Giá heo hơi hôm nay, 2/8: Tăng cao chót vót, tư thương tới tận chuồng bắt cả đàn

Thứ năm, 02/08/2018, 08:50 AM

Theo ghi nhận của PV, giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay trên địa bàn cả nước vẫn duy trì mức cao, dao động phổ biến từ 50.000 - 56.000 đồng. Đặc biệt, giá lợn hơi tại thị trường Hà Tĩnh hiện đã chạm mốc 58.000 đồng/kg. Đây là mức giá không ai dám nghĩ tới khi giá lợn hơi liên tục giảm sâu suốt năm 2017 và đầu năm 2018, có lúc chỉ còn 20.000 đồng/kg.

Giá vẫn giữ mức cao

Theo ghi nhận từ thị trường, giá heo hơi tại nhiều tỉnh phía Bắc hiện vẫn duy trì mức cao kỉ lục trong vòng 2 năm qua. Cụ thể, tại Lào Cai, Thái Bình giá lợn hơi trong ngày hôm qua đã tăng 1.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg; tại Yên Bái đạt 54.000 đồng/kg; các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam giá không đổi, từ 55.000 - 56.000 đồng/kg. 

Trong khi đó, ngày hôm qua giá lợn hơi tại Hải Dương giảm 1.000 đồng/kg xuống còn 56.000 đồng/kg, Nam Định  cũng về mức 56.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, tại địa bàn Hà Tĩnh, giá lợn siêu xuất tại chuồng đã tăng lên tới 58.000 đồng/kg - mức giá mà so với cùng kì năm ngoái, không ai nghĩ có thể sẽ xảy ra.  

Nhiều hộ chăn nuôi vô cùng phấn khởi vì giá heo hơi hôm nay vẫn duy trì ở mức cao, đặc biệt tại Hà Tĩnh giá heo siêu đã lên tới 58.000 đồng/kg. Ảnh minh họa

Nhiều hộ chăn nuôi vô cùng phấn khởi vì giá heo hơi hôm nay vẫn duy trì ở mức cao, đặc biệt tại Hà Tĩnh giá heo siêu đã lên tới 58.000 đồng/kg. Ảnh minh họa

Anh Lê Ngọc Đồng ở xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh) – chủ trang trại đang nuôi 500 con lợn chia sẻ với báo Hà Tĩnh: "Giá lợn hơi thời gian gần đây tăng liên tục, đến nay đã đạt mức 55.000 – 58.000 đồng/kg. Theo đó, giá lợn giống cũng tăng phi mã, hiện tại đã trên 1,4 triệu đồng/con".

Mặc dù giá lợn hơi tăng cao, nhưng thương lái cũng không dễ mua hàng. Ông Nguyễn Văn Hảo (TP Hà Tĩnh) cho biết: "Giá mua trong dân hiện từ 55.000 - 58.000 đồng/kg. Tuy giá cao nhưng rất khó tìm nguồn hàng. Lúc trước ngày mua được 3 - 4 con thì nay mỗi ngày 1 con là đã may mắn lắm rồi".

Tại địa bàn Bắc Kạn, hiện giá lợn hơi cũng đang duy trì ở mức cao. Là một trong những hộ đầu tư quy mô chăn nuôi khá lớn ở xã Nguyên Phúc, chị Đinh Thị Hằng ở thôn Nà Lốc, huyện Bạch Thông phấn khởi cho biết, gia đình chị đang chuẩn bị xuất chuồng 30 con lợn siêu nạc, bình quân mỗi con đạt trọng lượng 90 -100kg sau hơn 3 tháng chăn nuôi. Các lái buôn ở thành phố Bắc Kạn đánh xe lên tận chuồng trại để bắt cả đàn.

Theo chị Hằng, giá lợn bắt đầu tăng từ đầu năm, đến 1-2 tháng nay đạt trung bình trên 50.000 đồng/kg, với giá này trừ mọi chi phí chị sẽ lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con. Vì vậy khi lợn đủ tuổi xuất chuồng là chị bán ngay.

Gia đình chị Đinh Thị Hằng ở thôn Nà Lốc, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) vẫn thường duy trì tổng đàn trên dưới 200 con lợn thịt. Ảnh: baobackan

Gia đình chị Đinh Thị Hằng ở thôn Nà Lốc, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) vẫn thường duy trì tổng đàn trên dưới 200 con lợn thịt. Ảnh: baobackan

Hiện tại trang trại chị Hằng có khoảng hơn 200 con lợn siêu nạc, trọng lượng từ 50kg trở lên. Năm ngoái, dù giá lợn hơi xuống thấp nhưng chuồng trại của nhà chị Hằng luôn duy trì đều đặn từ 100 - 150 con. Chị Hằng tin chắc thị trường sẽ hồi phục, chỉ là nhanh hay chậm mà thôi.

