Hạn chót hoãn thuế quan gần kề, Mỹ giục các đối tác thương mại nộp đề xuất
Thứ ba, 03/06/2025 09:03 (GMT+7)
Hạn tạm hoãn thuế quan sắp hết, Mỹ đang gia tăng áp lực, yêu cầu các đối tác thương mại nộp đề xuất tốt nhất trước ngày 4/6.
Chỉ còn khoảng 5 tuần trước khi thời gian tạm hoãn các biện pháp thuế quan của Mỹ kết thúc (dự kiến vào ngày 8/7, sau 90 ngày tạm dừng). Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán thương mại với nhiều quốc gia, đặt ra một "hạn chót" mới cho các đối tác.
Theo một bản dự thảo thư nội bộ của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), Washington đã gửi yêu cầu tới các đối tác đàm phán, đề nghị họ trình bày "đề xuất tốt nhất" của mình trước ngày 4/6 tới đây. Nội dung của những đề xuất này yêu cầu phải bao gồm các cải thiện cụ thể về thuế quan, hạn ngạch, rào cản phi thuế quan, cũng như những cam kết rõ ràng trong lĩnh vực thương mại kỹ thuật số và an ninh kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: News1
Áp lực thời gian từ phía Mỹ
Động thái này phản ánh sự gấp rút của chính quyền Trump trong việc đạt được các thỏa thuận thương mại có lợi cho Mỹ trước khi thời gian tạm hoãn kết thúc. Quyết định tạm hoãn thuế quan được đưa ra cách đây 90 ngày (vào khoảng đầu tháng 4), sau khi việc áp dụng các biện pháp thuế quan đối ứng ban đầu đã gây ra sự chấn động đáng kể trên thị trường tài chính. The Korea Times nhấn mạnh rằng hành động của USTR cho thấy rõ áp lực thời gian mà chính quyền Mỹ đang phải đối mặt.
Mặc dù các quan chức Nhà Trắng, bao gồm Cố vấn Kinh tế Kevin Hassett đã nhiều lần khẳng định rằng các cuộc đàm phán đang "gần hoàn thành", thực tế cho thấy tiến bộ cụ thể vẫn còn hạn chế. Đến nay, Mỹ mới chỉ đạt được một thỏa thuận sơ bộ với Vương quốc Anh, mang tính chất một khung hợp tác để tiếp tục thảo luận hơn là một thỏa thuận thương mại song phương đầy đủ.
Bản dự thảo thư của USTR nêu rõ, dựa trên những đề xuất nhận được trước ngày 4/6, phía Mỹ sẽ tiến hành đánh giá để xác định "phạm vi khả năng đạt được thỏa thuận". Điều này ngụ ý rằng Washington sẽ xem xét các đề xuất để quyết định mức độ thuế quan đối ứng có thể được áp dụng đối với từng quốc gia.
Danh sách các quốc gia cụ thể nhận được thông điệp này chưa được công bố nhưng được cho là hướng đến những đối tác mà Mỹ đã có các cuộc đàm phán đang diễn ra, bao gồm Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Việt Nam và Ấn Độ... Các quan chức USTR xác nhận rằng các cuộc thảo luận với nhiều đối tác thương mại lớn đang "tiến triển nhanh chóng" và đây là thời điểm thích hợp để "tổng kết tiến độ và vạch ra các bước đi tiếp theo".
Ngành công nghiệp ủng hộ, thách thức pháp lý rình rập
Động thái đẩy nhanh tiến độ đàm phán và yêu cầu đề xuất từ phía Mỹ đã nhận được sự ủng hộ từ một số tổ chức đại diện doanh nghiệp. Bà Tiffany Smith, Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách Thương mại Toàn cầu tại Hội đồng Ngoại thương Quốc gia (NFTC), nhận định rằng việc này sẽ giúp các doanh nghiệp Mỹ giảm bớt rào cản ở thị trường nước ngoài và tạo ra môi trường thương mại song phương dễ dự đoán và ổn định hơn.
