Việt Nam, thị trường đầy tiềm năng cho hàng nông sản Nhật Bản

Thứ tư, 01/08/2018, 16:05 PM

Ngày 31/7, Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) đã chính thức tổ chức buổi lễ “Kết nối doanh nghiệp về thực phẩm và nông lâm thủy sản Nhật Bản” tại TP.HCM. Đây là chương trình liên quan trong chiến lược mở rộng xuất khẩu của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản.

Việt Nam, thị trường đầy tiềm năng cho hàng nông sản Nhật Bản

Theo thống kê về thương mại của Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất khẩu hàng thực phẩm và nông sản Nhật Bản năm 2017 vào thị trường Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và đứng thứ 6 toàn cầu. Trong 5 tháng đầu năm 2018, kim ngạch hàng thực phẩm và nông sản Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức kỷ lục từ trước đến nay: 39,5 tỷ yên (350 triệu USD), tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Buổi lễ “Kết nối doanh nghiệp về thực phẩm và nông lâm thủy sản Nhật Bản” do JETRO tổ chức tại TP.HCM

Buổi lễ “Kết nối doanh nghiệp về thực phẩm và nông lâm thủy sản Nhật Bản” do JETRO tổ chức tại TP.HCM

Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, thị trường Việt Nam ngày càng ý thức cao về tính an toàn thực phẩm và điều này hấp dẫn các nhà đầu tư của Nhật Bản. Tại buổi lễ “Kết nối doanh nghiệp về thực phẩm và nông lâm thủy sản Nhật Bản”, các doanh nghiệp Nhật Bản đã giới thiệu đến các khách hàng 4 hạng mục thực phẩm là: Hải sản tươi sống và chế biến, Thực phẩm chức năng – tốt cho sức khỏe, thực phẩm cho bé, sữa bột, bánh kẹo.

Năm 2017, mặt hàng thủy sản ngoài cá của Nhật Bản (sò điệp, hàu, nhum biển…) đã đạt được sức mua rất lớn. Ngoài ra, các mặt hàng chế phẩm từ sữa dành cho em bé, hay các loại cá ngừ của Nhật Bản cũng thu hút được sự quan tâm của các khách hàng Việt Nam và góp phần vào sự tăng trưởng kim ngạch chung (tăng 22,4% so với năm 2016). Năm 2018, JETRO kỳ vọng vào các mặt hàng Thực phẩm chức năng – tốt cho sức khỏe, bánh kẹo sẽ đóng vai trò quan trọng trên thị trường hàng nông sản Nhật Bản xuất khẩu vào Việt Nam.

Thực phẩm Nhật Bản sẽ xuất khẩu vào TP.HCM nhiều hơn nữa

Hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ hàng tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, mức tiêu thụ hàng tiêu 7,13% so với cùng kỳ năm 2017. TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và có sức tiêu thụ hàng tiêu dùng rất lớn. Mặc dù vậy, sự xuất hiện của một số mặt hàng thực phẩm và nông sản Nhật Bản ở TP.HCM còn khá khiêm tốn.

Bánh Bourbon, thương hiệu bánh nổi tiếng của Nhật Bản

Bánh Bourbon, thương hiệu bánh nổi tiếng của Nhật Bản

Một ví dụ điển hình là tập đoàn bánh Bourbon nổi tiếng của Nhật Bản, chiếm tới 25% thị trường bánh biscuit (vị trí số 1 tại Nhật), bỏ xa những thương hiệu khác như Lotte (11%), Morinaga (10%), Nabisco (9%)… Nhưng ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, bánh Bourbon vẫn chưa được nhiều khách hàng biết đến. Ông Shinji Ono, Giám đốc bán hàng quốc tế của tập đoàn bánh Bourbon chia sẻ với phóng viên báo Người Tiêu Dùng rằng, sắp tới, tập đoàn có kế hoạch lập văn phòng đại diện tại TP.HCM để thâm nhập thị trường đầy tiềm năm nay. Khách hàng Việt Nam hiện mới quen dùng nhãn hàng Lotte và sắp tới họ sẽ có thêm sự lựa chọn đầy chất lượng mang tên Bourbon.

Ở TP.HCM, các nhà hàng khách sạn (trong đó có các nhà hàng Nhật Bản) mọc lên như nấm nhưng một thực tế khá ngạc nhiên là lượng tiêu thụ rượu sa kê (một loại rượu nổi tiếng của Nhật Bản) ở đây lại rất hạn chế (chỉ chiếm chưa đến 20% thị phần cả nước), thua xa thị trường sa kê ở Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, đại diện của Tân Khoa, nhà phân phối rượu Nhật Bản hy vọng thông qua lễ “Kết nối doanh nghiệp về thực phẩm và nông lâm thủy sản Nhật Bản”, nhà phân phối Tân Khoa nói riêng và các nhà phân phối rượu Nhật Bản ở TP.HCM nói chung sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác và đẩy mạnh kinh doanh ở lĩnh vực này. Và còn rất nhiều những trường hợp khác, không chỉ là bánh biscuit hay rượu sa kê của Nhật Bản, sẽ tiếp tục mở rộng phát triển kinh doanh ở TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.  

Thế Anh

Theo NTD