày 10/3 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Người dùng mạng lại tiếp tục "hóng biến" tình cảm liên quan đến streamer VirusS.

Nhiều người trẻ thẳng thắn bày tỏ, họ thích theo dõi những drama trên mạng xã hội dù thấy "khó thở". Thậm chí, có người đang "hóng" thì mất mạng internet. Ngay lập tức, họ đăng ký mạng 5G để tiếp tục "hóng". Những bình luận như: "Tôi là người bình luận đầu tiên rồi nhé, háo hức hóng chuyện tiếp quá" hay "Vừa đi nấu cơm đã thành 'người tối cổ' vì không kịp hóng thông tin"... thường xuyên được người trẻ dùng mỗi khi có những câu chuyện drama nổi lên trên mạng xã hội.

Hoàng Yến (33 tuổi, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội) chia sẻ với PV, cô quan tâm tới cả hai drama tình ái nói trên. Thậm chí, cô gái trẻ này còn thức tới tận 2h đêm để "hóng biến". Kết quả là sáng hôm sau, Yến đi làm muộn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi.

Nói về vấn đề này, các chuyên gia truyền thông cho rằng, con người không nhất thiết phải "thích" những thông tin tiêu cực mà là họ bị thu hút bởi chúng. Điều này được lý giải vì con người vốn bị hấp dẫn bởi những gì bất thường, trái chuẩn mực, hoặc gây cảm xúc mạnh.

Ồn ào liên quan đến Kim Soo Hyun và cố diễn viên Kim Sae Ron vẫn chưa có hồi kết. Ảnh: Facebook.

Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long đến từ Truyền thông Trăng Đen, hiện tượng giới trẻ “hóng drama” không phải là điều quá bất ngờ, bởi nó phản ánh một nhu cầu tâm lý rất tự nhiên: tò mò, giải trí, và cảm giác được kết nối với cộng đồng. Drama – hay những câu chuyện có yếu tố mâu thuẫn, giật gân – thường khơi gợi cảm xúc mạnh, khiến người xem cảm thấy bị cuốn hút như đang theo dõi một bộ phim thực tế, nơi mọi thứ đang diễn ra trực tiếp, đầy kịch tính và không thể đoán trước.

"Giới trẻ, đặc biệt là Gen Z, lớn lên trong môi trường số, nơi mà thông tin luôn hiện hữu và tốc độ lan truyền cực nhanh. Trong bối cảnh nhiều áp lực từ học tập, công việc, hay khủng hoảng danh tính cá nhân, việc hóng drama đôi khi trở thành một hình thức 'thoát ly' thực tại – một cách để giải trí, để thể hiện quan điểm, hoặc để cảm thấy mình là một phần của một câu chuyện lớn hơn.

Ngoài ra, cơ chế dopamine của mạng xã hội – tức là việc mỗi lần cập nhật, mỗi dòng bình luận mới hay một “plot twist” (điểm nhấn bất ngờ - PV) trong drama sẽ kích thích hệ thống tưởng thưởng của não bộ – khiến việc hóng drama gần như trở thành một hành vi mang tính gây nghiện nhẹ. Nó không chỉ đơn thuần là tò mò, mà còn mang lại cảm giác thỏa mãn tức thì", chuyên gia Nguyễn Ngọc Long bày tỏ.

Trong thời đại công nghệ số khi mọi thứ được "phơi bày" và tiếp cận nhanh trên mạng xã hội, thông tin tiêu cực thường gây chú ý mạnh hơn bởi nó kích hoạt bản năng sinh tồn và cảnh giác của con người.

Theo chuyên gia Ngọc Long, trên mạng xã hội, những thông tin tiêu cực càng bị khuếch đại bởi các thuật toán đề xuất nội dung. Những gì càng gây tranh cãi, càng nhiều lượt tương tác (bình luận, chia sẻ, phẫn nộ), thì càng được lan truyền rộng rãi. Kết quả là những câu chuyện tiêu cực, xung đột, drama – dù đôi khi rất nhỏ nhặt – lại được "thổi phồng" và tràn ngập trên bảng tin người dùng. Từ đó, một vòng lặp được tạo ra: người xem bị cuốn hút, mạng xã hội nhận thấy nội dung đó hiệu quả, và tiếp tục ưu tiên phân phối nó.

“Mệt mỏi đạo đức”

Bên cạnh những lợi ích to lớn, mạng xã hội cũng mang đến nhiều tác động tiêu cực, đặc biệt là sự lan truyền nhanh chóng của những thông tin tiêu cực. Những thông tin này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, hành vi và lối sống của người trẻ. Xác nhận điều này, chuyên gia Ngọc Long cho biết, thông tin tiêu cực, nếu tiếp nhận quá thường xuyên và không có cơ chế tự bảo vệ tâm lý, có thể gây ra nhiều tác động xấu đến sức khỏe tinh thần và nhận thức xã hội của người trẻ.

