Du lịch đường sông TP HCM "cần nhạc trưởng"

Thứ bảy, 07/07/2018, 06:05 AM

Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp (DN) đưa ra ở hội thảo "Phát triển du lịch đường sông tại TP HCM", do Viện Nghiên cứu Phát triển TP và Trường ĐH Văn hóa TP tổ chức ngày 5-7.

Theo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020 đến năm 2020, có ít nhất 7 chương trình du lịch đường thủy được khai thác trên các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu và các tuyến kênh, rạch nội địa… Mục tiêu của TP là số lượng khách du lịch đường sông đến TP năm 2017-2018 đạt khoảng 450.000 lượt khách/năm, tăng 15%/năm trong những năm tiếp theo; khách quốc tế đi đường biển đến TP đạt 470.000 lượt khách/năm.

Mục tiêu là vậy nhưng Sở Du lịch TP nhìn nhận hạ tầng, hệ thống bến tàu, cảng biển của TP vẫn chưa đủ phục vụ lượng tàu thuyền hoạt động trên địa bàn. Do đó, TP chưa phát triển hết tiềm năng về giao thông thủy và du lịch đường thủy có sẵn.

Tuyến buýt đường thủy số 1 đang thu hút khá nhiều du khách tham quan Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tuyến buýt đường thủy số 1 đang thu hút khá nhiều du khách tham quan Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TS Mai Hà Phương, Trường ĐH Văn hóa TP, cho rằng có nhiều yếu tố đang cản trở sự phát triển của loại hình du lịch này như môi trường sông rạch phần lớn bị ô nhiễm; cảnh quan đôi bờ trên phần lớn chiều dài các tuyến sông rạch chưa thật sự hấp dẫn để tạo điểm nhấn thu hút khách. Hệ thống bến tàu và trạm dừng chân còn quá ít, phân bổ chưa hợp lý… Đến nay vẫn chưa có sản phẩm đặc trưng mang tính biểu tượng của du lịch đường sông ở TP, chưa khai thác sâu các giá trị của văn hóa sông nước Sài Gòn xưa cũng như tiềm năng của TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình hiện nay.

Ngay cả trong tổ chức khai thác du lịch đường sông, sự kết nối với các địa phương lân cận và vùng ĐBSCL còn hạn chế nên sản phẩm du lịch tập trung chủ yếu trong khu vực nội thành và trên 2 tuyến chính là Sài Gòn - Cần Giờ và Sài Gòn - Củ Chi. Chưa kể, giá tour đường sông đang khá cao do tính đặc thù nên chưa thu hút rộng rãi đối tượng khách du lịch, nhất là khách nội địa. Các dịch vụ về đêm cho du lịch trên sông rất ít, chưa khai thác được sự hấp dẫn của TP về đêm…

Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho biết thời gian qua, các ban - ngành của TP đã nhiều lần trao đổi, họp bàn, khảo sát, thậm chí có cả phiên giải trình của TP về chiến lược phát triển du lịch đường sông. Sản phẩm du lịch của TP hiện nay, nhất là du lịch đường sông, vẫn chưa có sản phẩm đặc trưng nào trong khi tiềm năng là rất lớn. Chưa kể, TP vẫn chưa có quy hoạch du lịch nên rất khó và một "nhạc trưởng" đúng nghĩa cho lĩnh vực du lịch cũng vẫn thiếu. Do đó, nhiều ý kiến chuyên gia và diễn giả đề xuất TP cần một "nhạc trưởng" là trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch đường sông để loại hình này phát triển đúng tiềm năng.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP, do tính đặc thù nên một mình ngành du lịch không thể tự phát triển sản phẩm du lịch mà cần sự hỗ trợ, đồng hành và vào cuộc của các sở, ban- ngành, quận - huyện khác. Sở Du lịch đang tiếp tục duy trì gặp gỡ với các DN đường thủy trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đầu tư bến đỗ, cầu tàu, các dịch vụ trên cầu tàu, bến đỗ phục vụ cho du lịch…

"Có quá nhiều khó khăn cho DN khi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, như việc đầu tư một tuyến xe buýt điện trên lộ trình tuyến du lịch đường sông mà cần phải trình tới Thủ tướng; thủ tục cấp phép phải qua rất nhiều tầng nấc. Do đó, vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới trong phát triển du lịch đường sông cũng cần tiếp tục được đẩy mạnh" - bà Hoa nói.

Linh Anh

Theo NLĐ