Giá dầu lên, hàng không lo lợi nhuận xuống

Thứ sáu, 01/06/2018, 09:58 AM

Giá dầu thô biến động gây áp lực nặng nề cho ngành hàng không trong bối cảnh các hãng máy bay lớn buộc phải điều chỉnh hoạt động.

Empty

"Giá dầu Brent ở mức 80 USD/thùng sẽ gây ra “chết chóc” trong ngành hàng không ở châu Âu trong mùa đông này", Giám đốc Điều hành của hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu Ryanair (Ireland) nhận định như vậy khi chứng kiến giá dầu tăng nhanh. Giá dầu thô biến động theo chiều tăng trong 12 tháng qua đã gây áp lực nặng nề cho ngành hàng không trong bối cảnh các hãng máy bay lớn buộc phải điều chỉnh hoạt động để thích nghi với một thị trường ngày càng cạnh tranh.

Dầu lên, hàng không lo

Dù sản lượng dầu đá phiến Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ nhưng giá dầu thô sẽ tiếp tục tăng trong năm tới vì nhu cầu dầu của thế giới đang tăng cũng như do các yếu tố chính trị ngắn hạn ở Iran, Venezuela, Lybia, ba thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Trái ngược với ngành dầu khí, giá dầu tăng mạnh trong năm 2018 (giá dầu Brent hiện đang giao dịch ở mức gần 80USD/thùng) có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế, vốn lấy “vàng đen” làm nguyên liệu đầu vào. Giá năng lượng cao hơn sẽ tạo ra ảnh hưởng lên các nền kinh tế, đặc biệt là ở các nước phải nhập khẩu dầu ở châu Á. 

Chi phí tăng lên có thể gây lạm phát và làm tổn thương cả người tiêu dùng và lẫn các công ty. Ngân hàng Mỹ Morgan Stanley cho biết: “Giá dầu tăng có thể đẩy chi phí cao hơn”. Một trong những ngành đã thấm thía đà tăng này là hàng không. Chi phí nhiên liệu thông thường chiếm trung bình khoảng 30% tổng chi phí hoạt động của các hãng hàng không nên chắc chắn sẽ tác động lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Giá nhiên liệu cao hơn sẽ làm giảm lợi nhuận của hãng hàng không, không chỉ vì giá tăng tuyệt đối mà còn là tỉ lệ tăng. Một lý do khiến các hãng hàng không khó điều chỉnh để tăng đột ngột là các hãng vận tải lên kế hoạch cho các chuyến bay một năm trước. Giá nhiên liệu tăng đột biến có thể biến một công ty từ lời sang lỗ. “Giá nhiên liệu tăng 1% có thể khiến cho lợi nhuận ròng của các hãng hàng không châu Á giảm trung bình 2,6%”, Crucial Perspective nhận định.

Tăng giá vé và tính chi phí cao hơn cho hành lý ký gửi là một trong những cách mà các hãng hàng không thế giới hay làm nhằm đối phó với việc chi phí nhiên liệu đang tăng lên. Các hãng hàng không cũng có thể điều chỉnh bằng cách cắt giảm chi phí lao động xuống mức thấp nhất có thể. Về lâu dài, các hãng hàng không xem xét hiệu quả sử dụng nhiên liệu để giảm chi phí.

Việc giảm chi phí nhiên liệu rất khó giúp cải thiện tỉ lệ sinh lời ngay lập tức. Nhiều hãng hàng không thường xuyên đối mặt với biến động giá nhiên liệu tham gia vào các hợp đồng bảo hiểm rủi ro bằng cách chốt trước giá nhiên liệu (hedging). Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ bảo hiểm như vậy cũng gặp khá nhiều rủi ro, với những biến động và thông tin trái chiều về giá dầu. 

Một mặt, có nhiều yếu tố thúc đẩy giá dầu tăng cao, như thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, hay lệnh cấm vận của Mỹ lên Iran và Venezuela có thể làm giảm nguồn cung dầu. Mặt khác, cũng có một số yếu tố có thể khiến giá dầu suy giảm mà tiêu biểu là việc sản lượng dầu đá phiến ở Mỹ ngày càng gia tăng, điều mà một số chuyên gia nhân định là có thể bù đắp được lượng cung dầu giảm xuống, hay những bất đồng giữa các thành viên của OPEC, một điều hay xảy ra trong quá khứ. 

Doanh nghiệp hàng không đứng giữa ngã ba đường, nếu không bảo hiểm giá nhiên liệu thì khi giá dầu tăng cao hơn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Nếu thực hiện bảo hiểm, nên thực hiện trên bao nhiêu % tổng dự toán nhiên liệu và kỳ hạn là bao lâu, nếu kỳ hạn quá dài, mà giá dầu giảm xuống, trong khi giá đã chốt (ở mức cao) sẽ không có lợi cho doanh nghiệp. Trên thế giới, việc các hãng hàng không lỗ vì hoạt động hedging là không hiếm. Đơn cử, Cathay Pacific đã lỗ khoảng 6,45 tỉ USD vì hoạt động hedging trong năm 2017.