Chính sách thuế quan là trọng tâm trong chiến lược "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump, nhằm mục đích bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa, giảm thâm hụt thương mại và cũng được Đảng Cộng hòa coi là công cụ bù đắp cho việc cắt giảm thuế. Chính sách này đã gây ra nhiều biến động trên thị trường tài chính toàn cầu kể từ khi được triển khai.
Tuy nhiên, chính sách thuế quan của ông Trump gần đây đang đối mặt với những thách thức pháp lý đáng kể. Tòa án Thương mại Quốc tế (CIT) đã ra phán quyết rằng việc chính quyền viện dẫn Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) để áp dụng một số loại thuế đã vượt quá thẩm quyền Tổng thống. Mặc dù phán quyết này đã nhanh chóng bị một Tòa án Phúc thẩm Liên bang tạm dừng thi hành, vụ kiện vẫn đang tiếp diễn, tạo ra sự bất ổn về tính hợp pháp của các biện pháp thuế quan hiện tại và tương lai.
Đáng chú ý, bản dự thảo thư của USTR đã chuẩn bị cho kịch bản bất lợi từ tòa án. Văn bản này nêu rõ rằng ngay cả khi phán quyết của CIT được giữ nguyên, cơ chế thuế quan vẫn có thể được duy trì và thúc đẩy dựa trên "các thẩm quyền pháp lý vững chắc khác". Điều này cho thấy Washington không có ý định từ bỏ áp lực thuế quan và sẽ tìm mọi cách để tiếp tục theo đuổi mục tiêu thương mại của mình.
Việc đặt ra hạn chót vào ngày 4/6 thể hiện quyết tâm của chính quyền Trump trong việc thúc đẩy các đối tác nhượng bộ trong đàm phán, trước khi thời gian tạm hoãn thuế quan chính thức kết thúc vào đầu tháng 7. Các diễn biến trong vài tuần tới sẽ rất quan trọng, quyết định liệu một vòng căng thẳng thương mại mới có bùng phát hay không.
Bắc Kinh vừa kịch liệt bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Trump về việc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận đàm phán thương mại. Trung Quốc khẳng định đã tuân thủ và cho rằng phía Mỹ mới là người có lỗi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm từ 25% lên 50%, hiệu lực từ ngày 4/6 và cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận thương mại.
Đảo Akusekijima của Nhật Bản đang rung chuyển không ngừng bởi một chuỗi động đất bất thường. Sau trận động đất mạnh, người dân kiệt quệ đã phải bắt đầu sơ tán khỏi đảo để tìm nơi trú ẩn an toàn.
Sau những tranh cãi và kịch tính đến phút chót, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật "Lớn và Đẹp" của Tổng thống Trump. Thắng lợi lập pháp này sẽ định hình lại chính sách thuế và chi tiêu của Mỹ trong nhiều năm tới.
Trước hạn chót 9/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ tiết lộ khoảng 100 quốc gia sẽ được hưởng mức thuế quan 10%, trong khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ gửi thư thông báo mức thuế trực tiếp cho số còn lại.
Gã khổng lồ thời trang nhanh Shein vừa bị Pháp phạt nặng 40 triệu euro vì các hành vi gian lận thương mại, bao gồm chiêu trò "tăng giá ảo" để lừa dối người tiêu dùng về các mức giá khuyến mãi.
Tổng thống Trump tuyên bố sẽ không gia hạn thời gian đàm phán thuế quan sau ngày 9/7 và sẽ bắt đầu gửi thư thông báo cho các đối tác thương mại, đơn phương đặt ra mức thuế quan.
Trước hạn chót 9/7, Tổng thống Trump đã vẽ ra một bức tranh thương mại tương phản, lạc quan về một thỏa thuận với Ấn Độ trong khi chỉ trích gay gắt và gây áp lực lên đồng minh lâu năm Nhật Bản.
Một chiếc phà chở 65 người tại Indonesia bỗng nhiên mất tích, nghi bị chìm ở eo biển Bali. Công tác tìm kiếm cứu nạn đang diễn ra khẩn trương nhưng gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu.