Góc khuất cổ phần hóa ACV, tiền chảy vào túi ai?

Thứ bảy, 24/03/2018, 11:31 AM

Dưới hình thức phần hóa, ACV cùng với hàng loạt doanh nghiệp tư nhân "thân hữu" đang chia nhau thị phần béo bở tại các cảng hàng không của nhà nước.

Năm 2012, dưới thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã cho sáp nhập ba cụm cảng hàng không gồm Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam thành siêu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con, quản lý 22 Cảng hàng không trên cả nước trong đó có 21 Cảng hàng không đang khai thác, đồng thời góp vốn đầu tư vào các công ty con và các công ty liên kết.

Trong 22 cảng hàng không ACV đang khai thác có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không quốc nội.

Sau vài vài năm cổ phần hóa, ACV trở thành một siêu tổng công ty độc quyền khai thác các nguồn lợi vô cùng lớn tại các sân bay nhà nước.

Được biết, ACV có vốn điều lệ hơn 21.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 2,1 tỷ cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó, cổ phần Nhà nước nắm giữ 95,4%; các cổ đông khác nắm giữ 4,6%.

Hiện ACV có đến 8 Phó Tổng giám đốc, đây được xem là con số cấp phó thuộc hàng đông đảo, chiếm một lượng lớn ngân sách lương dành cho lãnh đạo.

Đáng chú ý, mới đây kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ những sai phạm tại ACV với hàng nghỉn tỷ đồng. Trong đó, có việc ACV thu phí ô tô vào ga hàng không trái quy định số tiền lên đến trên 550 tỷ đồng.

Không chỉ số tiền thu trái quy định của người dân đưa hành khách đến sân trên, số tiền khủng khác từ việc khai thác độc quyền sân bay nhà nước đang đẩy qua những doanh nghiệp sân sau, tiền chảy vào túi của một số cá nhân, doanh nghiệp tư nhân có quan hệ với lãnh đạo ACV.

Cổ phần hóa một doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có nhiều dấu hiệu thiếu công khai, minh bạch. Ảnh: PAE

Cổ phần hóa một doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có nhiều dấu hiệu thiếu công khai, minh bạch. Ảnh: PAE

Ngoài 22 cảng hàng không, hàng chục dự án hàng không, ACV hiện có 12 công ty con, công ty liên kết và các khoản đầu tư dài hạn. Tất cả các công ty con, công ty liên kết của ACV đều kinh doanh những lĩnh vực “béo bở” của ngành hàng không từ mặt đất đến trên máy bay.

Một số cái tên đáng chú ý mà phóng viên tiếp cận được tài liệu như Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS), chuyên cung cấp các dịch vụ mặt đất, hành khách tại sân bay; Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Nội Bài (ACSV), chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan hàng hóa hàng không.

Qua tìm hiểu các công ty con của AVC mới thấy sự phức tạp, không khác gì ma trận trong mối quan hệ cổ đông, cá nhân có quan hệ “thân hữu” với lãnh đạo ACV.

Sự phức tạp ở đây chính là đằng sau những công ty con của ACV lại là một hệ thống các công ty con khác nối dài sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp tại một số công ty con của đơn vị này.

Việc nối dài “xúc tu” sau khi cổ phần hóa nhằm mục đích gì hay đưa doanh nghiệp tư nhân “bước chân” vào kinh doanh độc quyền tại các cảng hàng không thuộc ACV?. 

Điều này có nghĩa lợi nhuận kiếm được từ việc kinh doanh tại các sân bay nhà nước đã và đang chảy vào túi doanh nghiệp tư nhân, còn nhà nước chỉ được một phần rất nhỏ, thậm chí không được hưởng lợi.

Dưới hình thức cổ phần hóa, ACV cùng với các công ty tư nhân khác lập lên hàng loạt doanh nghiệp "sân sau" nhằm giúp các công ty tư nhân chia miếng bánh béo bở tại các cảng hàng không.

Từ doanh nghiệp ban đầu mà ACV lập lên lại tiếp tục lập lên các doanh nối dài tiếp theo là doanh nghiệp 2, doanh nghiệp 3… Cứ như vậy, ACV đã giúp sức cho hàng loạt công ty "thân hữu" có "chân" kinh doanh tại các cảng hàng không. 

Với hình thức công ty cổ phần thì góp nhiều ăn nhiều, bằng cách đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã và đang kinh doanh độc quyền tại các cảng hàng không và số tiền thu về không phải là nhỏ. Và nghiễm nhiên các doanh nghiệp này vẫn được xem là từ ACV mà ra.  