Nhiều hộ thoát nợ

Là một trong những hộ chăn nuôi có tiếng ở huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn), bà Mai Thị Thảo- Giám đốc HTX Đức Mai ở xã Quân Bình hiện có tổng đàn lợn lên đến 250 con. Thời điểm giá lợn xuống thấp vào năm 2017, bà bị thua lỗ mất 700 triệu đồng, thậm chí bà Thảo đã tính đến phương án bán hết chuồng trại. Tuy vậy cuối cùng bà vẫn quyết duy trì đàn với 14 con nái, 50 lợn thịt.

Khi giá lợn hơi xuống đáy, rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong vùng không bán được lợn, đặc biệt lợn giống giá chỉ còn 100.000 đồng/con. Thấy vậy, bà Thảo đã bàn bạc với gia đình và đi mua gom hết toàn bộ lợn con trong vùng (khoảng 300 con). Đến nay khi giá lợn hơi tăng trở lại, bà bán dần với giá gần 50.000 đồng/kg, tiền lãi này coi như gỡ gạc lại số tiền đầu tư thua lỗ năm ngoái.

Ông Diêm Đăng Sơn (ngoài cùng bên trái) có đàn lợn xuất chuồng đúng thời điểm giá cao.

Ông Diêm Đăng Sơn (ngoài cùng bên trái) có đàn lợn xuất chuồng đúng thời điểm giá cao.

Thời điểm này, giá lợn hơi (heo hơi) tại địa bàn Bắc Giang cũng đã cán mốc 56.000 đồng/kg. Người chăn nuôi rất phấn khởi vì đã có lợi nhuận sau thời gian dài thua lỗ.

Ông Diêm Đăng Sơn, hộ nuôi 150 con lợn thương phẩm ở thôn Phố Mới, xã Việt Ngọc (Tân Yên, Bắc Giang) cho biết: “Gia đình tôi vừa bán 22 con lợn, mỗi con khoảng 1 tạ với giá 54.000 đồng/kg; trừ chi phí lãi gần 2 triệu đồng/con”. Thật tiếc là mới bán xong đàn lợn thì giá lại tiếp tục tăng lên 56.000 đồng/kg.

Được biết, năm ngoái gia đình ông lỗ gần 120 triệu đồng. Vì vậy khoản thu từ lứa lợn vừa qua giúp ông bù lại một phần số tiền thua lỗ.

Gia đình ông Nguyễn Đức Đăng, thôn Lãn Tranh 3, xã Liên Chung (Tân Yên) trước đây thường nuôi hơn 1.000 con lợn nhưng hiện chưa vội tăng đàn vì muốn nghe ngóng thêm thông tin. Theo ông Đăng, các hộ dân với tiềm lực vốn liếng hạn chế thì chỉ nên duy trì chăn nuôi với quy mô trung bình và nhỏ, vài trăm đầu lợn trở lại. Bởi như vậy nếu giá cả có biến động theo hướng đi xuống thì vẫn cầm cự được. 

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định, giá lợn hơi nước ta hiện đang ở mức cao nhất thế giới. Năm 2017 chúng ta thừa rất nhiều lợn, phải thực hiện giảm đàn. Từ tháng 4, giá thịt lợn bắt đầu tăng mạnh chứng tỏ việc giảm đàn có hiệu quả. Thế nên, nay lợn hơi xuất chuồng tăng lên trên 50.000 đồng/kg là hoàn toàn bình thường.

Theo Cục Chăn nuôi, để tập trung chăn nuôi hiệu quả, hạn chế rủi ro, ngành nông nghiệp cho rằng người dân không phát triển tăng đàn ồ ạt; khuyến cáo người dân theo dõi giá cả thị trường để đầu tư phù hợp, tập trung vào chăn nuôi lợn cao sản, lợn đặc sản nhằm đa dạng hóa thị trường; khuyến khích mô hình chăn nuôi bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống; chủ động liên kết với các cơ sở chăn nuôi có uy tín để ổn định đầu tư, kết nối thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, cung vượt quá cầu dẫn tới bị ép giá, lỗ vốn.

Ngân Hương

Theo Dân Việt

largeer