Ở khu vực Đông Nam Á, giá nhiên liệu tăng đã khiến thu nhập của hai hãng hàng không Garuda Indonesia và Thai Airways International giảm mạnh trong năm 2017. Cả hai công ty đổ lỗi cho các khoản lỗ do mức tăng gần 25% trong giá nhiên liệu và tăng giá vé khiến giảm lượng hành khách xuống còn 3% cho Garuda và 7% cho Thai Airways. 

Kịch bản ứng phó

Tại Việt Nam, giá dầu Brent cũng là yếu tố chính chi phối giá xăng chuyên dụng Jet A - loại xăng được dùng cho tất cả các chuyến bay trong ngành hàng không Việt Nam. Năm 2017, Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch lợi nhuận 1.959 tỉ đồng, chỉ tăng khoảng 2,5% so với năm 2017. Vietnam Airlines cũng cho biết, kế hoạch kinh doanh được xây dựng theo giả định giá nhiên liệu ở mức 75-80 USD/thùng, tăng 15 - 20% so với năm 2017.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 của Vietnam Airlines, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Kế toán của Vietnam Airlines, cho biết vào thời điểm hiện tại, chi phí xăng dầu bình quân chiếm khoảng 30% tổng chi phí hoạt động của Hãng. Ông Hiền cho biết thêm, cứ mỗi USD giá dầu tăng thêm, chi phí của Tổng công ty tăng thêm khoảng 230 tỉ đồng trong một năm.

Empty

Công ty Chứng khoán SSI nhận định giá nhiên liệu tăng có thể ảnh hưởng đến tỉ suất lợi nhuận gộp năm 2018 của Vietnam Airlines, mặc dù Hãng đã nỗ lực tăng công suất cũng như cải thiện hệ số chuyên chở hành khách. Về kế hoạch lợi nhuận của Vietnam Airlines, SSI nhận định đây là một kế hoạch khá cẩn trọng do môi trường cạnh tranh khốc liệt và mở rộng công suất mạnh mẽ của các hãng hàng không khác và sự thiếu vắng của hoạt động bán và cho thuê lại (sale and lease back). Hơn nữa, tình trạng quá tải tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất dẫn đến hạn chế trong việc mở rộng số lượng chuyến bay, cũng như kìm hãm tiềm năng hàng không nội địa.

“Với hãng hàng không Vietjet, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40% chi phí hoạt động nên giá dầu tăng có khả năng ảnh hưởng tới lợi nhuận của hãng”, Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS nhận định.  

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, Vietjet vốn có chỉ số chi phí khai thác ở mức thấp hàng đầu trên thế giới và luôn tự tin ở khả năng quản lý chi phí. Hãng này bắt đầu chuẩn bị khai thác từ năm 2008-2010 khi giá dầu ở mức 130USD/ thùng, gấp đôi mức giá 2017. Vietjet đã có lãi ngay sau 2 năm hoạt động từ năm 2011 (giá dầu Brent là 111USD/thùng), vào năm 2013 (giá dầu Brent 108USD/thùng). Vietjet lãi lớn trong khi cũng thời gian giá dầu tăng cao này thì một hãng hàng không giá rẻ khác ở Vietnam điêu đứng cũng bởi giá dầu. 

Vietjet đang chủ động vận hành các phương án hedging, kế hoạch hedging được mong chờ là có thể kiểm soát 30% tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu trong khoảng thời gian 6 tháng. Ngoài việc kiểm soát giá nhiên liện, đội tàu bay của Vietjet sẽ nhận được các máy bay mới A320/A321 neo với động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn (giúp giảm 15% lượng nhiên liệu tiêu thụ trên mỗi ASK (đơn vị cung ứng ghế - km). Vietjet cũng dự kiến tiết giảm khoảng 5% chi phí CASK Ex Fuel (chi phí trên mỗi ghế luân chuyển loại trừ chi phí nhiên liệu) vào năm 2018.

KIS cho rằng lợi ích tiết kiệm nhiên liệu của dòng máy bay A320/321 neo sẽ phát huy hiệu quả đáng kể từ năm 2019. Bên cạnh đó, kế hoạch tăng cường các đường bay quốc tế cũng giúp cho Vietjet giảm được chi phí bình quân do giá nhiên liệu bay ở Việt Nam thường cao hơn các nước khoảng trên 30%, do các loại thuế, phí. Ngoài ra, hành khách cũng có khả năng phải chi thêm tiền khi hãng bay này từng tuyên bố sẽ tính thêm phụ thu xăng dầu khi giá dầu tăng tới mức nhất định. 

Mới đây, trang Rome2Rio xếp hạng top vé máy bay giá rẻ trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam không có trong bảng xếp hạng này do giá xăng ở Việt Nam cao hơn từ 20-30% so với các nước trong khu vực. 

Tại thị trường hàng không Việt Nam hiện nay, các công ty có thể chuyển một phần mức tăng giá của chi phí nguyên liệu sang khách hàng. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh cao ở thị trường khu vực thì kịch bản tốt nhất sẽ là giá vé được giữ nguyên so với cùng kỳ. Về vấn đề này, đại diện của  Vietnam Airlines cũng khẳng định tăng giá vé máy bay phải tính đến khả năng có đáp ứng sức mua của thị trường hay không.

Thanh Tùng

Theo NCĐT