Cụ thể như Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Nội Bài (ACSV) tiền thân là Công ty Dịch vụ hàng hóa hàng không (ACS) là doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty cảng hàng không Miền Bắc với chức năng chính cung cấp các dịch vụ liên quan tới vận tải hàng hóa cho các hãng hàng không đi và đến tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Bộ giao thông Vận tải và ACV, ACS được chọn là đại diện tiên phong của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thực hiện chuyển đổi vốn chủ sở hữu từ nhà nước sang tư nhân thông qua quá trình cổ phần hóa.

ACSV chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/06/2015 có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trụ sở tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.

Sau cổ phần hóa thành lập lên Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Nội Bài có nhiều dấu hiệu, bóng dáng của lợi ích nhóm, khi có đến 4/5 công ty tư nhân sở hữu cổ phần, còn người lao động bị bỏ qua. Ảnh: ACSV.

Sau cổ phần hóa thành lập lên Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Nội Bài có nhiều dấu hiệu, bóng dáng của lợi ích nhóm, khi có đến 4/5 công ty tư nhân sở hữu cổ phần, còn người lao động bị bỏ qua. Ảnh: ACSV.

Theo đó, ACSV do 5 cổ đông sáng lập gồm: ACV (20%); Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không Thăng Long 20%; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư HMG Việt Nam 30%; Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng BĐS LanMak 20%; Công ty Cổ phần đầu tư chứng khoán IB 10%.

Trong 5 cổ đông trên có đến 4 doanh nghiệp tư nhân chia nhau 80%, trong đó không hề thấy bóng dáng của người lao động tại ACSV vào thời điểm tiến hành cổ phần hóa.

ACV là công ty mẹ trước kia chỉ còn nắm 20% vốn điều lệ. Như vậy ACV không còn quyền quyết định và chi phối tại ACSV, hay nói cách khác sau cổ phần hóa một doanh nghiệp nhà nước đã rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân dưới cái mác cổ phần hóa.

Cùng thời điểm tháng 4/2015, một doanh nghiệp nữa do ACV lập lên là Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS).

HGS có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, Tổng giám đốc là ông Bùi Anh Tuấn và Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Tuấn Anh.

Theo đó, HSG gồm có 4 cổ đông sáng lập gồm: ACV (20%); Công ty Cổ phần cung cấp thiết bị và dịch vụ bảo dưỡng hàng không (30%); Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ ATS Việt Nam (25%); Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ hàng không Thủ đô (25%).

Trong đó cổ đông sở hữu 30% HSG là Công ty Cổ phần cung cấp thiết bị và dịch vụ bảo dưỡng hàng không lại thuộc sở hữu của 3 cổ đông gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Danh Minh (40%); cổ đông tiếp theo chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị của HSG là ông Nguyễn Tuấn Anh (40%) và ông Bùi Thế Đức (20%).

Như vậy, bằng cách gián tiếp ông Nguyễn Anh Tuấn vừa là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của HSG, đồng thời cũng là cổ đông lớn của một pháp nhân sở hữu cổ phần HSG.

Được biết HGS là đơn vị được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn cung cấp dịch vụ cho các hãng hàng không trong đó có 24 hãng hàng không quốc tế tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, cần làm rõ những mập mờ, khuất tất trong việc ACV sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Vũ Phương.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, cần làm rõ những mập mờ, khuất tất trong việc ACV sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Vũ Phương.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Việt Nam, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Bùi Kiến Thành chỉ rõ: “Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng có liên quan cần làm rõ các công ty con, công ty liên kết do ACV thành lập.

Đặc biệt, việc cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước tại ACV đã thực hiện đúng quy định pháp luật? Việc này phải làm rõ việc cổ phần hóa có tiêu cực hay không, có liên quan gì đến người thân của lãnh đạo ACV?

Cần làm rõ ở đây đó là việc kinh doanh độc quyền tại các cảng hàng không của nhà nước đang rơi vào tay các công ty tư nhân, cá nhân.

Như vậy có nghĩa lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh tại các cảng hàng không nhà nước chảy vào túi tư nhân chứ nhà nước đâu hưởng lợi gì. Phải làm rõ có lợi ích nhóm, có doanh nghiệp sân sau, người thân của lãnh đạo ACV hay không?”.

Vũ Phương

Theo GDVN