Nhiều người có thể có cảm giác lo âu, căng thẳng và bất lực khi xem quá nhiều các drama liên quan đến bạo lực, lừa đảo, phản bội hay các câu chuyện đạo đức đầy tranh cãi. Dù người xem không trực tiếp liên quan, nhưng việc chứng kiến và bị cuốn vào hàng loạt tranh luận có thể khiến họ cảm thấy mệt mỏi, mất niềm tin vào con người hoặc hoài nghi về các giá trị xã hội.

"Một dạng ảnh hưởng khác tinh vi hơn nhưng nguy hiểm không kém là sự chai lì cảm xúc. Khi tiếp xúc quá nhiều với các tin xấu, người trẻ dễ bị “bão hòa cảm xúc”, mất đi sự đồng cảm hoặc trở nên hoài nghi, lạnh lùng trước nỗi đau của người khác. Dần dà, họ có thể phát triển một kiểu 'mệt mỏi đạo đức' (moral fatigue), nơi mà họ không còn muốn quan tâm hay phản ứng trước các vấn đề xã hội nữa.

Ngoài ra, thông tin tiêu cực còn tạo môi trường lý tưởng để lan truyền định kiến, sự thù ghét, hoặc các phong trào "cancel culture" (văn hóa tẩy chay) đầy cảm tính. Giới trẻ, nếu chưa đủ kỹ năng tư duy phản biện hoặc bị cuốn theo số đông, rất dễ rơi vào trạng thái mất kiểm soát trong hành vi, lời nói trên mạng – ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, mối quan hệ, thậm chí cả sự nghiệp về sau", chuyên gia Nguyễn Ngọc Long bày tỏ.

'Tấm khiên' để người trẻ tự bảo vệ

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long. Ảnh: FBNV.

Bên cạnh nhiều người trẻ thích "hóng drama", nhiều Gen Z khác thẳng thắn bày tỏ, họ không tò mò hay hứng thú với những thông tin như vậy vì nhiều lý do. Họ thấy đó chỉ là những cuộc tranh cãi vô nghĩa, không muốn bị "dắt mũi" hoặc đơn giản là không có thời gian cho những việc vô bổ như vậy trên mạng xã hội.

Nói về điều này, chuyên gia Ngọc Long cho hay, điều quan trọng nhất mà người trẻ cần có hiện nay không chỉ là kiến thức, mà là năng lực truyền thông cá nhân và tư duy phản biện. Tức là họ có khả năng tự hỏi: “Thông tin này đến từ đâu?”, “Ai là người có lợi nếu tôi tin vào nó?”, “Tôi đang phản ứng bằng lý trí hay cảm xúc?”. Trong một thế giới mà thông tin có thể bị bóp méo, cắt ghép, và lan truyền với tốc độ chóng mặt, thì thái độ hoài nghi lành mạnh (healthy skepticism) chính là tấm khiên đầu tiên để tự bảo vệ mình.

Ngoài ra, anh cũng đưa ra giải pháp giúp người trẻ không bị ảnh hưởng nhiều bởi những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. Đó là, mỗi người cần hình thành thói quen tiêu thụ nội dung một cách có chọn lọc, tương tự việc ăn uống lành mạnh cho cơ thể.

"Việc 'đặt giờ' sử dụng mạng xã hội, tắt thông báo, chủ động theo dõi các nguồn tin cậy, hoặc dành thời gian cho những nội dung nuôi dưỡng tâm trí như sách, podcast, phim tài liệu… là những cách thiết thực để cân bằng.

Một yếu tố cũng không thể thiếu là học cách giữ khoảng cách cảm xúc với các drama hay tin tức tiêu cực. Không phải cứ biết mọi chuyện thì mới là người ‘theo kịp thời đại’. Ngược lại, chọn lọc cái gì nên biết và cái gì không nên cuốn vào – đó mới là biểu hiện của người dùng mạng trưởng thành. Đôi khi, sự bình tĩnh và im lặng cũng là một dạng trí tuệ rất đáng học hỏi", chuyên gia Ngọc Long cho hay.

Mạng xã hội là một công cụ hữu ích, nhưng nếu không được sử dụng đúng cách, nó có thể trở thành nguồn cơn của những tác động tiêu cực đối với người trẻ. Việc nâng cao nhận thức, rèn luyện tư duy phản biện và kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội sẽ giúp người trẻ tận dụng được những lợi ích mà công nghệ mang lại, đồng thời bảo vệ bản thân trước những tác động tiêu cực từ thế giới ảo.

Chuyên gia Ngọc Long cũng gợi ý người dùng hãy biến mạng xã hội thành nơi mình tạo ra giá trị, không chỉ là người tiêu thụ nội dung. "Viết, chia sẻ điều tích cực, tham gia các cộng đồng lành mạnh – đó là cách người trẻ có thể định hình môi trường mạng mà mình mong muốn, thay vì chỉ bị động chịu ảnh hưởng từ nó", anh nói.

Băng Tâm
Nguồn: sohuutritue.net.vn