Gặp họa vì tiêm filler làm đẹp
Nhiều chị em đã không ngần ngại “đầu tư” tiền để “đại tu” nhan sắc với mong muốn có được vẻ đẹp hoàn hảo. Tuy nhiên, số đông phụ nữ muốn làm đẹp nhưng “ít tiền” đã chọn những cơ sở thẩm mỹ thiếu an toàn dẫn đến những biến chứng như hoại tử mũi, mũi bầm tím, mưng mủ căng mọng như quả cà chua, ngực bị sưng tấy... do tiêm filler không đạt tiêu chuẩn
Biến chứng nặng vì tiêm filler
Tự ti về ngực bị chảy sệ, teo tóp sau khi sinh con, nên tháng 6 vừa qua chị L. (31 tuổi, Bình Tân) giấu chồng đến một cơ sở thẩm mỹ được quảng cáo trên mạng để nâng cấp vòng 1. Tại đây, chị được nhân viên khuyên nên tiêm filler để có dáng ngực tự nhiên mà giá rất “hời”. Sau khi tiêm, vòng ngực tăng kích cỡ được 30% khiến chị rất ưng ý, tuy nhiên niềm vui chưa được bao lâu thì chị phát hiện hai bên ngực sưng, đau. Khi hỏi lại thì nhân viên trấn an là phản ứng nhẹ của filler và sẽ hết sau vài ngày.
Tuy nhiên đến ngày thứ 5, ngực đỏ, sưng to gấp đôi bình thường. Đến khi chị nhập viện điều trị tại Bệnh viện Thánh Mẫu (Tân Bình) thì bác sĩ thấy lỗ dò ở ngực vẫn chảy, may mắn filler chỉ được tiêm khu trú ở lớp mỡ dưới da. Ngoài ra, kết quả cấy mẫu mủ phát hiện, bệnh nhân bị nhiễm một loại vi trùng, nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh do trong quá trình tiêm filler không bảo đảm vô trùng.
Để điều trị, ngoài dùng kháng sinh, bệnh nhân được nhân viên y tế nặn ép mủ 2 lần/ngày, sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân được ra viện. Đáng nói, mặc dù ngực bệnh nhân đã hết nhiễm trùng nhưng giờ sẽ để lại sẹo khiến ngực méo mó, biến dạng. Đặc biệt, bên trong vẫn còn chất làm đầy nên bệnh nhân sẽ cần được theo dõi thời gian dài.
Mới đây, Viện Bỏng Quốc gia đã phải điều trị cấp bách cho hai trường hợp biến chứng vòng 3 nặng do tiêm filler tại spa không phép.
“Hai bệnh nhân này đều được tiêm 100 ml filler cho mỗi bên mông. Sau tiêm, bệnh nhân bị sưng mông, được cho uống rất nhiều kháng sinh nhưng không lành. Sau 2-6 tháng, bệnh nhân không thể ngồi, nằm ngửa, sinh hoạt như bình thường nên mới đến bệnh viện cầu cứu bác sĩ. Hậu quả, vòng ba bị biến chứng nặng, thành ổ áp xe, hút ra hàng trăm ml mủ” - bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Viện Bỏng Quốc gia cho biết.
Bệnh nhân được bác sĩ đặt ống dẫn lưu, tháo toàn bộ mủ, bơm rửa khoang vòng ba và hút mủ liên tục. Sau khi hết viêm sẽ được cấy mỡ để bù lại phần bị thiếu, tuy nhiên vòng ba sẽ không thể trở lại hình dạng như ban đầu. Trước đó, đơn vị này cũng đã điều trị cho bệnh nhân bị tắc mạch do tiêm filler, tiên lượng nặng, có nguy cơ hoại tử mũi.
Nguy hiểm khó lường
Bác sĩ Bệnh viện Thánh Mẫu cho biết, những biến chứng do tiêm filler thường gặp như: Thủng lỗ dò ở ngực, mũi do không bảo đảm vô trùng. Những tai nạn xảy ra khi tiêm filler: Tiêm sai vị trí gây mù mắt hoặc tiêm vào mạch máu gây tắc mạch, thậm chí tiêm quá liều sẽ gây hoại tử.
Đây là một thủ thuật không quá phức tạp, nhưng nếu người trực tiếp tiêm không phải là bác sĩ sẽ dễ xảy ra tai nạn, trên thực tế có nhiều trường hợp nhân viên các spa thực hiện tiêm filler cho khách hàng, do không phải là bác sĩ và được đào tạo chính quy nên xảy ra biến chứng là điều dễ hiểu.
Hiện nay, có tình trạng “loạn” làm đẹp do nhiều quán cắt tóc, gội đầu cũng quảng cáo tiêm filler dạng “xách tay” cho các thượng đế với giá rẻ bất ngờ. Khách hàng khi nghe xuất xứ Hàn Quốc, kèm giá rẻ nên bất chấp những rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe mà mù quáng tin theo. Vì vậy, những ca tai biến điều trị kéo dài, khó khăn, dù có cố gắng chữa trị thế nào cũng không thể trả lại hình dạng như ban đầu mà sẽ để lại sẹo, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ cho người phụ nữ.
Ngoài ra, bác sĩ Tuấn cho biết, hiện thị trường xuất hiện tràn lan các spa làm đẹp thiếu giấy phép, tiêm filler số lượng lớn không rõ nguồn gốc cho bệnh nhân, giá chỉ 20-30 triệu đồng/100-200ml, thậm chí rẻ hơn. Ông cũng khuyến cáo người dân cần đi làm đẹp nên đến những cơ sở uy tín để tiêm filler hay sử dụng các phương pháp làm đẹp khác mà không nên nghe theo những quảng cáo bên ngoài. Cần chọn sản phẩm filler có nguồn gốc an toàn, tinh khiết, nhất là người tiêm filler phải là bác sĩ về tạo hình thẩm mỹ, có chứng chỉ hành nghề để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra” - bác sĩ Tuấn kết luận.
Minh Việt
-
Một vitamin quen thuộc có thể kiểm soát tiểu đường
-
Điều gì sẽ xảy ra nếu bổ sung vitamin quá liều?
-
Viêm tai, điếc… vì đeo tai nghe mọi lúc mọi nơi
-
Viêm hô hấp đang tấn công trẻ em
-
Giải phóng 25.000 hạt vi nhựa trong 15 phút, cốc giấy dùng 1 lần nguy hiểm thế nào?
-
Bệnh dại gia tăng, TP.HCM ra khuyến cáo