Hết giảm thuế trước bạ, thị trường ô tô Việt Nam sẽ ra sao?

Thứ hai, 06/06/2022, 14:29 PM

Lượng xe mới tăng mạnh, nhu cầu của khách mua giảm sẽ là yếu tố chính giúp thị trường ô tô Việt Nam giảm nhiệt

Từ hôm nay (1/6/2022), chính sách hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với các dòng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước của Chính phủ đã hết hiệu lực. Với việc người dùng không còn ôm tâm lý sốt ruột mua xe để chạy thuế trước bạ và các sản phẩm nhập khẩu có thể tự tin cạnh tranh với xe nội địa mà không còn phải “gồng mình” với các chương trình khuyến mãi, thị trường ô tô Việt Nam sẽ ra sao?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở tháng 5 vừa qua tăng 13,2% so với tháng 4 trước đó, đạt 44.500 xe còn ô tô nhập khẩu có 19.000 chiếc được thông quan, tổng cộng khoảng 63.500 ô tô mới xuất xưởng. Số lượng này chắc chắn sẽ không thể tiêu thụ hết trong tháng 5/2022 và sẽ dư ra cho tháng 6 này.

het-uu-dai-giam-thue-truoc-ba-thi-truong-o-to-viet-817d-1422

Tất nhiên ở thời điểm hiện tại, các hãng xe chưa công bố doanh số của tháng 5/2022 nên chưa rõ tổng lượng xe thị trường tiêu thụ là bao nhiêu nhưng chúng ta có thể nhìn vào tháng 4 trước đó để tham chiếu. Theo Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) thống kê, ở tháng 4 vừa qua các thành viên bán được 42.359, phối hợp với VinFast, TC Motor và một số hãng khác không công bố kết quả bán hàng, ước tính vào khoảng 50.000 xe hơi được bán ra trong tháng 4/2022.

Dự đoán tổng lượng xe bán ra trong tháng 5/2022 sẽ không chênh lệch nhiều so với con số trên hoặc thậm chí còn ít hơn. Nguyên nhân là bởi dù tháng 5 vừa qua là tháng cuối các dòng xe lắp ráp trong nước được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ, nhưng thị trường bốn bánh nước ta ở những ngày cuối tháng 5 lại khá im ắng. Cụ thể, theo số liệu được báo haiquanonline đưa ra, trong ngày 30/5/2022 chỉ có 544 xe ô tô được đăng ký mới trên toàn quốc.

Những dấu hiệu này cho thấy thị trường ô tô Việt Nam bước sang tháng 6 sẽ bắt đầu giảm nhiệt khi lượng xe xuất xưởng ở tháng trước đó vẫn còn dư khá nhiều và đồng thời nhu cầu mua xe của người dùng sẽ giảm khi không còn ưu đãi lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, tình trạng “bia kèm lạc” của nhiều mẫu xe “hot” trên thị trường sẽ không thể chấm dứt ngay bởi hiện tại nhiều hãng xe vẫn đang gặp vấn đề ở chuỗi cung ứng linh phụ kiện và chip bán dẫn, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất xe mới, không chỉ tại Việt Nam mà cả ở trên thế giới.

Hiện tại, nhiều mẫu ô tô “hot” vẫn đang bị bán chênh giá tại đại lý từ vài chục triệu đồng (có thể kể đến như Toyota Raize, Hyundai Creta, Ford Ranger) cho đến cả trăm hoặc vài trăm triệu đồng (ví dụ: Hyundai Santa Fe, Hyundai Tucson, Toyota Camry, Ford Explorer) thậm chí lên tới cả tỷ đồng như Toyota Land Cruiser (ghi nhận ở tháng 5 trước đó giá “lạc” lên tới 1,6 tỷ đồng). Tình hình thiếu hụt linh phụ kiện không chỉ khiến nhiều mẫu xe gặp phải tình trạng “bia kèm lạc” mà còn khiến nhiều mẫu xe khác trên thị trường phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ đề xuất do giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Ví dụ như Ford Việt Nam điều chỉnh tăng giá bán Ranger và Everest từ đầu năm 2022 còn trong tháng 5 vừa qua có tới 9 mẫu xe của Toyota Việt Nam được điều chỉnh tăng từ 5 – 40 triệu đồng, một số dòng xe Lexus tăng từ 40 – 70 triệu đồng, vài mẫu xe Kia cũng tăng từ 5 – 20 triệu đồng và đáng kể nhất là Mercedes-Benz điều chỉnh giá của 7 dòng xe, trong đó mẫu tăng nhiều nhất tới 170 triệu đồng.

Theo tapchigiaothong.vn