Du lịch thành phố Hồ Chí Minh: Đa dạng sản phẩm để thu hút du khách

Thứ hai, 13/03/2023, 10:23 AM

Sau dịch Covid-19, ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực phục hồi bằng những sản phẩm mới, dịch vụ mới. Một trong số đó là chương trình mỗi địa phương một sản phẩm du lịch, bước đầu phát huy hiệu quả tích cực.

h1

Những thành công bước đầu

Chương trình mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng được thành phố Hồ Chí Minh triển khai từ đầu năm 2022. Dựa trên các tài nguyên lịch sử, văn hóa, cảnh đẹp sẵn có, chính quyền địa phương và doanh nghiệp lữ hành cùng đầu tư để cho ra những sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương mình.

Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 3-2023, đã có 20/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai 30 mô hình, sản phẩm du lịch đặc trưng. Điển hình trong số đó là các tour: "Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa",  "Hóc Môn - Vùng đất lịch sử", "Quận 11 - Có một Chợ Lớn rất khác", "Sống động Sài Gòn", "Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn”, “Lắng nghe hơi thở của rừng”, “Hóc Môn trên bến dưới thuyền”, “Thành phố Thủ Đức bên dòng sông xanh”, "Lái xe Vespa khám phá quận 3 đa sắc màu"…

Du khách khám phá tour

Du khách khám phá tour "Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa".

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - marketing, Công ty TSTtourist là đơn vị phối hợp triển khai sản phẩm du lịch "Lái xe Vespa khám phá quận 3 đa sắc màu" cho biết, du khách rất hào hứng với sản phẩm này, bởi tính độc đáo và hấp dẫn của nó. “Việc ngồi sau những chiếc Vespa cổ chạy ngang dọc những con đường đầy cây ở quận 3, khám phá những di tích xưa cũ khiến nhiều người muốn trải nghiệm khi quay lại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới”, ông Mẫn nói. 

Anh Vũ Công Trọng, du khách đến từ Hà Nội, hào hứng kể về chuyến du lịch theo tour “Quận 11- Có một Chợ Lớn rất khác”: “Trước đây, tôi từng nghĩ Chợ Lớn là chợ Bến Thành, rồi nghĩ quận 5 có nhiều nét đặc trưng của người gốc Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh. Giờ đi theo tour này mới biết thêm nhiều nét đặc sắc riêng có ở quận 11. Rất thú vị”.

Du khách đi xe Vespa khám phá cuộc sống đường phố.

Du khách đi xe Vespa khám phá cuộc sống đường phố.

Theo Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, chương trình "Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng" trở thành điểm nổi bật trong năm 2022 của ngành Du lịch thành phố. Chương trình đã tạo chuỗi sản phẩm mới tôn vinh các giá trị văn hóa - lịch sử - kiến trúc gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn - Gia Ðịnh và nhịp sống hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2023, thành phố đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa.

Khắc phục một số tồn tại

Huyện Cần Giờ của thành phố Hồ Chí Minh có thế mạnh về du lịch sinh thái, khi là huyện duy nhất giáp biển và có hơn 80% diện tích của huyện là khu sinh quyển rừng ngập mặn, đa dạng sinh học và nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Năm 2022, Cần Giờ đón hơn 3 triệu lượt du khách, với doanh thu 2.114 tỷ đồng (doanh thu tăng 2,2 lần so với năm trước). 

Du khách khám phá tour

Du khách khám phá tour "Lắng nghe hơi thở của rừng" ở huyện Cần Giờ.

Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ được đánh giá có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng hàng đầu khu vực. Nhưng đến thời điểm này, tiềm năng của Cần Giờ vẫn chưa được đánh thức. Huyện chỉ thu hút được 4-6% trong số khoảng 30 triệu du khách đến thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm.

Nhận định nguyên nhân, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất là huyện bị tách biệt với phần còn lại của thành phố Hồ Chí Minh. Phà Bình Khánh nối huyện với huyện Nhà Bè thường xuyên quá tải, tắc nghẽn giao thông. Trên địa bàn huyện chưa có điểm dừng chân, nghỉ chân, chưa có nhiều điểm vui chơi, mua sắm, nghỉ dưỡng chất lượng …

“Huyện đã đề xuất thành phố trợ giúp khắc phục điểm nghẽn giao thông, hạ tầng dịch vụ; tăng thêm tuyến phà nối huyện với huyện Gò Công Đông của tỉnh Tiền Giang để tăng kết nối với miền Tây. Huyện cũng xác định chiến lược cùng thành phố đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành các loại hình du lịch, dịch vụ phụ trợ kinh tế biển”, ông Nguyễn Văn Hồng nói.

Cần Giờ có thế mạnh về du lịch sinh thái, nhưng lại thiếu hạ tầng dịch vụ nên chưa thu hút nhiều du khách.

Cần Giờ có thế mạnh về du lịch sinh thái, nhưng lại thiếu hạ tầng dịch vụ nên chưa thu hút nhiều du khách.

Đồng tình với chủ trương cần phát triển một hệ sinh thái cho du lịch, không chỉ tạo các sản phẩm đơn lẻ, đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist nhận định, nhiều địa phương có biển (như Cần Giờ) có lợi thế nhưng chưa có đủ điều kiện phát triển du lịch biển, vì thiếu hạ tầng cảng thuỷ nội địa riêng cho hoạt động du lịch biển đảo địa phương, nội vùng và liên vùng.

Theo Phương Nguyễn, một Youtuber có tiếng về quảng bá du lịch, việc thành phố Hồ Chí Minh tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng ở từng địa phương là nỗ lực rất đáng trân trọng và là cách làm mới, tạo sự hấp dẫn cho du khách. Tuy nhiên, nếu có một hệ sinh thái hỗ trợ cho từng sản phẩm, mọi thứ sẽ hoàn thiện hơn.

Du khách khám phá tour

Du khách khám phá tour "Theo dấu chân biệt động Sài Gòn".

 “Ví dụ, một du khách từ nơi xa đến thành phố Hồ Chí Minh nghỉ tại quận 1 và muốn tự khám phá quận Tân Phú theo tour “Tân Phú - Đi là nhớ”. Nhưng việc thuê xe máy tự lái với du khách ở thành phố chưa dễ dàng vì ít xe và thủ tục đặt cọc tiền, giấy tờ khá phức tạp. Đến nơi, du khách lại phải tự tìm nơi ăn, chỗ nghỉ đặc sắc tại địa phương. Nếu quận Tân Phú giới thiệu gói “combo” đủ các dịch vụ theo tour du lịch, sẽ hấp dẫn hơn”, Phương Nguyễn đề xuất.   

TUỆ AN

Theo hanoimoi.com.vn
Từ khóa:

du lịch

du khách

TP.HCM

largeer